(Báo Quảng Ngãi)- Khi mới tái lập tỉnh – năm 1989, trong dòng người trở về Quảng Ngãi để cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương có 13 hội viên Hội Văn học nghệ thuật. Đó là những người có cái tâm trong sáng, muốn phát huy truyền thống VHNT miền Ấn Trà, mở ra một diện mạo mới cho văn nghệ Quảng Ngãi.
Ngày 2.10.1989, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Hội VHNT Quảng Ngãi, nhà thơ Thanh Thảo được phân công làm Tổng thư ký, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ làm phó Tổng thư ký, nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu làm Ủy viên thường trực. Những ngày đầu thành lập, Hội hoạt động trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Trụ sở hội không có phải thuê nhà của tư nhân, các phương tiện làm việc đều rất nghèo nàn. Thế nhưng, Hội VHNT Quảng Ngãi đã từng bước xây dựng và phát triển không ngừng, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nền Văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tác phẩm hợp xướng Chân sóng (nhạc: Văn Phượng; thơ: Thanh Thảo) đạt giải ba (không có giải nhất, nhì) giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2012. Ảnh: TL |
25 năm, trải qua 4 lần đại hội, Hội VHNT Quảng Ngãi đã phát triển về số lượng và chất lượng: Số hội viên đến nay lên đến 180 người, sinh hoạt tại 7 chi hội chuyên ngành gồm: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Văn nghệ dân gian, Văn nghệ dân tộc miền núi, Sân khấu – biểu diễn. Trong đó có 48 hội viên được kết nạp vào các Hội chuyên ngành Trung ương.
Trên lĩnh vực sáng tác, nhiều hội viên đã đoạt nhiều giải thưởng toàn quốc và khu vực: Nhà thơ Thanh Thảo được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT (đợt 1). Các hội viên chuyên ngành Văn học như: Đăng Vũ, Phạm Đương, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Anh Tuấn, Lê Văn Sơn, Lý Văn Hiền, Vũ Thị Thanh, Đinh Tấn Phước, Hà Huy Hoàng… đoạt các giải thưởng của Hội chuyên ngành Trung ương.
Chi hội Văn nghệ dân gian miền núi có Nga Ri Vê, Đinh Thiên Vương, Phạm Minh Đát nhận bằng khen của Hội VHNT các dân tộc thiểu số.
Chuyên ngành Âm nhạc có Văn Phượng, Trần Xuân Tiên, Lê Điền Sơn, Dương Quang Hùng, Phạm Tuy, Lê Trọng Tuấn, Thy Lộc, Châu Bình, Thạch Lam, Phạm Thị Kim Chung… liên tục đoạt giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ, bộ, ngành Trung ương, liên hoan ca nhạc khu vực và toàn quốc.
Chuyên ngành Mỹ thuật có họa sĩ Bùi Nam, Hồ Thu, Nguyễn Thanh Tùng đoạt giải Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Chuyên ngành Nhiếp ảnh có Nguyễn Tấn Khâm, Nguyễn Đăng Lâm, Nguyễn Văn Xuân, Lê Minh Thể, Thanh Long liên tục đoạt giải thưởng trong các cuộc triển lãm Nhiếp ảnh khu vực Nam miền Trung và Trung ương do Hội NSNA Việt Nam tổ chức.
Chặng đường 25 năm qua thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nỗ lực tự thân của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi chia sẻ: “Nếu so với một số tỉnh khác trong khu vực thì số lượng hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi chưa nhiều, nhưng Hội VHNT Quảng Ngãi có những thế mạnh ít nơi nào có được mà tiêu biểu là tinh thần đoàn kết, sự quan tâm, động viên, giúp đỡ nhau trong việc sáng tạo nghệ thuật cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Điều đó đã góp phần tạo nên sức mạnh nội lực để phát triển Hội, trong việc sáng tạo nghệ thuật và tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật”.
Điểm nhấn trong hoạt động VHNT của Quảng Ngãi trong 25 năm qua là đã tập hợp, vực dậy và tổ chức nhiều trại sáng tác, thu hút đông đảo hội viên thuộc chuyên ngành Nhiếp ảnh. Từ chỗ là vùng trũng về nhiếp ảnh nghệ thuật, nhiều tay máy trong tỉnh đã vươn lên mạnh mẽ, đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và khu vực. NSNA Nguyễn Đăng Lâm - Chi hội trưởng Chi hội nhiếp ảnh Quảng Ngãi cho biết: “Kết quả đó đã cổ vũ các tay máy trong tỉnh không ngừng phấn đấu trên con đường sáng tác; nỗ lực học tập để thực hiện thành thạo hơn các kỹ xảo photoshop để sáng tạo ra nhiều tác phẩm mới; có những tác phẩm ảnh nghệ thuật được triển lãm và đoạt giải cấp khu vực, quốc gia và quốc tế”.
Trong hoạt động của mình, Hội VHNT Quảng Ngãi đã đăng cai tổ chức nhiều trại sáng tác văn học nghệ thuật, liên hoan âm nhạc, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh khu vực và toàn quốc tạo được những tiếng vang lớn. Điển hình như đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về Bích Khê với tầm quy mô quốc gia. Đã có trên 70 giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu lý luận-phê bình, nhà văn, nhà thơ, nhà báo tham dự, hơn 80 tham luận đã được trình bày tại Hội thảo.
Nhìn lại chặng đường 25 năm phấn đấu và trưởng thành, tuy vẫn còn những yếu kém, bất cập nhưng đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Ngãi nhìn rõ mình, tiếp tục đoàn kết nhất trí, vững bước tiến lên dưới lá cờ vinh quang của Đảng, xứng đáng với truyền thống VHNT vẻ vang của quê hương núi Ấn, sông Trà.
Trầm Thụy Du