(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi cộng đồng dân tộc đều có phong tục tập quán, nghi thức dựng vợ gả chồng riêng. Ngày xưa, người Hrê ở Ba Tơ, khi dựng vợ gả chồng trước tiên phải có người đi mai mối. Hoặc là do hai bên gia đình kết bạn làm sui gia với nhau lúc con còn nhỏ chưa đến tuổi kết hôn, hay thậm chí còn đang trong bụng mẹ. Tuy nhiên hiện nay, tục bắt miệng sui gia lúc con còn nhỏ và đang trong bụng mẹ đã được người Hrê bỏ hẳn, thanh niên thiếu nữ người Hrê lấy nhau vì yêu nhau và khi đã đủ tuổi kết hôn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngày nay, tục mai mối tuy không còn phổ biến nhưng vẫn được người Hrê lưu giữ. Người mai mối vợ chồng cũng có thể là đàn ông hoặc đàn bà đã lớn tuổi, có khiếu ăn nói, được nhiều người trong cộng đồng quý trọng, và cũng có thể là người thân, họ hàng gia đình bên trai hoặc bên gái. Khi mai mối thuận lợi, đôi trai gái cũng như hai gia đình đã ưng ý nhau, đồng ý làm sui với nhau thì hai bên gia đình thống nhất ngày để nhà gái cõng củi cho nhà trai, người Hrê gọi là “pớ loan unh”.
Nhà gái chọn các chị em phụ nữ trong làng khoảng 10 đến 15 người, đi lên rừng kiếm củi để cõng về cho nhà trai. Người Hrê quan niệm, bó củi của người con dâu tương lai càng to, càng đẹp thì chứng tỏ đó là người con dâu đảm đang, hiền thảo. Nhà trai chuẩn bị cơm, rượu ngon để tiếp đãi đoàn cõng củi nhà gái, đêm đó người con gái sẽ ngủ lại và ở nhà người con trai đến ngày hôm sau thì về nhà mình. Sau 3 ngày, nhà trai cũng tổ chức đi làm lại cho nhà gái. Sau khi hoàn thành thủ tục này, cặp trai gái đã là vợ chồng, được phép gọi cha mẹ hai bên là cha, mẹ.
Nếu hai gia đình chưa có điều kiện tổ chức cưới cho con cái thì Tết năm đó, hai gia đình sẽ tổ chức ăn tết với nhau, người Hrê gọi là “Tót dênh goàng”. Trong ngày “Tót dênh goàng” nhà gái sẽ vào nhà trai bằng cửa phụ, cánh cửa bên hông của nhà sàn. Nhà trai sẽ mời họ hàng nhà gái vào nhà nói chuyện, uống rượu trắng và quyết định ngày tổ chức đám cưới. Sau đó, họ sẽ tổ chức đãi tiệc. Khi đã xong phần dùng tiệc cơm rượu, nhà trai mở những ché rượu cần to và “cà xối” cầu mong trong năm mùa màng tươi tốt, thóc đầy chòi, trâu, bò, heo, gà đầy chuồng, các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh và đặc biệt cầu cho đôi vợ chồng trẻ sẽ gắn bó, yêu thương nhau suốt đời.
Họ hàng, sui gia hai bên sẽ quây quần quanh ché rượu cần và cùng uống rượu cần, hát ca choi, ta lêu gửi gắm tâm tư, mong muốn của mình qua lời hát. Sau khi đã uống xong rượu cần, nhà trai sẽ quàng khăn trắng lên cho con dâu, chiếc khăn trắng như vật làm tin, mang ý nghĩa cô gái đó đã là nàng dâu chính thức, không được phép lấy ai khác hay làm điều gì không đúng với đạo lý phận làm dâu. Khi nhà gái chuẩn bị về, thì nhà trai sẽ chuẩn bị trầu cau, chè, bánh tét, rượu trắng, rượu cần, thuốc bổi, thịt bỏ trong một chiếc gùi nhỏ và giao cho một người trong họ nhà gái là con gái còn nhỏ tuổi, chưa chồng cõng gùi về. Khi ra về, họ nhà gái cũng đi ra từ cửa phụ, nhà trai sẽ mang chiêng ra đánh trước cửa như lời tiễn đưa họ hàng nhà gái trở về nhà bình an. Trong thời gian chưa tổ chức đám cưới, gia đình hai bên luôn giữ mối liên hệ mật thiết, đồng thời tổ chức đi làm cho nhau, có cúng bái hay tiệc tùng gì cũng mời nhau đến dự.
Sau đó có thể trong năm, hoặc một hai năm sau, thậm chí lâu hơn nữa gia đình hai bên mới tổ chức đám cưới cho đôi vợ chồng trẻ, người Hrê gọi là “Tà nếp”. Người Hrê không quan niệm con gái sẽ về làm dâu, ở dâu hay ở rể đều được, gia đình nào có điều kiện thì sẽ tổ chức đám cưới trước. Trong ngày cưới, ban ngày thì họ tổ chức tiệc đãi bà con, họ hàng rượu thịt, đến tối mới tiến hành cưới cho đôi vợ chồng trẻ.
Thủ tục cưới được tiến hành trong sự chứng kiến của cha mẹ hai bên, sẽ có một cặp nam nữ nhỏ tuổi trao chén rượu trắng, rượu cần, nắm cơm trắng có kèm với thịt gà cho đôi vợ chồng, sau đó đôi vợ chồng sẽ trao đổi lại với nhau, họ chỉ dùng rượu chứ không dùng nắm cơm trắng với thịt gà, tiếp theo là đến phần con dâu và con rể trao rượu, cơm trắng, thịt gà cho cha mẹ hai bên. Kết thúc là phần trao đôi chén nhỏ cho cặp vợ chồng trẻ, đôi chén nhỏ này là tượng trưng cho người vợ và người chồng, đồng thời là biểu tượng của sự chung thủy của đôi vợ chồng, họ phải lưu giữ suốt đời, không được làm mất hay làm vỡ. Nhưng nếu họ lỡ làm vỡ chén, thì người Hrê quan niệm vợ chồng đó sẽ không còn hạnh phúc mà sẽ đổ vỡ như đôi chén cưới, vì vậy họ phải tổ chức cúng như lời xin lỗi thần linh, cầu mong cho vợ chồng họ được hạnh phúc lại như xưa.
Sau ngày cưới, người Hrê còn có phong tục cúng “Pà rầng Hmang”, tục cúng này mang ý nghĩa cầu cho đôi vợ chồng mãi gắn bó, yêu thương nhau suốt đời. Ngày nay, phong tục dựng vợ gả chồng đã được người Hrê cách tân, tuy nhiên những thủ tục chính như thăm nhà, cưới thì vẫn được lưu giữ.
Thị Thoang