Khu di tích vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ: Cần được trùng tu

06:08, 03/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 7.1.1993, Khu di tích vụ thảm sát Khánh Giang – Trường Lệ (xã Hành Tín Đông, Nghĩa Hành) được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Khu di tích là bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh do Mỹ - ngụy gây nên trên vùng đất này, góp phần giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Nhưng hiện nay, do chưa được quan tâm đúng mức, nên khu di tích này đang xuống cấp.

Nơi ghi dấu lịch sử

Dù không hẹn trước, nhưng khi đến gò Đập Đá- nơi được xây tượng đài và bia căm thù đồng bào bị sát hại vào tháng 4.1969, chúng tôi được gặp cựu chiến binh Dương Văn Xu, người trông nom, bảo vệ khu di tích của vụ thảm sát Khánh Giang – Trường Lệ hơn 20 năm nay. Theo lời ông kể, năm 1961, Khánh Giang – Trường Lệ là vùng giải phóng. Năm 1967, địch gom dân tập trung vào ấp chiến lược, nhưng đồng bào quyết trụ bám đấu tranh hợp pháp, sản xuất phục vụ kháng chiến. Vì thế, năm 1969, đế quốc Mỹ đã thảm sát đồng bào ở đây, dội bom, rải chất độc hóa học, biến nơi đây thành vành đai trắng. 63 người dân vô tội bị giết hàng loạt, chết đau thương, xác bị đốt và phơi nhiều ngày đêm. 9 người còn sống sót là trẻ em, hiện nay đang mang trong mình những thương tật”.

 

Khu di tích vụ thảm sát Khánh Giang – Trường Lệ không có tường rào bao quanh ở phía sau, chân tượng đài đã bị bong tróc.
Khu di tích vụ thảm sát Khánh Giang – Trường Lệ không có tường rào bao quanh ở phía sau, chân tượng đài đã bị bong tróc.


Trong số 9 người còn sống ấy, có cô con gái bé bỏng của ông Xu. Đến giờ, đã 45 năm trôi qua, nhưng những nỗi đau mà ông Xu đã phải chịu đựng khi ấy không gì có thể xóa nhòa được. Ông Xu nghẹn lời: “Trong cuộc thảm sát, tôi mất một lúc 4 người thân là mẹ, chị và 2 con, còn đứa con gái may mắn sống sót thì giờ thương tật khắp người, tinh thần không được ổn định”. Chiến tranh đã đi qua  nhưng nỗi đau thì còn hiện hữu mãi trong lòng ông Xu. Người cựu chiến binh nay đã ngoài 70 tuổi, vẫn hằng ngày âm thầm quét dọn và thắp hương ở đài tưởng niệm và kiêm luôn người hướng dẫn viên. Đó cũng là cách để ông được gần với người thân đã ngã xuống của mình.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Phạm Thị Tây, dân tộc Hrê, là một trong 9 người còn sống sót sau vụ thảm sát. Dù đã gần 60 tuổi, nhưng bà vẫn nhớ như in cái ngày kinh hoàng ấy. Khóe mắt của bà Tây sâu hun hút, như chất chứa cả nỗi đau cuộc đời. Những mảng tối tăm nhất trong ký ức của bà dần hiện ra. Giọng bà run run: “Vùng này, nhà nào cũng có người làm cách mạng cả.

Hôm 17.4.1969, mấy tên lính Mỹ to cao xông vào nhà tôi lùng sục, tìm gì không biết. Rồi thấy mẹ tôi đang ngồi trước hiên. Chúng xông vào định hãm hại. Mấy anh chị em tôi thấy mẹ kêu gào, khóc lóc, vội chạy đến ôm. Đứa giữ tay, đứa giữ chân, không cho tụi lính Mỹ làm bậy. Nhưng sáng hôm sau, chúng đổ xăng cho đốt hết nhà cửa. Bà ngoại tôi đang giã gạo thì bị bắn chết tại chỗ. Tôi dẫn 2 đứa em xuống hầm trốn nhưng bị bắn chết, tôi may mắn thoát được…”.

Dù đã 45 năm trôi qua, nhưng cứ mỗi lần nhắc lại ký ức đáng sợ ấy, bà Tây lại đau nhói nơi lồng ngực. Quá khứ đối với bà như một cơn ác mộng hãi hùng cho đến bây giờ. Cứ mỗi tháng, bà đều ra thắp hương, quét dọn tượng đài, cầu mong cho 63 người chết oan được an nghỉ.

Và những ước mong…

Khu di tích vụ thảm sát Khánh Giang – Trường Lệ là bằng chứng hùng hồn tố cáo tội ác giết người hết sức dã man của giặc Mỹ xâm lược đối với những người dân vô tội, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em trong tay không có vũ khí tự vệ. Tàn nhẫn hơn khi chúng phi tang tội ác bằng cách chất rơm, rải xăng, ném lựu đạn cho nổ tung, đốt cháy thiêu hủy các thi thể. Khu di tích này còn là nơi giáo dục các em học sinh những bài học lịch sử có giá trị. Em Dương Văn Mỹ, học sinh lớp 9, Trường THCS Hành Tín Đông, chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, em rất tự hào. Bây giờ, em chỉ mong khu di tích này sẽ được xây dựng khang trang, trồng nhiều cây và hoa hơn để có thêm nhiều người đến tham quan và biết thêm về lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm bất khuất của quê hương.

Dù mang trong mình giá trị lịch sử to lớn, nhưng hiện nay, Khu di tích vụ thảm sát Khánh Giang – Trường Lệ lại chưa được quan tâm đúng mức. Khu đài tưởng niệm ở gò Đập Đá chỉ được làm tường rào bao quanh phía trước, còn phía sau trống trơn, khiến trâu bò dễ dàng ra vào. Nhiều hạng mục công trình cũ kỹ, xuống cấp như chân Đài tưởng niệm đã bị bong tróc, làm mất giá trị thẩm mỹ.

Ông Trịnh Bê - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, cho biết: Hằng năm, chính quyền địa phương luôn tổ chức đi thăm hỏi các gia đình có người chết hoặc bị thương trong vụ thảm sát, tổ chức ngày giỗ dân vào ngày 1.3. Cùng với đó, xã còn tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ khu di tích. Nhưng hiện nay, khu di tích này vẫn chưa được đầu tư xây dựng xứng tầm với một di tích cấp quốc gia. “Với nguồn lực của xã thì không thể đầu tư được gì hơn nữa. Vì vậy, người dân nơi đây rất mong các cơ quan chức năng quan tâm, tu bổ, phục dựng Khu di tích ngày càng đẹp và ý nghĩa hơn. Đây cũng là cách để lịch sử không bị lãng quên”, ông Bê nói.

Bài, ảnh: HIỀN THU
 


.