(Báo Quảng Ngãi)- TP.Quảng Ngãi được mở rộng, số lượng di tích trên địa bàn tăng lên gấp 3 lần. Bối cảnh mới đó đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa trong công tác quản lý và tôn tạo di tích của các cơ quan chức năng.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Quảng Ngãi có 32 di tích được xếp hạng. Trong đó có 4 di tích cấp quốc gia (di tích Mộ và đền thờ Bùi Tá Hán, di tích Thành cổ Châu Sa, thắng cảnh núi Phú Thọ và Cổ Lũy Cô thôn, di tích thắng cảnh Thiên Ấn) và 28 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra còn có 3 địa điểm di tích đang chuẩn bị làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh.
Di tích Bốn Dũng sĩ Nghĩa Dũng (xã Nghĩa Dũng) sắp được trùng tu, tôn tạo. |
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng- Trưởng Phòng VH-TT thành phố, từ khi UBND tỉnh có quy định về phân cấp quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý, tôn tạo di tích đã có nhiều chuyển biến tích cực. UBND thành phố và các xã, phường đều đã thành lập Ban quản lý di tích. Tại các xã mới sáp nhập, công tác thành lập ban quản lý di tích cũng đang được triển khai thực hiện.
UBND thành phố cũng đã ban hành nhiều kế hoạch về tổ chức bảo vệ và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Bằng nguồn vốn ngân sách, thành phố đã hoàn thành trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử 68 Chiến sĩ giải phóng (phường Nguyễn Nghiêm) với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng…; hoàn thành công trình trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử 71 Hùng Vương (phường Trần Hưng Đạo); hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng 2 di tích: Di tích lịch sử Bốn Dũng sĩ Nghĩa Dũng (xã Nghĩa Dũng) và Di tích vụ thảm sát Khánh Lâm (xã Tịnh Thiện)…
Ông Hồ Văn Hương, cán bộ Văn hóa-xã hội, UBND xã Nghĩa Phú cho biết: “Tại di tích thắng cảnh núi Phú Thọ, từ khi xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho bà con, việc xâm lấn đất di tích làm mồ mả đã chấm dứt. Đáng mừng hơn, người dân đã có ý thức, phối hợp cùng chính quyền địa phương phát hiện và thông báo những trường hợp người địa phương khác đến xây dựng mồ mả, xâm lấn di tích”. UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Phòng GD& ĐT triển khai đến các trường tiểu học, THCS trên địa bàn đăng ký chăm sóc và bảo vệ 1-2 di tích tại địa phương, nhằm phổ biến, nâng cao ý thức bảo vệ di tích cho học sinh.
Ông Nguyễn Tiến Dũng- Phó Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi cho biết: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, tôn tạo di tích cũng còn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn. Nhất là sau khi sáp nhập 13 xã, phường khiến số lượng di tích tăng lên đáng kể và tình trạng hư hại, xuống cấp, người dân lấn chiếm, xâm hại di tích. Hiện nay, đa số các di tích trên địa bàn thành phố chưa được cắm mốc giới bảo vệ, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài.
Xã Nghĩa An có 2 di tích cấp tỉnh (Chiến thắng Nghĩa An và di tích Kho muối đồn Thương Chánh) thì cả 2 đều rơi vào tình trạng xuống cấp và bị xâm chiếm. Di tích Kho muối đồn Thương Chánh nằm ngay trong khuôn viên Trường Tiểu học Phổ An, nhưng dường như không học sinh nào biết về sự tồn tại của nó. Bởi, ngoài một tấm bia di tích đã mòn hết chữ, thì lâu nay, di tích này đã bị quên lãng.
Hay như di tích lịch sử Bốn Dũng sĩ Nghĩa Dũng (xã Nghĩa Dũng) có địa thế cao nên mỗi mùa mưa bão đến người dân trưng dụng làm nơi “trú bão, lũ” cho trâu, bò. Còn di tích Thành cổ Châu Sa (xã Tịnh Châu) đã từng đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” do không được cắm mốc bảo vệ, dẫn đến tình trạng bị xâm lấn… Nhiều di tích mà thành phố mới tiếp nhận từ 13 xã, phường sáp nhập không có hồ sơ di tích (như di tích Thành cổ Châu Sa, di tích thắng cảnh Thiến Ấn...), qua đó cho thấy sự thiếu quan tâm của địa phương trong vấn đề quản lý di tích lâu nay.
UBND thành phố đã kiến nghị tỉnh hằng năm trích nguồn ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách UBND tỉnh cho thành phố để bổ sung kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là, vốn đầu tư cho công tác tôn tạo, trùng tu di tích thường được thực hiện dàn trải, nhỏ giọt. Do đó, nhiều di tích sau khi được trùng tu tôn tạo, chưa phát huy được hiệu quả đã sớm bị hư hỏng trở lại.
Bài, ảnh: Hà Xuyên