Tái hiện Lễ hội Cầu ngư vùng Nam Trung Bộ

04:03, 31/03/2014
.

Trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam 2014, tối 30/3, tại các địa phương ven biển huyện Tuy An, Đông Hòa, Thị xã Sông Cầu và TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đồng loạt diễn ra Chương trình trình diễn Lễ hội Cầu ngư.

Chương trình có sự tham dự của 8 đội hò bả trạo (mỗi đội 25 người) đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Phú Yên. Sau nghi thức Lễ cầu ngư, các đội tổ chức hò bả trạo đặc sắc của cư dân miền biển.

Mở đầu lễ hội Cầu ngư là lễ rước sắc, sau đó là lễ nghinh thủy hay lễ rước hồn Ông Nam Hải. Khi chủ tế cúng trong đền, thì ở ngoài đoàn hát bả trạo bắt đầu hát (bả là cầm nắm, trạo là lay động, chèo; là loại hình có nguồn gốc từ hát bội). Các vai đóng giả ngư phủ được xếp theo đội hình chèo thuyền.
 

Lễ hội cầu ngư còn gọi là tục giỗ ông Nam Hải, tức thờ cúng cá voi (cá ông). Là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc, trở thành một hiện tượng văn hoá đặc trưng của ngư dân vùng biển. Ảnh: VGP/Thế Phong
Lễ hội cầu ngư còn gọi là tục giỗ ông Nam Hải, tức thờ cúng cá voi (cá ông). Là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc, trở thành một hiện tượng văn hoá đặc trưng của ngư dân vùng biển. Ảnh: VGP/Thế Phong


Đội có từ 18 đến 20 người, có nơi có từ 24 đến 26 người. Ngoài tổng chèo phụ trách chung còn có tổng lái, tổng mũi, tổng khoan mặc áo thụng xanh, thắt dây lưng điều, đảm đương từng nhiệm vụ. Tổng chèo cầm chèo cán sơn đỏ, mái màu trắng, giữa cây chèo có vòng thái cực. Chèo lái dài cỡ 2,5m, có tay cầm màu đỏ, mái màu xanh có hình rồng vàng, còn chéo quân (con trạo) dài 1,2m sơn hai màu đen, trắng.

 

Khi hát, tổng bả trạo lĩnh xướng còn con trạo phụ họa. Cùng với sự di chuyển chầm chậm của đội hình múa tượng trưng cho con thuyền đang nhẹ nhàng lướt trên mặt sóng. Ảnh: VGP/Thế Phong
Khi hát, tổng bả trạo lĩnh xướng còn con trạo phụ họa. Cùng với sự di chuyển chầm chậm của đội hình múa tượng trưng cho con thuyền đang nhẹ nhàng lướt trên mặt sóng. Ảnh: VGP/Thế Phong

 

Người ta thường ca các điệu hát nam, hát khách đi đưa linh; còn trong lúc lao động thì dùng các điệu hò chèo thuyền, hò giựt chì, hò hụi, hò lơ… Ảnh: VGP/Thế Phong
Người ta thường ca các điệu hát nam, hát khách đi đưa linh; còn trong lúc lao động thì dùng các điệu hò chèo thuyền, hò giựt chì, hò hụi, hò lơ… Ảnh: VGP/Thế Phong


Lễ hội cầu ngư là loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc nhất miền biển, là hướng đi mới cho ngành du lịch, thủy sản Phú Yên phát triển và hội nhập; khai thác lợi thế biển, đảo kết hợp với phát huy di sản văn hóa dân tộc.
 

Theo Thế Phong (Chinhphu.vn)

 


.