Kết nối di sản thế giới trong Năm Du lịch quốc gia 2015

07:04, 04/04/2015
.

 Tối 3/4, Năm Du lịch quốc gia 2015 với chủ đề “Kết nối di sản thế giới” đã chính thức được phát động tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ phát động Năm Du lịch quốc gia 2015. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ phát động Năm Du lịch quốc gia 2015. Ảnh: VGP/Đình Nam


Dự lễ khai mạc có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương; các vị khách quốc tế, du khách trong nước và nước ngoài cùng đông đảo người dân tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, vùng đất của văn minh Đông Sơn, của văn hiến khoa bảng, được chọn làm địa điểm phát động Năm Du lịch quốc gia 2015 với chủ đề “Kết nối di sản thế giới”.

Theo Phó Thủ tướng, kết nối các di sản không chỉ nhằm phát triển du lịch mà còn nhắn nhủ mỗi người dân Việt Nam phải khơi dậy, phải phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong các hoạt động du lịch và trong cuộc sống.

Mục tiêu cuối cùng là để mỗi du khách luôn có những giây phút kỳ thú mà bình yên, mới mẻ mà thân thuộc, thoải mái và ấm tình người... khi đến Việt Nam, 1 trong 20 quốc gia được khách du lịch yêu thích nhất trên thế giới.

Nhắc tới sự thành công của du lịch Thái Lan, Malaysia, Singapore, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng du lịch không chỉ liên quan tới di sản, tới phong cảnh, tới khách sạn, nhà hàng... mà ngay từ mỗi nỗ lực tưởng chừng là nhỏ lẻ trong tất cả các khâu.

Đó là thủ tục nhanh gọn, tác phong lịch sự, thái độ thân thiện của những người lính biên phòng, chiến sĩ công an nơi cửa khẩu. Sự tận tình, chu đáo, kỹ năng chuyên nghiệp của cán bộ, nhân viên du lịch và các ngành. Thái độ văn minh, thân thiện qua cử chỉ, ánh mắt, nụ cười của người dân trong từng hành động ứng xử hàng ngày... Những việc đó đã góp phần phát triển du lịch và quan trọng hơn là góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.

Ảnh: VGP/Đình Nam
Ảnh: VGP/Đình Nam


“Những bài học, kinh nghiệm thực tiễn rất nhiều, không nhất thiết phải từ những nước có nền du lịch phát triển hơn. Chúng ta có thể học hỏi ngay từ những địa phương đã xây dựng được những kỹ năng thực hành du lịch lành mạnh như Di sản văn hóa phố cổ Hội An. Chúng ta cũng có thể học ngay từ du khách và chính từ những suy ngẫm về mong muốn, về trải nghiệm của bản thân và của những người quen biết khi đi du lịch”, Phó Thủ tướng nói.

Do vậy, các hoạt động kết nối di sản nói riêng và phát triển du lịch nói chung rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương, các doanh nghiệp và sự chung tay của cả cộng đồng để phát triển một nền du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả.

Từ đó, các bộ, ngành liên quan, các địa phương cùng nỗ lực khắc phục tình trạng manh mún, tự phát, thiếu đồng bộ không chỉ làm du lịch chưa phát huy tốt tiềm năng mà còn có tác động tiêu cực về văn hóa, xã hội và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

"Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần làm việc một cách chu đáo nhất để không còn xảy ra tình trạng du khách “một đi không trở lại” do bị vòi vĩnh hoặc họ e sợ trước tình trạng mất an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tình hình vi phạm an toàn giao thông...", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng kêu gọi: “Chúng ta đừng coi du khách chỉ đơn thuần là khách hàng và ta là người bán hàng với mục đích thu được nhiều tiền nhất. Hãy coi du khách là khách quý còn chúng ta là chủ nhà mến khách. Hãy để du khách được thỏa lòng với những sản phẩm, những dịch vụ mà ta thực hiện bằng kỹ năng chuyên nghiệp, bằng sự nâng niu, tấm lòng yêu nghề, yêu người, yêu cuộc sống. Những lợi ích vật chất chúng ta xứng đáng nhận được từ du khách tự nhiên sẽ tới và quan trọng hơn là sẽ tới cùng tình người, cùng sự tôn trọng, quý mến, sẻ chia”.
 

Tuần lễ khai mạc "Năm Du lịch quốc gia 2015" tại Thanh Hóa còn có các hoạt động: Tạo dựng đường hoa Lê Lợi; Triển lãm, trưng bày “Thanh Hóa - miền di sản”, “Sen trong đời sống văn hóa Việt” và “Non nước Ninh Bình”; Lễ cầu siêu các Anh hùng liệt sĩ và giáo viên, học sinh Trường Y sĩ, Trường Sư phạm 7+2, dân công Đông Sơn hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã ngày 14/6/1972; Lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hàm Rồng; Công bố tuyến du lịch "Ngược xuôi sông Mã”; Trưng bày tranh cổ động tấm lớn với chủ đề chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và "50 năm Hàm Rồng chiến thắng"; Liên hoan “Câu hò nối những dòng sông các tỉnh Bắc miền Trung mở rộng”; Lễ hội và Lễ đón Bằng công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt - Di tích Lịch sử và Kiến trúc Khu di tích Bà Triệu…

 

Theo Đình Nam (Chinhphu.vn)
 


.