Kỷ niệm 50 năm Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi (6.1964- 6.2014): Mang lời ca góp "lửa" đấu tranh

01:06, 07/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào văn hoá, văn nghệ phát triển rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh, góp phần động viên bộ đội và nhân dân trong chiến đấu, tạo khí thế vui tươi trong lao động sản xuất. Bằng lời ca, tiếng hát, những người nghệ sĩ của Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Ngãi đã trải qua bao gian khổ, xông pha khắp các mặt trận để mang đến cho người lính những món quà ý nghĩa từ hậu phương.    

TIN LIÊN QUAN

Trong những năm tháng chiến tranh, nhu cầu sinh hoạt tinh thần được đề cao, bởi nó giúp các chiến sĩ có thêm niềm tin, động lực chiến đấu đánh đuổi giặc, giành hòa bình, độc lập cho quê hương, đất nước. Nắm bắt nhu cầu đó, Ban Chỉ huy Quân sự Quảng Ngãi quyết định thành lập Đoàn Văn công Quân Giải phóng Quảng Ngãi vào ngày 8.6.1964 tại Suối Chí, xã Hành Tín (Nghĩa Hành). Đây là thời điểm phong trào cách mạng ở tỉnh ta đang chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn “mở đầu trang sử đấu tranh chính trị và vũ khí song song…” (lời đồng chí Võ Chí Công - Nguyên Chủ tịch nước, Nguyên Bí thư Khu ủy 5). Đoàn đã kịp thời đem lời ca, điệu múa đến cơ sở và tận thành lũy chiến hào để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, tuyên truyền tích cực cho công cuộc giải phóng đất nước trên toàn địa bàn tỉnh.

 

Một số diễn viên Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi . Ảnh: Tư liệu
Một số diễn viên Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi . Ảnh: Tư liệu


Sau ngày thành lập, Đoàn vừa ổn định tổ chức, và tiến hành tập luyện nhiều ca khúc như: Xuân chiến khu, Bài ca may áo, Rừng xanh quê hương ta…, đồng thời hành quân biểu diễn phục vụ quân dân ở căn cứ và một số vùng giải phóng. Không chỉ vậy, Đoàn còn đến biểu diễn ngay tại vùng căn cứ địch để tuyên truyền và chiêu hồi binh sĩ Ngụy. Những lời ca, tiếng hát của Đoàn đã trở thành nguồn cổ vũ lớn cho lực lượng vũ trang chiến đấu.

Tại thời điểm mới thành lập, quân số của Đoàn khá ít ỏi, nhưng anh em trong đoàn luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ “hát cho đồng bào tôi nghe”. Do yêu cầu của phong trào cách mạng, tháng 8.1965, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định chuyển Đoàn văn công Quân Giải phóng Quảng Ngãi do Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ huy sang Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên huấn.

Lúc này lấy tên là Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Ngãi.  Đến năm 1966, Tỉnh uỷ thành lập thêm Đoàn Văn công miền Tây Quảng Ngãi và Khu uỷ Khu 5 thành lập Đoàn Văn công Khu Sơn Trà. Sau đó, cả hai đoàn đều nhập vào Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi. Lúc này quân số của Đoàn lên đến con số 70, với các thành viên, gồm 4 dân tộc anh em: Kinh, Cor, Hrê và Cadong cùng hoạt động biểu diễn. Trong suốt những năm tháng hoạt động, không quản ngại khó khăn, hành trang lên đường của mỗi nghệ sĩ chỉ là vài bộ trang phục, nhạc cụ và ít lương thực thực phẩm. Phục trang biểu diễn do thành viên trong đoàn tự thiết kế, cắt may. Khâu hóa trang cũng cực kỳ đơn giản, họ sử dụng bất kỳ vật phẩm nào có màu sắc có thể vẽ để tạo hình. Sân khấu nhiều lúc chỉ là mảnh sân nhỏ với ngọn đèn dầu leo lét không nhìn rõ mặt diễn viên.

Theo chân bộ đội, du kích ra chiến trường, anh chị em trong đoàn không chỉ đối mặt với chiến trường ác liệt, họ còn phải đối mặt với bệnh tật và cả cái chết luôn cận kề, nhưng họ luôn ra sức khắc phục khó khăn, gian khổ, ngày đêm hăng say luyện tập, lao động sản xuất tự cấp, tự túc, sẵn sàng đi bất cứ đâu, bất cứ lúc nào để phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Trước yêu cầu cần nâng cao chất lượng phục vụ văn hóa, văn nghệ, Đoàn đã từng bước xây dựng nhiều tiết mục lớn, mang tính nghệ thuật cao như các vở kịch, ca kịch bài chòi, múa được xây dựng và biểu diễn đã để lại ấn tượng không phai trong lòng quân và dân Quảng Ngãi.

Ở đâu Đoàn Văn công Giải phóng đến ở đó không khí rộn ràng, phấn chấn hẳn lên. Lời ca tiếng hát của Đoàn đã thổi bùng ngọn lửa căm thù giặc, nâng cao lòng yêu nước và ý chí chiến đấu của quân dân.
50 năm đã trôi qua, nhiều nghệ sĩ chiến sĩ văn công đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, nhiều người sau giải phóng trở về cống hiến cho đất nước tại các cơ quan, ban ngành trong tỉnh hay trở về với đời thường nhưng vẫn không sao quên được những tháng ngày phục vụ trong đoàn. Dấu ấn mà các thế hệ diễn viên trong đoàn luôn tự hào, đó là đã mang tiếng hát, lời ca của mình để góp “lửa” đấu tranh, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Xuân Hiếu

 


.