Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể

03:07, 03/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở Việt Nam, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được coi là hai bộ phận hữu cơ cấu thành kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Chúng luôn gắn bó mật thiết, có tác động tương hỗ và tôn vinh lẫn nhau, nhưng vẫn có tính độc lập tương đối.

Tại Quảng Ngãi, trong thời gian trước khi “Công ước về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể” được Đại Hội đồng lần thứ 32 của UNESCO thông qua, tuy sự nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể chưa thật sự đầy đủ và chưa phù hợp với nhận thức chung của thế giới. Song, do ý thức về việc giữ gìn các giá trị văn hóa của cha ông, nên công tác sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được chú ý và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.


Các lễ hội dân gian như Lễ cúng cá Ông, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ nhúng nước lưới (cầu ngư)… của cư dân ven biển, hải đảo; Lễ hội đua thuyền trên sông, Lễ tế đình làng, Lễ tế miếu bà, Lễ cúng tá thổ… của cư dân vùng đồng bằng; Lễ dâng trâu hiến sinh, các hình thức lễ cầu mùa, mừng mùa… của đồng bào các dân tộc miền núi anh em, đã được tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu và khuyến khích cộng đồng lưu giữ, phát huy trong đời sống đương đại.

Các hình thức hò hát dân gian như bả trạo, sắc bùa, hát hố, bài chòi (của người Kinh), ca lêu, ca choi (Hrê) xà ru, a giới (Cor), ra nghế, a hội dê ô dê (Ca Dong) đã được sưu tầm và giới thiệu khá rộng rãi. Tri thức và kinh nghiệm dân gian của các dân tộc anh em cũng đã bước đầu được nghiên cứu, ứng dụng.

Đặc biệt, nhờ công sức nghiên cứu khảo sát nhiều năm ròng của những người làm công tác văn hóa, các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, nhất là sự ủng hộ của cộng đồng dân cư, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và Lễ hội điện Trường Bà đã được Bộ VHTT & DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của người dân tỉnh nhà, đồng thời cũng cho thấy sự đa dạng, độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

Theo truyền tụng trong dân gian Lý Sơn, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trước đây diễn ra theo những cấp độ khác nhau. Các gia đình, dòng tộc có người thân đi lính Hoàng Sa, Trường Sa tổ chức tại nhà riêng, nhà thờ tộc họ. Lễ tế của làng thì diễn ra tại miếu thờ cô hồn (Âm linh tự, nơi thờ cúng cô hồn, oan hồn và phối thờ tử sĩ Hoàng Sa – Trường Sa ) vào dịp Thanh minh (rằm tháng 3 âm lịch) và do chức sắc trong làng tổ chức như một ngày cúng lề của làng, đồng thời cũng là thực thi một nhiệm vụ do quan trên giao phó.

Điều này cho thấy, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, dù là một nghi lễ dân gian của người dân đảo Lý Sơn, nhưng đã có sự quan tâm thường xuyên của Nhà nước phong kiến. Như thế cũng có nghĩa là việc chăm lo cho các đội tuần phòng vùng biển và các quần đảo ngoài khơi thuộc chủ quyền quốc gia đã là một trách vụ quan trọng của các quan chức đứng đầu phủ, huyện ở Quảng Ngãi lúc bấy giờ.

Điện Trường Bà.
Điện Trường Bà.


Sau nhiều thế kỷ, các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, nhưng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vẫn được các gia đình, dòng tộc ở Lý Sơn tổ chức hàng năm và trở thành một ngày lễ dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tấm lòng tri ân của người dân đất đảo đối với những bậc nghĩa liệt đã hy sinh vì chủ quyền của Tổ quốc.

Nếu Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra tại huyện đảo, thì Lễ hội điện Trường Bà diễn ra trên địa bàn một huyện miền núi.  Theo ghi chép chưa đầy đủ, điện Trường Bà (thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng) hay Chùa Bà, là nơi thờ nữ thần Thiên  YANA. Trong nội điện lại phối thờ Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh và các vị thiên thần, nhân thần khác.

Căn cứ theo bài văn tế bằng chữ Hán, điện Trường Bà còn thờ hai vị nhân thần mà sự nghiệp và công trạng gắn bó chặt chẽ với quá trình khai mở và củng cố, xây dựng quê hương Quảng Ngãi là Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán và  Quan Chiếu Vương Mai Đình Dõng.

Lễ hội điện Trường Bà hằng năm được tổ chức từ ngày 15-17.4 (âm lịch), trong đó ngày 16.4 âm lịch là ngày chính thức. Trong phần lễ có các nghi thức, như: Tế ngoại đàn để tưởng nhớ công ơn những người có công khai phá, bảo vệ vùng núi phía tây của Quảng Ngãi; Lễ Chánh tế; Lễ dâng hương tưởng niệm Thánh mẫu Thiên YANA...

Thánh mẫu Thiên YANA (người Chăm gọi là nữ thần Ponagar), được nhà Nguyễn xếp vào bậc thượng đẳng thần. Cộng đồng ở nhiều nơi trong nước cũng thờ Thánh mẫu Thiên YANA, thế nhưng chỉ ở Trà Bồng thì Thánh mẫu Thiên YANA mới được cả người Cor, người Kinh, người Chăm, người Hoa cùng tôn kính, thờ phụng.

Thời gian tới, các loại hình văn hóa phi vật thể khác, như diễn xướng bài chòi, hát múa sắc bùa, hát múa bả trạo sẽ được ngành văn hóa quan tâm sưu tầm nghiên cứu, ngõ hầu lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa quý báu này trong thực tế đời sống cộng đồng.

Lê Hồng Khánh


 


.