Một nhà sử học gắn bó với biển đảo

02:12, 29/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã là một trong những nhà nghiên cứu về biển đảo, đặc biệt là Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Ông đã từng đến Quảng Ngãi nhiều lần và  đã tặng bản đồ An Nam Đại quốc cùng nhiều tư liệu quý về Hoàng Sa, Trường Sa cho Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa và Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Cả cuộc đời nghiên cứu của mình, ông dành nhiều thời gian tìm hiểu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trong những lần tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn gần đây người ta thấy một người đàn ông có mái tóc bạc trắng, thanh thoát lúc thì chụp hình, ghi chép diễn biến của buổi lễ, rồi thấy ông lại lân la hỏi chuyện các ngư dân trên đảo. Đó là Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã. Đối với bà con ngư dân Lý Sơn và giới nghiên cứu ở Quảng Ngãi không còn xa lạ gì Tiến sĩ Nguyễn Nhã. Khi thì ông đến Quảng Ngãi tặng vài tư liệu quý giá về chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam. Lúc thì tặng vài tấm bản đồ cho Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa ở Lý Sơn; nói chuyện về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa với sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã (bên phải) tặng bản đồ An Nam Đại quốc cho một số tộc họ ở Lý Sơn.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã (bên phải) tặng bản đồ An Nam Đại quốc cho một số tộc họ ở Lý Sơn.


Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết: Giám mục Taberd -người vẽ bản đồ An Nam Đại quốc còn ghi rõ trên bản đồ: Paracel seu Cat Vang (Paracel hay là Cát Vàng tức Hoàng Sa). Đây là tài liệu quý hiếm của người nước ngoài xác lập tọa độ khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Trên bản đồ này không ghi bất cứ hòn đảo nào của nước ngoài. Bản đồ An Nam Đại quốc họa đồ chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng: Bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ” xuất bản vào năm 1838 không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị pháp lý khi các nhà nghiên cứu của cả Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây đều đã biết đến tấm bản đồ này và công nhận về tính pháp lý của nó.  

Trong một lần đến Lý Sơn, Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng: Trên mảnh đất thiêng liêng này chứa đựng nhiều dấu tích liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hàng trăm năm trước. Trong đó có một tờ lệnh đi Hoàng Sa năm Giáp Ngọ (1834) của triều đình nhà Nguyễn đã được phát hiện ở Lý Sơn và thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận. Cuối cùng, nó đã được tộc họ Đặng- giữ tờ lệnh này trao cho Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đây là một minh chứng hùng hồn về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Ông luôn mong muốn làm sao phổ biến một cách rộng rãi những nghiên cứu của ông về đề tài chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam đến người dân trong nước và bạn bè quốc tế, nhất là cho giới trẻ để mọi người ý thức hơn nữa về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà cha ông ta đã mất biết bao xương máu để gìn giữ qua biết bao thời kỳ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhã thì mỗi người dân Việt Nam đều nhận thức chủ quyền quốc gia không chỉ là con sông, dòng suối, là luỹ tre làng mà còn là biển đảo. Ngay lúc này đây, tất cả mọi người hãy hướng về biển đảo; về Hoàng Sa, Trường Sa bằng những hành động cụ thể, thiết thực, cùng chung tay bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa.

Bài, ảnh: Lê Anh Vinh
 


.