Hồ Văn Năm- Chàng phóng viên của đại ngàn

07:02, 04/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi biết Hồ Văn Năm khi anh ấy vừa mới về Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ngãi. Thường những đồng nghiệp về sau tôi, tôi không để ý lắm, nhưng với Hồ Văn Năm thì khác, chắc có lẽ tại vóc người cao to, làn da nâu đen khỏe mạnh, mái tóc xoăn tít, cùng giọng nói ồm ồm nửa đùa nửa thật với đồng nghiệp “đồng bào mình cái bụng thiệt lắm!”.

Vâng, Hồ Văn Năm là đồng nghiệp, là nhà báo người Cor. Chàng phóng viên người Cor ấy sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống cách mạng, ở tại thôn Tây, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà.

Cơ duyên đến với nghề báo của anh cũng thật tình cờ. Đó là năm 2005, lúc anh đang là học sinh lớp 12 của Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh, thì được Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh ký hợp đồng làm cộng tác viên dịch đọc chương trình tiếng dân tộc Cor, khi đó Phòng dân tộc của Đài PTTH Quảng Ngãi mới được thành lập nên thiếu phát thanh viên người dân tộc thiểu số. Được nhận vào làm cộng tác viên, với lòng yêu nghề, cùng với những tố chất sẵn có như chất giọng ấm khỏe, khả năng dẻo dai “xuyên rừng vượt núi”, anh đã hoàn thành tốt công việc của mình, được lãnh đạo tin tưởng. Chính vì vậy sau khi tốt nghiệp THPT anh đã được lãnh đạo đài nhận về làm việc chính thức tại Phòng Biên tập Phát thanh – Truyền hình tiếng dân tộc.

 

Hồ Văn Năm (bên phải) trong một lần tác nghiệp ở miền núi. Ảnh: P.D
Hồ Văn Năm (bên phải) trong một lần tác nghiệp ở miền núi. Ảnh: P.D


Vào nghề sớm sau khi kết thúc bậc THPT, vừa muốn đảm bảo công việc và cũng không muốn bỏ dở việc học của mình, năm 2008, anh đã thi vào Đại học ngành Truyền thông Báo chí – do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (hệ vừa làm vừa học). Chính sự chịu khó và ý chí vươn lên, chàng phóng viên người Cor ngày nào nay đã là một phóng viên “đắc lực” của Phòng Dân tộc vừa vững về nghề, vừa bền về trí.

Sinh sống và gắn bó với công việc ở thành phố đã lâu, nhưng mỗi khi có dịp tác nghiệp vùng miền núi, anh lại thấy mình như được hồi sinh. Miền đất của đại ngàn đã ăn sâu vào máu thịt chàng phóng viên trẻ, nên không có nơi gian khó “đèo cao, suối sâu”, tận bản làng xa xôi nào khiến anh chùn chân. Hồ Văn Năm đã xem đại ngàn như chính hơi thở của mình, điều đó được thể hiện trong từng tác phẩm, trong mỗi chương trình phát sóng.

8 năm công tác tại Đài PT-TH Quảng Ngãi, chàng trai 27 tuổi này đã từng bước khẳng định được chỗ đứng vững chắc về nghề nghiệp. Năm 2011, chính sự hỗ trợ đắc lực, vô cùng quan trọng của anh đã giúp cho các đồng nghiệp hoàn thành tốt phóng sự ngắn “Tiền tỷ ở non cao”  và giành được huy chương vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 31, tổ chức tại Đà Nẵng. Những năm sau đó, vẫn Hồ Văn Năm cùng phòng Dân tộc đã liên tiếp giành các thành tích cao tại LHTHTQ ở các chương trình tiếng dân tộc và văn hóa - văn nghệ.

Với những phẩm chất thật đặc biệt đó, cuối năm 2013, Hồ Nhật Thảo đạo diễn phim tài liệu đã đặt trọn niềm tin vào Hồ Văn Năm trong vai trò tay máy chủ lực cho một tác phẩm tài liệu được nhiều người kỳ vọng. Sự tự tin, cần mẫn và những hiểu biết sâu sắc của Hồ Văn Năm về chính người dân ở Tây Trà đã xóa tan những ngờ vực về năng lực trong lần đầu thực hiện ở thể loại mới. Bộ phim tài liệu dài 28 phút “Lang về nhà mới…” đã chinh phục LHTHTQ lần thứ 33 tổ chức ở Hạ Long (Quảng Ninh) vào cuối năm 2013 bằng giải Vàng quý giá đã thêm một lần nữa khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp, và chất lãng tử của Hồ Văn Năm trong mắt các đồng nghiệp, không chỉ trong tỉnh mà lan ra ngoài tỉnh.

Một mùa xuân mới lại về, trong tâm trạng lâng lâng bay bổng, vẫn câu nói thật thà “Cái bụng mình phấn khởi lắm. Nhiều đồng nghiệp khi thấy mình trong trang phục người Cor truyền thống trả lời phỏng vấn trong mục Chào buổi sáng của VTV đã nhầm tưởng mình đang công tác ở Đài huyện Tây Trà. Mình tự hào là người Cor thân thương…”.
      

   Vũ Duyên
 


.