(Báo Quảng Ngãi)- Vùng biển Phổ An (Đức Phổ) từng tự hào là “đất sắc bùa”, từng có người vì “say” sắc bùa mà trở thành nghệ nhân dân gian. Ấy vậy mà về Phổ An hôm nay, điệu hát sắc bùa mê hoặc của ngày nào, bây giờ như đang nhạt dần…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lớp trẻ, thậm chí là cháu con của những người giỏi hát sắc bùa ở Phổ An cũng chẳng ai còn thuộc và hát được sắc bùa. Bởi thế dẫu còn tình yêu say đắm, còn bài bản lời ca, nhưng lớp người hát giỏi vẫn chưa thể kiếm tìm ra “hậu nhân” để truyền lại, gìn giữ loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này !
*Hát sắc bùa một mình…
Chiều tháng 10, khi những cơn mưa còn sót lại sau bão tạnh hẳn, chúng tôi mới tìm được nhà của nghệ nhân dân gian hát sắc bùa Lê Công Lịch ở xóm Bình An, thôn An Thạch (Phổ An – Đức Phổ). Đôi mắt mờ đục, cụ Lịch dò dẫm từng bước ra mở cổng cho chúng tôi. Biết cụ là nghệ nhân hát sắc bùa, tôi khẩn khoản mở lời: “Cụ ơi, nghe nói mở ngõ cũng là một điệu hát sắc bùa, cụ có thể hát cho chúng con nghe được không ạ?”. Như được dịp trải lòng, cụ Lịch bắt đầu ca: “Mở ngõ, mở ngõ/Khoen trên còn xỏ/Chốt dưới còn gài…”. Nghe giọng ca, nhìn dáng điệu, cử chỉ của cụ Lịch lúc này tôi mới hiểu hơn về cái danh hiệu nghệ nhân mà cụ được phong tặng cách đây tròn 6 năm.
Say với điệu hát bao nhiêu thì câu chuyện cuối đời tìm chưa ra người để truyền điệu sắc bùa của cụ Lịch càng day dứt bấy nhiêu. Cụ Lịch bảo: “Xưa tôi đi hát có đến cả đoàn 10 người, tay trống, tay kèn, người ca, kẻ múa. Bây giờ những khi nhớ sắc bùa quá thì chỉ biết hát một mình thôi, chẳng có bầu bạn như ngày trước nữa”. Cụ Lịch có con trai, con gái đủ cả, nhưng cụ sống một mình trong căn nhà nhỏ cạnh cánh đồng Bình An. Ngày mùa, còn chộn rộn tiếng nói cười của người làm đồng. Độ này mùa vãn, đồng vắng. Cổng ngõ có khi cả ngày không mở trừ khi đến bữa con cháu mang cơm sang cho cụ. Các con cụ cũng chẳng ai biết hát sắc bùa cả.
Năm nay cụ Lịch bước vào tuổi 86 nhưng dáng điệu, cử chỉ còn linh hoạt, giọng hát vẫn chắc nịch. “Tôi còn thuộc nhiều điệu hát sắc bùa lắm. Nhiều khi tôi ngồi hát từ sáng đến chiều vẫn chưa hết các điệu mình đã thuộc. Giá mà có cái máy ghi âm, để ghi những bài hát ấy ?” – Lời kể và câu hỏi của nghệ nhân Lê Công Lịch khiến chúng tôi chạnh lòng. Cụ bảo: "Đôi mắt tôi giờ không nhìn thấy nữa nhưng bài hát vẫn còn nằm nguyên trong đầu. Tôi theo sắc bùa từ nhỏ, mê nó lắm, làm sao mà quên được!”. Rồi cụ Lịch lại ước: Giá mà có ai tổ chức lớp học để mình dạy sắc bùa cho bọn trẻ?
Mê và giỏi hát sắc bùa nhưng đến hôm nay, “tài sản” sắc bùa mà cụ Lịch còn lưu giữ được chỉ là những lời ca trong bộ nhớ và một bộ trang phục biểu diễn đã ngả màu. Tất cả trống, kèn, đờn… đã hư hỏng và thất lạc hết. Mỗi khi có hội diễn hay dịp lễ, tết xã mời, huyện mời tham gia, cụ Lịch lại bắt con cháu chở sang xã Phổ Thạnh mượn. Cụ Lịch bảo: “Sắc bùa mà hát chay nó nhạt lắm, nhưng mà tiền đâu mua sắm nhạc cụ?”.
* Nỗi khắc khoải
Chia tay cụ Lịch, chúng tôi tìm gặp nhiều người già, trẻ em và cả cán bộ xã Phổ An để hỏi về chuyện hát sắc bùa. Chị Ngô Thị Tuyết Lan, tiểu thương chợ Phổ An bảo rằng: "Nghe sắc bùa hay lắm!. Tôi thích nhất là điệu hát chúc nghề biển, hát chúc nghề nuôi tằm. Lời hát như lời cầu khẩn, chúc phúc, mong mưa thuận gió hòa, làm ăn may mắn. Về tâm linh, thật sự chẳng có làn điệu nào qua được sắc bùa". Nhưng chị Lan cũng thừa nhận rằng, mê thì mê vậy, chứ hát thì tuyệt nhiên không. Ở Phổ An lớp trẻ có nhiều người hát rất hay, hội diễn văn nghệ quần chúng nhiều người đạt giải cao về nhạc trẻ nhưng chẳng ai trong số họ hát được điệu dân gian sắc bùa. Lạ thật!
Ông Đặng Hoanh - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ An bảo rằng, chỉ khi nào có hội diễn cần phải có hát sắc bùa thì xã mới được cấp trên đầu tư kinh phí, mua sắm trang phục, mời các cụ giỏi hát sắc bùa về tập cho đội văn nghệ. Thế nhưng diễn xong là họ quên ngay như thể chưa hát sắc bùa bao giờ. Riêng bản thân ông Hoanh, mặc dù vẫn yêu sắc bùa, đến nỗi tất cả các buổi tập hát của đội văn nghệ ông đều có mặt để nghe. Sau đợt biểu diễn, ông tổ chức họp mặt, động viên đội văn nghệ cố gắng rèn giữ lời ca, nhưng rồi cũng chẳng thể giữ nổi!
"Hiện nay xã vẫn còn hai cụ hát sắc bùa có tiếng cả Quảng Ngãi. Đó là cụ Lê Công Lịch và cụ Trần Biểu. Xã chỉ mong được cấp trên quan tâm đầu tư kinh phí, tổ chức lớp học bài bản để các cụ truyền lại điệu hát sắc bùa cho thế hệ sau. Hai cụ này mà qua đời thì chuyện truyền và lưu giữ hát sắc bùa ở Phổ An căng lắm!” - ông Hoanh nói. Biết vậy, nhưng câu chuyện gìn giữ làn điệu dân gian sắc bùa ở Phổ An vẫn chỉ là khắc khoải: Người biết nghề khắc khoải mong có người học nghề; xã khắc khoải chờ huyện, tỉnh quan tâm. Và những người còn yêu sắc bùa khắc khoải mong đến dịp tháng giêng, hai để được nghe điệu sắc bùa thực thụ chứ không phải chỉ xem sắc bùa tham gia hội diễn!
Bài, ảnh: THANH NHỊ