Thân thế và sự nghiệp Cụ Huỳnh Thúc Kháng- Một cuốn sách giá trị

03:10, 05/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thân thế và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng  là cuốn sách tập hợp có chọn lọc các tham luận tại cuộc hội thảo khoa học cùng tên do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức vào ngày 20.4.2012, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày mất cụ Huỳnh Thúc Kháng (21.4.1947- 21.4.2012).

Nếu như trong tập kỷ yếu “Báo cáo tham luận Hội thảo khoa học Thân thế và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng”  lưu hành trong thời gian diễn ra hội thảo có đến 93 tham luận (hơn 700 trang, khổ 19cm x 27cm, không kể Lời nói đầu của Ban tổ chức và Đề dẫn Hội thảo của ông Dương Trung Quốc- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), thì lần này chỉ có 69 tham luận được chọn để in thành sách. Điều này cho thấy cuộc hội thảo đã thu hút rất đông đảo sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý và những người yêu mến, kính trọng cụ Huỳnh Thúc Kháng, đồng thời cho thấy những người làm sách thật sự nghiêm túc, có trách nhiệm trong việc biên tập, tuyển chọn để cung cấp cho bạn đọc nói chung, các nhà nghiên cứu nói riêng, một tài liệu có giá trị, cần thiết trong việc tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp và trước tác của cụ Huỳnh Thúc Kháng - một danh nhân lịch sử có quá trình hoạt động yêu nước và văn hóa sôi nổi, đa dạng, đa lĩnh vực và để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử nước nhà.

Trên lĩnh vực tranh đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng với các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Lê Đình Cẩn, Nguyễn Quyền, Lương Văn Can… là những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ nho sĩ, khoa bảng tham gia tích cực các hoạt động yêu nước đầu thế kỷ XX. Nói một cách chính xác hơn, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng chính là những người tiên phong, khởi xướng phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ sau đó lan nhanh ra cả nước, với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu nhân sinh”, khơi nguồn cho một phong trào yêu nước đi đôi với cải cách xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa dân quyền- dân chủ.

Trên lĩnh vực báo chí, sự ra đời của báo Tiếng Dân do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử báo chí nước nhà. Tồn tại 16 năm (1927-1943), tờ báo đã nói được tiếng nói của người dân Việt Nam cùng khổ, mất nước; góp phần giáo dục tình cảm yêu nước, thương nòi; tố cáo áp bức, bất công.

Huỳnh Thúc Kháng còn là một nhà thơ, sử gia, nhà tranh đấu nghị trường xuất sắc. Với các tác phẩm Phan Tây hồ tiên sinh lịch sử, Nguyễn Lộ Trạch, Trung Kỳ cự sưu ký, Cuộc khởi nghĩa Duy Tân (1916)…, Minh Viên tiên sinh đã chứng tỏ là một nhà viết sử đầy tâm huyết, thấm nhuần tư tưởng Duy Tân.

Về mặt học thuật, cuốn sách Thân thế và sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng là một tuyển tập phản ánh khá đầy đủ những thành tựu về nghiên cứu, sưu tầm và soát xét lại tư liệu về nhân vật Huỳnh Thúc Kháng, sau 20 năm, kể từ cuộc hội thảo về Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng tổ chức tại thành phố Đà Nẵng năm 1992.

Nếu như cuộc hội thảo trước là một bước đột phá về nhận thức, khẳng định vai trò của cụ Huỳnh Thúc Kháng nói riêng, các nhà yêu nước theo khuynh hướng Duy Tân nói chung, trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc ở nước ta khoảng nửa đầu thế kỷ XX, thì cuộc hội thảo lần này, các tham luận đã đi sâu vào một số vấn đề mà trước đây do hạn chế về tư liệu, hoặc vì sự dè dặt của các tác giả nên chưa kịp đề cập thấu đáo hoặc chỉ mới nêu lên như  là sự gợi ý cho những công trình nghiên cứu về sau.

Khuynh hướng khảo cứu chú trọng tư liệu lịch sử khách quan dẫn đến những phát hiện thú vị, giàu sức thuyết phục. Trên hướng đi này, các tham luận của Đào Hùng (Sự ra đời của báo Tiếng Dân và cuộc gặp gỡ giữa Huỳnh Thúc Kháng với Đào Duy Anh), Nguyễn Văn Mạnh- Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Bút tích của cụ Huỳnh Thúc Kháng về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa- Việt Nam), Lưu Anh Rô (Cụ Huỳnh Thúc Khánh và báo Tiếng Dân qua báo cáo mật thám Pháp)… có những đóng góp rất đáng trân trọng.

Một số tham luận đi sâu vào những vấn đề xã hội mà Huỳnh Thúc Kháng rất có ý thức khi đề cập trong các trước tác của mình nhưng người đời sau chưa thật sự lưu ý như tư tưởng về lập hiến (tham luận của Dương Thành Thông), vấn đề nhân quyền (Đinh Đức Hiền), tư tưởng “Tam kỳ hợp nhất” (Nguyễn Thị Dung Huyền), đổi mới giáo dục (Lê Thị Thu Hiền), phổ biến chữ quốc ngữ (Phạm Như Thơm), phong trào tân học (Trần Thuận)…


       Lê Hồng Khánh
 


.