Truyền thanh cơ sở trước thách thức mới

09:10, 20/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Là phương tiện thông tin tuyên truyền gần nhất với người dân, hệ thống truyền thanh cơ sở trong những năm qua đã góp phần lớn trong việc thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Song, trước sự bùng nổ thông tin và các phương tiện truyền thông hiện nay, đặt ra những thách thức mới cho việc duy trì và phát triển truyền thanh cơ sở.

TIN LIÊN QUAN


Kênh thông tin gần nhất với người dân

Với lợi thế kịp thời, tiện ích, ít tốn kém, mặc dù trong thời buổi bùng nổ các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng hệ thống truyền thanh cơ sở vẫn giữ một vị trí không thể thiếu trong công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở. Đây là kênh thông tin quan trọng để chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận thôn, bản và người dân cũng như phản ánh các hoạt động kinh tế- xã hội diễn ra trên địa bàn… và là công cụ hữu hiệu phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền cơ sở; được nhân dân địa phương đánh giá cao.

Thực tế công việc của nhiều người nông dân ở các vùng quê từ đồng bằng cho đến miền núi rất khó để tập trung đầy đủ được bà con để phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước... thì việc tiếp nhận thông tin qua hệ thống phát thanh cơ sở là hình thức phù hợp nhất. Bởi, dù ở bất cứ đâu trong vùng phủ sóng nhân dân cũng có thể nghe được.

"Với những người nông dân của chúng tôi, suốt ngày bận rộn với công việc ruộng đồng, không có nhiều thời gian để ngồi đọc báo hay xem tivi nên hầu hết các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều đến với chúng tôi thông qua hệ thống loa phát thanh của xã. Nhờ hệ thống loa phát thanh mà chúng tôi nắm bắt được nhanh chóng các hoạt động của địa phương ngay cả khi đang làm việc ngoài đồng”- ông Nguyễn Sinh ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) cho biết.

 

Qua hệ thống truyền thanh cơ sở, các thông tin kinh tế- chính trị- xã hội đến gần với người dân
Qua hệ thống truyền thanh cơ sở, các thông tin kinh tế- chính trị- xã hội đến gần với người dân.


Ông Nguyễn Thanh Sang- cán bộ Đài truyền thanh xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) cho hay: Nếu so với các loại thông tin tuyên truyền hiện đại khác thì hệ thống Đài truyền thanh cơ sở như chúng tôi nội dung không phong phú bằng. Tuy nhiên, hệ thống tuyên truyền cơ sở cũng có những "đặc sản" riêng gần gũi với người dân địa phương mà những nội dung này chỉ có Đài truyền thanh phường, xã, thôn bản mới có như: Thông tin hoạt động của địa phương, các hoạt động hội họp, kinh tế- xã hội, an ninh trật tự, rồi đến lịch thời vụ, giống cây trồng, dịch bệnh, tiêm chủng...

"Nhất là vào mùa mưa bão, hệ thống truyền thanh cơ sở đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc kịp thời thông báo thông tin, tình hình cụ thể của địa phương trực tiếp đến người dân, để người dân chủ động phòng tránh"- ông Sang cho biết thêm.

Lợi ích là thế nhưng hiện nay, những khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí đã làm giảm hiệu quả tuyên truyền của phương thức truyền thông này.

Truyền thanh cơ sở "kêu cứu"

Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2013 của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện tại toàn tỉnh có 176 xã, phường, thị trấn có Đài Truyền thanh cơ sở. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 89 đài hoạt động bình thường, 65 đài hư hỏng nhẹ có thể sửa chữa được và có tới 22 đài hư hỏng hoàn toàn; 128 đài không đúng quy hoạch băng tần 54-68Mhz.

Cùng với đó, hệ thống truyền thanh cơ sở đa số được đầu tư đã lâu, cơ sở, thiết bị không còn phù hợp và hiện đã xuống cấp. Hệ thống cụm loa truyền thanh ở các xã, thôn, còn quá ít, nhiều cụm loa hư hỏng chưa khắc phục kịp thời. Đặc biệt, ở các huyện miền núi do địa hình nhiều vùng lõm, trong khi công suất của các Đài phát thanh huyện nhỏ từ 200-300w, nên nhiều đài cơ sở ở xa trung tâm huyện không tiếp được sóng.

 

Các trang thiết bị xuống cấp ảnh hưởng rất lớn công tác tuyên truyền ở cơ sở
Các trang thiết bị lạc hậu, thường xuyên hư hỏng, ảnh hưởng rất lớn công tác tuyên truyền ở cơ sở


Anh Hồ Văn Hoan- Cán bộ phụ trách đài truyền thanh xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) cho biết: Cái khó của công tác phát thanh ở xã đó là hệ thống loa tại xã thường xuyên bị hư hỏng, oxy hóa nên thông tin truyền đi luôn bị gián đoạn. Hiện tại, máy phát tại UBND xã đã bị hư hỏng, không thể dò được tần số của Đài truyền thanh huyện. Vấn đề này, xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến giờ vẫn chưa được sửa chữa, ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền ở địa phương.

Ngoài những khó khăn về hệ thống truyền phát lạc hậu và thường xuyên bị hư hỏng, thì phụ cấp quá thấp cũng là một khó khăn cho người làm công tác truyền thanh ở cơ sở. "Một mình chúng tôi "diễn" cả mấy vai, vừa làm "biên tập", "phát thanh viên", vừa là kỹ thuật viên, kiêm cả việc trèo cột điện để sửa loa hoặc đường dây đảm bảo thông tin thông suốt, kịp thời. Tuy nhiên, hiện mức lương chỉ có khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng không đủ để trang trải cuộc sống"- ông Nguyễn Thanh Sang, cán bộ truyền thanh xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) chia sẻ.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành đài truyền thanh cơ sở chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; chưa có khả năng về biên tập tin bài, kỹ thuật vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả đài truyền thanh và các thiết bị tác nghiệp khác ở cơ sở. Cán bộ làm việc là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi công tác, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác tuyên truyền ở địa phương.

"Chúng tôi, mong muốn các cơ quan cấp trên mở thêm nhiều lớp tập huấn, huấn luyện kĩ năng để những người làm phát thanh như chúng tôi có điều kiện tiếp cận, trau dồi thêm kiến thức và có thể tự sửa chữa được máy móc khi cần thiết, thay vì chờ đợi cấp trên"- anh Hồ Văn Hoan- Cán bộ phụ trách đài truyền thanh xã Tịnh Kỳ chia sẻ.

 

Phụ cấp quá thấp ảnh hưởng rất lớn đến công việc của người làm công tác truyền thanh ở cơ sở
Điều kiện làm việc khó khăn, phụ cấp thấp... ảnh hưởng rất lớn đến công việc của người làm công tác truyền thanh ở cơ sở.


Để cho cánh sóng bay xa...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Sau khi Sở tiến hành khảo sát thực trạng truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh, Sở đã tiến hành lập Đề án "Tăng cường, củng cố, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020" trình lên UBND tỉnh và UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề án này.

Đây là đề án quan trọng nhằm mở rộng diện phủ sóng và tăng cường thông tin cho người dân. Với mục tiêu đến năm 2020, đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có cơ sở vật chất, thiết bị đài truyền thanh cơ sở, chất lượng hoạt động ổn định, thường xuyên. Đồng thời, từng bước củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở, tạo điều kiện để ổn định lâu dài...

Song song với đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở cũng đang được đẩy nhanh tiến độ với những hoạt động thiết thực, có hiệu quả, nhằm xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở trở thành cầu nối để đưa thông tin đến tận mọi người dân.

"Thông qua Chương trình tiêu Quốc gia, trong thời gian qua, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ làm công tác truyền thanh cơ sở, đặc biệt, ưu tiên cho các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, Sở đã đầu tư cho huyện Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Tây một số hệ thống máy móc hiện đại phục vụ cho công  tác phát thanh, phát hình ở cơ sở và trang bị 15 bộ tiếp sóng ở các điểm sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn miền núi..."- ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.



Bài, ảnh: Bảo Ngọc

 
 


.