(Báo Quảng Ngãi)- Cứ tưởng trên những ngọn cỏ, gốc cây, bải biển, núi đồi của 76km2 ở Côn Đảo chỉ thấm đẫm máu, mồ hôi cùng 20.000 xương cốt của những người tù yêu nước Việt Nam đã bị quân đế quốc giết hại chôn vùi ở Nghĩa trang Hàng Dương…mà ở trên hòn đảo đau thương, quật cường này còn có khoảng trời thinh lặng 36m2 cùng một nhạc sĩ thiên tài đã đến từ nước Pháp (cách nay đúng 119 năm) để hoàn tất vở opéra cùng bức thư gửi cho chúa đảo lúc bấy giờ với những lời lẽ bất hủ…
Trong chuyến đi thực tế cùng một số hội viên Hội Nhà báo Quảng Ngãi đến thăm khu di tích nhà tù Côn Đảo, tôi cũng như anh chị em trong đoàn đều háo hức muốn nhìn tận mắt những cảnh “địa ngục trần gian” mà quân giặc đã đàn áp những người tù yêu nước Việt Nam. Với tôi, còn có một tâm niệm nữa là phải tìm đến nơi mà trên một trăm năm trước có một thiên tài nhạc sĩ người Pháp đã từng đến ở và sáng tác ba chương cuối của vở nhạc kịch nổi tiếng Brunehilda.
Tượng bán thân của Nhạc sĩ thiên tài Camille Saint Saens cùng đoạn trích bức thư gởi cho Chúa đảo Louis Jacquet năm 1895 hiện đang trưng bày tại di tích nhà Công Quán - Côn Đảo. |
Theo hướng dẫn và lời giới thiệu của các nhân viên trong Ban quản lý di tích nhà tù Côn Đảo thì đối diện ngay với cầu tàu 914 - có một ngôi nhà nho nhỏ khoảng 36m2 nằm nép mình dưới tán lá bàng, cửa chính nhìn ra hướng đông nam, xa xa là hòn Bảy Cạnh cùng biển xanh mênh mông thơ mộng. Đó chính là ngôi nhà Công Quán mà nhạc sĩ Camille Saint Saens đã từng lưu trú. Nhạc sĩ thiên tài Camille Saint Saens sinh tháng 10.1835 tại Paris và cũng mất tại Alger (Pháp) tháng 12.1926.
Ông được xem là thần đồng âm nhạc của nước Pháp và cả Châu Âu. Năm 3 tuổi, ông đã biết sáng tác và năm 10 tuổi đã trình tấu được các tác phẩm của Mozart, Beethoven… Ông chẳng những có biệt tài soạn nhạc mà còn là nghệ sĩ tài ba về đàn Piano và Organ, ngay từ lúc mới 13 tuổi khi vào học tại nhạc viện Paris. Năm 17 tuổi ông được chọn chơi đàn cho nhà thờ Saint Mery (Paris) và năm 36 tuổi là sáng lập viên thành lập Hiệp hội âm nhạc Quốc gia của Pháp. Cho dù cuộc đời ông cũng không mấy bình yên, từng lánh nạn qua nước Anh và riêng gia đình ông cũng là một bi kịch. Có phải vì tạo hóa “gây” vậy nên “cho” ông rất nhiều sáng tạo? Ông có 13 vở nhạc kịch, 10 bản Concerto, 3 bản giao hưởng và rất nhiều sáng tác khác đều là những tác phẩm âm nhạc vô giá.
Cơ duyên ông đến với Côn Đảo cũng là chuyện dài kỳ. Bạn thân thiết của ông, một nhạc sĩ tài năng tên Guirand từ năm 1889 đã sáng tác một vở nhạc kịch lớn Brunehilda dựa theo tác phẩm văn học cổ điển của Grégoire de Tours và Augustin Thierry. Sau 3 năm sáng tác, bạn ông bị bệnh qua đời, trước khi mất đã ủy thác cho ông tiếp tục hoàn chỉnh 3 chương cuối vở đại hòa tấu lịch sử này. Nhạc sỹ Camille Saint Saens đã đi chu du khắp nơi trên thế giới suốt 3 năm để tìm cảm hứng cho việc sáng tác nhưng chưa nơi nào làm cho trái tim ông rung động.
Mùa xuân năm 1895, một người bạn cùng phố ở Paris - Quyền Giám đốc Nhà tù Côn Đảo là Louis Jacquet đã mời ông đến Côn Đảo. Ngày 20.3.1895 ông có mặt tại Côn Đảo và được bố trí ở nhà Công Quán này. Hòn đảo quá đẹp, nên thơ chưa nơi nào ông đã đi qua mà sánh kịp. Ông đã bắt đầu chú tâm miệt mài cho việc sáng tác. Có điều ông lấy làm ngạc nhiên, sững sờ dẫn đến phẫn nộ là trên đảo chỉ toàn cai ngục và những người tù khổ sai cùng âm thanh xiềng xích và tiếng vọng căm hờn từ các trại giam. Ông biết cái ác đã và đang ngự trị trên hòn đảo xinh đẹp này. Chuyện kể, một đêm ông lặng lẽ đi dạo quanh khu vực, nơi có bót gác, có nhà tù và chợt có tiếng đàn nhị reo rắt từ một trại giam. Âm thanh dìu dặt, ngọt ngào đã lan tỏa làm dịu đi những âm thanh của xiềng xích, của đòn roi, rên rỉ.
Âm thanh kỳ lạ đó như một lời đối thoại từ cuộc sống đích thực, một âm thanh mà ông hằng mong ước chờ đợi tưởng như vô vọng. Trong ông một cảm xúc dâng tràn vô tận, mở ra một chân trời âm thanh mới mẻ, lai láng… cho dù ngay sau đó tiếng nhị im bặt cùng với tiếng “rầm” của cửa nhà giam. Ông vội trở về phòng và đêm đó - 19.4.1895 ông thức trọn để viết xong chương cuối của đại vở kịch mà bạn ông ủy thác. Đúng một tháng ở đảo, trước khi chia tay, ông đã gởi cho người bạn - Chúa đảo Louis Jacquet một bức thư dài với nhiều nỗi niềm trăn trở của người nhạc sĩ. Trong đó có đoạn “…Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp…”.
Ngày nay nhà Công Quán trở thành cụm di tích cùng với nhà Chúa Đảo và cầu tàu 914 phục vụ cho khách tham quan. Trong nhà đó có tượng bán thân của Nhạc sĩ, đoạn trích bức thư gởi cho Chúa Đảo và giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của ông…
Bài, ảnh: Minh Điền