*TRẦN ĐĂNG
(Baoquangngai.vn)- Ông Nguyễn Đăng Vũ, hiện là Giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Ngãi làm luận án tiến sĩ về đề tài văn hóa vùng biển, trong đó có lễ hội truyền thống mang tên Lễ Khao lề thế lính Hòa Sa nổi như cồn mấy năm qua nhưng lại là người rất mê các lễ hội của đồng bào thiểu số vùng cao, trong đó có lễ đâm trâu của người Ca Dong.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tôi vốn rất nhát với máu me, đến việc cắt tiết gà tôi cũng chả dám nhưng nghe ông Vũ “đờn” chuyện đâm trâu bằng những lời mê dụ, tôi khăn gói lên đường. Lên tận Sơn Mùa từ sáng sớm đã thấy nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Trinh loay hoay tìm góc máy, nhà thơ Lý Văn Hiền tay lăm lăm máy ảnh, vai lủng lẳng giỏ xách, lại có ông Tây nói lơ lớ tiếng Việt, dẫn theo người đẹp từ Hà Nội vào, tôi bỗng thấy mình lạc hậu giữa các “fan” của lễ hội này ghê gớm.
Làm các thủ tục trước khi đâm trâu. Ảnh: T.Đ |
Họ vượt cả trăm cây số đường đèo để có mặt tại đây, hẳn không phải để thỏa chí tò mò về một lễ hội vốn quen thuộc của các bộ tộc sống tựa lưng vào dãy Trường Sơn mà là để tận mắt chứng kiến những nét tương đồng và dị biệt giữa các tộc người trong việc “hành xử” với con vật đã gắn bó với mình trước khi hóa kiếp ra sao.
Người Ca Dong chọn thời điểm đâm trâm đúng vào mùa hoa riêng klung bắt đầu nở. Hỏi vì sao lại chọn đến mùa hoa riêng klung nở mới đâm trâu? Không một người nào dự lễ giải thích được cặn kẽ ý nghĩa của loài hoa, nhưng có lẽ đâm trâu vào dịp mùa màng vừa thu hoạch xong, khí trời mát mẻ lúc đang xuân, hoa nở khắp rừng, trong đó có riêng klung là hợp lý nhất.
Nhưng khi con trâu được cột chặt vào cây nêu để chuẩn bị hành lễ, chủ nhà đã lấy hoa riêng klung chứ không phải hoa nào khác rồi rắc lên đầu con vật và nói những lời “ân tình” thì tôi vỡ ra điều này: Có lẽ người Ca Dong, qua sự trinh bạch từ những cánh hoa trắng muốt ấy, họ muốn ký thác vào đó những nguyện ước của mình với con vật chuẩn bị hiến tế.
Những “thông điệp” về lẽ tử sinh, những nguyện ước về sự ấm êm no đủ, qua cầu nối là những cánh hoa này, sẽ được con trâu “truyền đạt” lại với thế giới huyền nhiệm mà con vật sẽ lưu trú ở đó sau khi hóa kiếp.
Cũng là cách suy diễn của một nhà báo vốn rất mù mờ về chiều sâu của các lễ hội cũng như những ý nghĩa mang tính triết học qua từng chi tiết thể hiện trong mỗi công đoạn của lễ mà thôi. Nhưng động thái rắc hoa lên đầu con vật sau khi quàng vào đầu nó mấy chiếc “vòng nguyện” rồi người nhà chui qua chiếc dây thừng buộc nó, tôi chợt nhận ra rằng, người Ca Dong họ chung thủy biết bao nhiêu! Ngay cả động tác “đâm trâu” họ cũng không thực hiện như các bộ tộc khác ở vùng bắc Tây Nguyên. “Mùa săn máu” ở phía Gia Lai, Kon Tum, trước khi con trâu hiến tế bị đâm chết hẳn, hầu như con nào cũng bị chặt chân cho ngã quỵ.
Cảnh đâm trâu cũng thật rùng rợn. Họ không cho trâu chết ngay mà gần như “tra tấn” con vật để nó chết từ từ. Người yếu bóng vía sẽ không dám chứng kiến cảnh cái chết đến từ từ bằng những giáo như thế. Người Ca Dong thì không, hầu như con trâu bị kết liễu ngay sau khi xong các thủ tục tế lễ. Đàng nào rồi cũng chết nhưng đối với người Ca Dong, trước khi con vật hiến tế ấy về với thế giới bên kia, họ không muốn “hành hạ” nó bằng những nhát giáo dở chừng để nó phải chết trong đau đớn kéo dài. Cũng chưa hẳn là cho con vật chết từ từ hay chết ngay lập tức sẽ “ý nghĩa” hơn, vì tùy theo quan niệm của mỗi tộc người, nhưng với những kẻ “ngoại đạo” như tôi, thì cách hành xử của người Ca Dong vẫn “nhân văn” hơn.
Tiến hành đâm trâu. Ảnh: T.Đ |
Còn “nhân văn” hơn nữa là trước khi con vật bị “hành quyết” vào lúc tinh mơ, suốt đêm hôm trước, nó đã được nghe những lời tỉ tê, nhắn nhủ từ những người đàn ông, đàn bà Ca Dong đã từng có kỷ niệm với nó. Những làn điệu dân ca cùng nhịp chiêng vang động cả một vùng rừng thay cho lời tiễn biệt con vật vào sáng hôm sau.
Lễ đâm trâu không chỉ là dịp để chủ gia “trả nợ” một lời nguyện nào đó với thần linh khi đã qua cơn bĩ cực mà qua lễ hội này, những già làng Ca Dong còn muốn duy trì một phong tục đậm chất văn hóa cho hậu thế.
Trong quá trình trang trí cây nêu, mỗi người già thường kèm theo một thanh niên theo cách “cầm tay chỉ việc”, rồi họ giải thích cho lớp trẻ về ý nghĩa của từng nét hoa văn, từng “linh vật” trên cây nêu đủ để thấy rằng, cách “truyền lửa” ấy còn hay hơn, hiệu quả hơn những bài giảng “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” vẫn in rất nhiều trong các tài liệu mà tôi tin rằng các già làng Ca Dong chưa một lần tiếp cận. Điệu ra-nghế rồi những bài chiêng, qua lễ đâm trâu cũng sẽ được duy trì cho hậu thế.
Đâm trâu là một nghi lễ khá tốn kém đối với một gia đình nhưng giữ được vốn văn hóa của dân tộc mình qua mỗi lễ hội thì việc “trả giá” như thế cũng không phải là quá đắt. Nếu như ngành văn hóa hỗ trợ một phần kinh phí với các gia đình tổ chức đâm trâu thì đó sẽ là sự kết hợp “nhà nước và nhân dân cùng làm” hiệu quả và ý nghĩa nhất./.