Đúng 7h30 phút ngày 10 tháng 3 năm Giáp Ngọ (tức ngày 9/4/2014) tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng chính thức bắt đầu.
Ảnh VGP/Từ Lương |
Dự Lễ dâng hương tưởng nhớ công đức các Vua Hùng theo nghi lễ quốc gia có các đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cùng hàng vạn người dân khắp mọi miền Tổ quốc cùng có mặt tại buổi lễ.
Đúng 7h30 phút tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng chính thức bắt đầu.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã vào thượng cung dâng hương, hoa, lễ vật lên các Vua Hùng; thắp hương tưởng nhớ, tri ân các vị liệt tổ, liệt tông đã có công khai thiên lập quốc; cầu cho quốc thái dân an, bách gia trăm họ bình yên, đất nước thịnh vượng, trường tồn.
Chủ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Chu Ngọc Anh đọc Chúc văn bày tỏ lòng tự hào về truyền thống vẻ vang 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn công đức tổ tiên; kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Sau Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và tỉnh Phú Thọ.... cùng các đại biểu đã dâng lẵng hoa mang dòng chữ “Mãi mãi ghi sâu và làm theo lời Bác dạy” tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” tại ngã ba Đền Giếng; dâng hương tưởng niệm Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Đền Lạc Long Quân.
Nét mới của Lễ hội đền Hùng năm nay là các đoàn nghệ thuật của 4 tỉnh gồm: Bắc Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Long và Long An trình diễn nhiều tiết mục nghệ thuật độc đáo như: Đờn ca tài tử của tỉnh Vĩnh Long và Long An; dân ca quan họ Bắc Ninh; hò khoan Quảng Bình. Bên cạnh đó là các hoạt động Thi nấu bánh chưng, bánh dày; biểu diễn trống đồng, múa lân, hát Xoan; các giải thể thao quần chúng như vật dân tộc, cờ tướng…
Theo Ban Tổ chức, từ ngày khai hội Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 6 tháng 3 Âm lịch đến hôm nay), đã có trên 5 triệu lượt khách thập phương đến dâng hương tri ân công đức các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử đền Hùng.
Mặc dù trên cả nước hiện nay có hơn 1.400 di tích thờ Vua Hùng, nhưng Đền Hùng ở Phú Thọ vẫn là di tích trung tâm, trở thành tâm điểm trong việc bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đây là địa điểm lớn nhất và lâu đời nhất trong lịch sử thờ cúng Hùng Vương ở nước ta.
Đền Hùng là nơi diễn ra nghi lễ thờ cúng tổ tiên của nhân dân ta và UNESCO đánh giá rất cao điều này khi công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Với nhân dân ta, Giỗ tổ Hùng Vương là dịp khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình non nước, nghĩa đồng bào để cùng thống nhất ý chí và sức mạnh nhằm xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc.
Theo Từ Lương (Chinhphu.vn)