Đưa Hoàng Sa - Trường Sa đến với độc giả nhí qua sách

12:11, 14/11/2013
.

Một tín hiệu đáng mừng với các NXB là những cuốn sách, truyện về Hoàng Sa – Trường Sa được nhiều độc giả nhí đón nhận.

Sau một thời gian dài triển khai, đến nay, “Tủ sách biển đảo Việt Nam” dành cho lứa tuổi thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng đã có 7 đầu sách. Những cuốn sách như: “Tổ quốc nơi đầu sóng”, “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”, “Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa – Trường Sa”.v.v… đã trở thành những người bạn thân thuộc, giúp khơi gợi tình yêu biển đảo trong lòng các độc giả nhí.

Trong khi đó, tuy mới có một ấn phẩm dành riêng cho các em nhỏ mang tên “Bu Bu đi du lịch Trường Sa” trong tổng số 10 đầu sách viết về chủ đề biển đảo của mình, nhưng Nhà xuất bản Trẻ cũng đã tạo được dấu ấn riêng với cách làm sách sáng tạo, gần gũi.


Về cuốn sách tranh khá đặc biệt này, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ cho biết: “Thiếu nhi là một mảng đề tài quan trọng nếu không nói là sống còn của Nhà xuất bản Trẻ. Việc giới thiệu về biển đảo quê hương với những độc giả nhỏ tuổi vừa là trách nhiệm, vừa là cảm hứng nghề nghiệp để chúng tôi làm sách ngày một tốt hơn. Không chỉ dừng ở cuốn ‘Bu Bu đi du lịch Trường Sa’, sắp tới sẽ có những ấn phẩm liên quan đến biển đảo quê hương phục vụ bạn đọc, trong đó có các em thiếu nhi”.

Nếu như Nhà xuất bản Kim Đồng chọn cách đa dạng hóa hình thức thể hiện như sách ảnh, sách khoa học, sách văn học… để thu hút người đọc thì Công ty Cổ phần Truyền thông Giáo dục và Giải trí Phan Thị lại mượn 4 nhân vật Tý - Sửu - Dần - Mẹo trong bộ truyện tranh quen thuộc “Thần Đồng Đất Việt” để kể chuyện về Hoàng Sa – Trường Sa. Nhờ lối dẫn chuyện dân dã, mang tính định hướng cao cùng nhiều hình ảnh, tài liệu cụ thể, nên vừa xuất bản vào cuối tháng 9, nhưng tập 1 trong bộ 10 cuốn “Thần Đồng Đất Việt: Hoàng Sa – Trường Sa” mang tên “Khẳng định chủ quyền” đã tạo được hiệu ứng tốt trong dư luận.

Theo bà Phan Thị Mỹ Hạnh - Tổng giám đốc Công ty Phan Thị, việc “gọt giũa” tối đa tư liệu lịch sử mà vẫn đảm bảo đủ thông tin cho độc giả nhỏ tuổi là điều không hề dễ dàng: “Những câu chuyện về biển đảo hiện nay có rất nhiều trong sách lịch sử. Tuy nhiên, các sách lịch sử này không phù hợp với đối tượng nhỏ tuổi, làm cho các em không có hứng thú tìm hiểu lịch sử chủ quyền biển đảo. Do đó, chúng tôi sử dụng những nhân vật truyện tranh vốn quen thuộc với thiếu nhi để kể cho các em nghe câu chuyện về Hoàng Sa – Trường Sa. Phương pháp mà Phan Thị chọn là cắt nhỏ các vấn đề ra để vừa tầm với suy nghĩ của các em”.
 

Bốn nhân vật chính quen thuộc trong bộ truyện "Thần đồng đất Việt" đã tiếp tục gắn bó với các em nhỏ qua đề tài biển đảo
Bốn nhân vật chính quen thuộc trong bộ truyện "Thần đồng đất Việt" đã tiếp tục gắn bó với các em nhỏ qua đề tài biển đảo


Đại diện nhiều nhà xuất bản, công ty sách chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay của họ chính là khâu “mềm hóa” những kiến thức lịch sử để độc giả nhỏ tuổi có thể hiểu đúng, hiểu đủ về chủ quyền biển đảo quê hương mà không buông sách giữa chừng. Do đó, mỗi đầu sách thuộc thể loại này mất trên dưới 2 năm để hoàn tất các khâu dù số trang có khi chưa đến 20 trang.

Ông Nguyễn Huy Thắng - Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết: “Để hoàn thành công việc, nhóm tác giả đã gác hết các việc cá nhân, kể cả những cuốn sách khác đang viết dang dở để ưu tiên cho đề tài này. Làm ra cuốn sách đã khó, nhưng đưa được sách đến các em mới là điều đáng nói”. Khó khăn là vậy, nhưng theo ông Thắng, những cuốn sách kể trên chỉ là bước đầu. Trong thời gian tới, Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ có thêm nhiều sách về biển đảo ở nhiều thể loại khác nhau dành cho các em thiếu nhi.

Với những việc làm sáng tạo và đầy trách nhiệm của các nhà xuất bản, công ty sách, tín hiệu đáng mừng là những cuốn sách, truyện về Hoàng Sa – Trường Sa góp mặt trên thị trường sách gần đây đã tạo được cảm giác thích thú cho nhóm độc giả nhỏ tuổi./.



Mỹ Dung/VOV


.