Lễ hội ăn trâu: Có phải đang "lệch nhịp"?

11:04, 27/04/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Ăn trâu, một lễ hội có qui mô lớn của nhiều dân tộc thiểu số. Lễ hội này hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc tiêu biểu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều tranh cãi.
Nét văn hóa độc đáo
 
Những ngày tháng 3 Âm lịch, gia đình già làng Hồ Văn Thuận (93 tuổi, thôn 2, xã Trà Thủy) rộn ràng tổ chức lễ hội ăn trâu. Ông muốn tạ ơn ông bà, thần linh đã phù hộ, độ trì cho gia đình ông và dân làng có sức khỏe dồi dào, làm ăn khấm khá trong suốt năm qua.
 
Già Thuận chọn thời điểm này vì hiện nay lúa thóc đã đưa vào chòi. Mọi người đều được nghỉ ngơi và thời tiết khá thuận lợi. Dân trong làng có dịp gặp gỡ, chung vui, cùng dâng đầu trâu tế thần linh và thông báo tình hình làng mình suốt năm qua.
 
Già Thuận thực hiện nghi lễ mời thần linh về chứng giám và tham dự lễ ăn trâu.
Già Thuận thực hiện nghi lễ mời thần linh về chứng giám và tham dự lễ ăn trâu.
 
Đã bước qua cái tuổi gần 100, già Thuận không biết mình còn có thể hiến thêm mấy con trâu nữa. Tuy nhiên, già vẫn nhớ, đây là con trâu thứ 8 mà cá nhân già đã hiến. Lần này, gia đình già phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng để mọi người cùng đón một lễ hội thật vui, trọn vẹn.
 
Cách đây khoảng nửa năm, già xuống tận miền xuôi lựa một con trâu đực khỏe, đầu lớn, sừng to. Ngoài trâu là vật hiến chính thì gia đình còn chuẩn bị rất nhiều heo, gà, lương thực, thực phẩm… “Dân làng mỗi người có đóng góp vài lon gạo hay ché rựơu ngon, còn chi phí đều do gia đình tự lo. Tính sơ cũng ngoài 40 triệu đồng đấy”, già Thuận tiết lộ.
 
Một việc chính trước lễ hội ăn trâu là dựng cây nêu. Nó khá công phu và tỉ mỉ. Dựng xong, già Thuận cùng dân làng đem trâu đến buộc vào để chuẩn bị cúng báo với thần linh và mời các ngài về dự lễ, chứng giám cuộc đâm trâu ngày mai. Sau khi lo xong lễ cúng này, họ cùng nhau nhảy múa, nổi cồng chiêng suốt đêm như để tiễn trâu.
 
Ngày diễn ra lễ ăn trâu, từ sáng sớm, dân làng xúng xính trang phục rực rỡ, đổ về khu vực cây nêu, vây quanh vật tế nhiều vòng. Con trâu bị quay cuồng trong tiếng cồng chiêng. Nó chạy quanh cây nêu như muốn tháo chạy.
 
Kết thúc việc đi quanh vật tế, cuộc đâm trâu bắt đầu. Già Thuận là người chủ trì. Người đâm trâu là một người có uy tín trong làng. Sau khi nghi lễ đâm trâu kết thúc là lúc mọi người bắt đầu cuộc ăn uống vui chơi kéo dài trong 3 ngày. Có nơi kéo dài đến cả tuần lễ.
 
Nhiều giá trị văn hóa tồn tại trong lễ hội ăn trâu.
Trong lễ ăn trâu có rất nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo được ghìn giữ và lưu truyền. Trong ảnh, các nghệ nhân đấu chiêng suốt đêm để tiễn trâu.
 
Loại bỏ hay giữ lại?
 
Lễ hội ăn trâu với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống mang ý nghĩa tâm linh cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Tuy nhiên, lúc đâm đâu cũng là lúc mà không ít người cho là rùng rợn và dã man nhất. Không khó để bắt gặp những cái quay lưng, hướng nhìn sang phía khác. Bà Lâm Thị Thu Hiền (56 tuổi, thôn 3, xã Trà Thủy) thẳng thắng: “Khi mới lên đây, nghe đến lễ hội ăn trâu, tôi hào hứng lắm. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh đâm trâu, tôi khiếp quá! Lâu nay, với chúng tôi con trâu là đầu cơ nghiệp".
 
Cũng theo bà, điều mà bà lo sợ, nghi lễ này có rất nhiều trẻ con chứng kiến. Chúng trong độ tuổi chưa trưởng thành và sẽ có nhiều tác động tiêu cực. Đó là một trong nhiều ý kiến của những “người ngoài” như bà Hiền. Họ cảm thấy nó đang "lệch nhịp" với xã hội hiện nay và cần phải đặt nhiều tình yêu thương, bảo vệ động vật.
 
Tuy nhiên, với người dân của làng như ông Hồ Ngọc An, cán bộ văn hóa xã Trà Thủy thì không như vậy. Ông nghĩ, đó là việc tâm linh, tế thần lấy may mắn. “Đâm trâu, tuy có rùng rợn nhưng cốt lõi vẫn biểu hiện một nhân sinh quan tích cực. Người dân làng ông tin rằng, lễ hội ăn trâu có thể đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Do đó, không thể ngăn người dân tổ chức lễ hội được”, ông bộc bạch.
 

 

 

Theo ông Cao Văn Chư, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, bất cứ một lễ hội nào cũng đều có những giá trị lẫn hạn chế của nó. Đây không chỉ là một trong những lễ hội lớn của người Cor mà còn của đông đảo đồng bào các dân tộc anh em sống quanh khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. 

 
Không có lễ thì không có hội và ngược lại. Nếu không có lễ hội đâm trâu thì những giá trị của các nhân tố nổi trội của nó như tính gắn kết cộng đồng, bảo tồn văn hóa nghệ thuật, bản sắc dân tộc gặp nhiều khó khăn trong việc gìn giữ và lưu truyền. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, lễ hội ăn trâu có nhiều hạn chế nhất định: Hao tổn vật chất, thời gian, sức khỏe… 
 
Loại bỏ, giữ lại, hay làm sao để hạn chế là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Không ít người tỏ rõ quan điểm cần bỏ qua nghi lễ đâm trâu hoặc có đâm thì chọn một nơi không có cộng đồng chứng kiến. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu không có nghi lễ đâm trâu thì lễ hội ăn trâu không còn gì đặc sắc, vì đây là phần quan trọng nhất.
 
Theo ông Cao Văn Chư thì nên tôn trọng ý kiến của cộng đồng dân cư bản địa. Cái cốt lõi vẫn là ý thức của người dân. Theo thời gian, nếu nhận thức, tư duy của người dân thay đổi, tức là họ cảm thấy không cần và không nên duy trì những nghi thức như vậy trong lễ hội nữa thì họ sẽ tự chấm dứt. Cần thiết, nên ”trả” lễ hội về đúng qui mô ban đầu của nó. Hạn chế tình trạng nâng cấp mở rộng ở cấp độ cá nhân quá nhiều khi mà cuộc sống của người vùng cao hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả…/.
 
 
Bài, ảnh: Th. Hậu
 

.