Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi: Tiếng hát át tiếng bom

07:05, 03/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 6 này, Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Dù không trực tiếp cầm súng ra trận, nhưng tiếng hát của những nghệ sĩ - chiến sĩ văn công cũng là một thứ "vũ khí", góp phần rất lớn vào những chiến công của quân và dân ta.

Ra đời trong giai đoạn cách mạng mới

Có thể nói rằng, phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi trong năm 1959 và đầu những năm 1960 đã bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới, nhất là sau sự kiện cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhận định của đồng chí Võ Chí Công- Nguyên Chủ tịch nước, Nguyên Bí thư Khu uỷ 5 "giai đoạn mở đầu trang sử đấu tranh chính trị và vũ trang song song..." đã minh chứng cho điều đó. Từ đó, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi quyết định thành lập Đoàn văn công Quân Giải phóng Quảng Ngãi vào ngày 8.6.1964 tại Suối Chí, xã Hành Tín (Nghĩa Hành). Đồng chí Khương Thế Hưng làm trưởng đoàn, cùng 2 cán bộ chuyên môn và 9 diễn viên. Ông Nguyễn Thanh Bình, người vinh dự có mặt ngay từ những ngày đầu của đoàn, cho biết: "Nhiệm vụ của đoàn là mang lời ca, tiếng hát động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu giành độc lập cho Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi".

 

Diễn viên Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi.
Diễn viên Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi.


Thật vậy, lời ca tiếng hát của những nghệ sĩ- chiến sĩ văn công ngày ấy đã góp phần thúc giục thanh niên tòng quân giết giặc và chiến sĩ quyết chí lập công. Với nhân dân, qua lời ca ấy đã gầy dựng được cơ sở cách mạng, một hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Đó là, đóng góp và chuyển tải lương thực, vũ khí ra mặt trận; cổ vũ toàn dân sản xuất, chống giặc giữ làng, trụ bám quê hương, bảo vệ vùng giải phóng. Đoàn còn làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ quần chúng toàn tỉnh, dấy lên phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", giữ vững và nâng cao ý chí quyết chiến- quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Đặc biệt là trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chiến dịch Xuân Hè năm 1972, giành dân, chiếm đất tấn công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giành thế mạnh trên chiến trường, tạo thuận lợi cho việc đàm phán và tiến đến ký kết Hiệp định Pari.

Do yêu cầu của phong trào cách mạng, tháng 8.1965, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định chuyển Đoàn văn công Quân Giải phóng Quảng Ngãi" do Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ huy sang Tỉnh uỷ  Quảng Ngãi, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên huấn. Lúc này lấy tên là Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi. Tiếp đó, Tỉnh uỷ thành lập thêm Đoàn văn công miền Tây Quảng Ngãi, do đồng chí Đinh Nếp làm trưởng đoàn và Khu uỷ Khu 5 thành lập Đoàn văn công Khu Sơn Trà, nhưng sau đó cả hai đều nhập vào Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi.

Sức cổ vũ của những tiết mục văn nghệ mang tính thời sự nóng hổi đã đi sâu vào lòng người, có sức lay động mãnh liệt tinh thần đoàn kết của chiến sĩ và đồng bào ta quyết chiến đấu đánh thắng kẻ thù. Dư âm đó còn lan truyền vào cả đồng bào vùng địch kiểm soát, len lỏi vào tâm tư, tình cảm binh lính ngụy, thức tỉnh ở họ lòng yêu nước và căm thù giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Chính vì thế, kẻ địch đã từng tuyên bố "Nếu xoá sổ được Đoàn văn công Giải phóng thì coi như xoá sổ được một tiểu đoàn quân chủ lực Việt cộng".     
 

Năm 1964, Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi ra đời, gồm những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, văn nghệ, xuất thân từ con em lao động và học sinh các trường học cách mạng. Những chiến sĩ này đã vượt qua bão đạn, mưa bom, đem lời ca tiếng hát phục vụ mọi đơn vị, cổ vũ tinh thần chiến đấu, lao động sản xuất của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cho đến ngày Quảng Ngãi được giải phóng. Sự đóng góp của Đoàn văn công Giải phóng vô cùng to lớn, không sao nói hết được"
 Trích lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1945-1975)

Sự hy sinh thầm lặng

Các chiến sĩ văn công trên mặt trận văn hoá, văn nghệ phải vượt qua bao gian khó, chịu đựng hy sinh, mất mát dưới bom đạn ác liệt của quân thù không khác gì các chiến sĩ lực lượng vũ trang. Đó là, không chỉ đối mặt với chiến trường khốc liệt mà còn đối mặt với đau đớn, bệnh tật, nhất là sốt rét rừng, mối đe doạ kinh hoàng lúc bấy giờ. Đã nhiều lần cơn sốt ập đến với các thành viên trong lúc lên đường hành quân hoặc ngay trong đêm biểu diễn. Và cũng có không ít đồng chí đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là đồng chí Nguyễn Thiệp, một trong những cán bộ đầu tiên xây dựng đoàn đã hy sinh trong trận bom B52 tại Sơn Tịnh ngày 16.10.1965.

Hay như nghệ sĩ Nguyễn Trung Hải- một diễn viên hài và chính kịch tài ba, con chim đầu đàn của đoàn đã hy sinh vì bom giặc cùng với diễn viên Nguyễn Sinh trong lúc đưa đạo diễn Khánh Cao đi cấp cứu. Còn đồng chí Nguyễn Kịch, nhạc công đàn nhị bị địch bắt và hy sinh trên đường thoát ngục từ Trại giam tù chính trị Quảng Ngãi. Với anh Phạm Văn Thanh (dân tộc Hrê) thì hy sinh trên đường đi cõng gạo...

Trong những năm tháng ấy, có những lúc, Đoàn phải phân tán từng đội nhỏ, bám sát bước chân hành quân của bộ đội, du kích, biểu diễn ngay sát vùng địch kiểm soát (những lúc hai bên ngừng bắn), sát khu dồn dân, đồn bót địch. Không chỉ vậy, các anh chị còn phục vụ ngay nơi quân ta vừa mới tiêu diệt địch, dân vừa mới được giải phóng, tuyên truyền để bà con trở về quê cũ làm ăn, kêu gọi binh lính không được bắn giết dân lành vô tội. Cùng với đó, các anh chị còn tranh thủ tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, kêu gọi các gia đình có con em tham gia quân đội Việt Nam Cộng hoà hãy bỏ hàng ngũ của địch để về với gia đình, về với cách mạng.

Nhìn lại chặng đường đã qua, ai cũng có thể cảm nhận rằng, ở đâu có Đoàn văn công thì ở đó vang lên những điệu lý, câu hò, những bản nhạc hùng tráng ca ngợi tình yêu đất nước, ca ngợi những chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Điều đó đã hun đúc lòng quyết tâm giải phóng dân tộc với khí thế hào hùng, góp phần thắp lên ngọn lửa chiến đấu kiên cường trong trái tim mỗi người dân Quảng Ngãi, đưa phong trào cách mạng Quảng Ngãi cùng với phong trào cách mạng miền Nam làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.


Bài, ảnh: Phú Đức
 


.