(Báo Quảng Ngãi)- "Nghệ nhân" - danh hiệu do bà con xóm giềng phong cho những người giữ được hồn của chiêng hay làn điệu Ca lêu, Ca choi mượt mà, sâu lắng. Nhưng “hồn” ấy liệu sẽ được sống đến bao giờ khi mà giờ đây, những nghệ nhân chẳng khác nào ngọn đèn dầu leo lắt trước gió.
Chiều Minh Long mây giăng kín lối, mưa trắng trời. Trên bậc thềm căn nhà sàn cũ kỹ nằm sâu dưới triền núi của thôn Công Loan, xã Thanh An, vài ba người đàn ông đang chén tạc chén thù với những câu chuyện không đầu không cuối. Chốc chốc, có người lại yêu cầu chủ nhà Đinh Văn Ngược gõ chiêng góp vui. Nghe tiếng “keng keng”, chúng tôi sầu não ruột. Vì chiêng có bao giờ phát ra những âm thanh vô hồn ấy đâu. Thế mà người ta vẫn vỗ tay hoan hô, rồi thưởng cho chủ nhân những tiếng “keng” ấy một ly rượu trắng.
Nghệ nhân Đinh Thị Đê bên cây đàn B’roát 2 dây. ảnh: Tư liệu |
Hình ảnh trên khiến tôi nhói lòng khi nhớ lại cái ngày cách đây 4 năm, trong một lần xã Thanh An liên hoan văn nghệ chào mừng Đại hội các dân tộc thiểu số lần thứ nhất. Cũng người đàn ông ấy, cũng cái chiêng ấy nhưng tiếng chiêng của 4 năm trước sao trầm bổng, hào hùng và có sức cuốn hút đến kỳ lạ, khiến người xem ngơ ngẩn. Lúc ấy, nghệ nhân Đinh Văn Ngược cùng hai người bạn của ông rất điềm tĩnh, say sưa với những nhịp chiêng mạnh mẽ, dứt khoát cùng ánh mắt ánh lên niềm vui, niềm tự hào.
Quả thật khi đó, nhìn họ hòa mình vào “linh vật”-bộ chiêng ba khiến tiếng chiêng ngân lên có vần, có điệu, có hồn mà ai cũng xúc động lẫn thán phục. Vậy mà giờ đây, hào khí ấy đã không còn. Tiếng chiêng giờ trở nên lạc lõng, u uất, vô hồn, mất sức sống. Phải chăng hệ quả này là do những nghệ nhân một thời như Đinh Văn Ngược, Đinh Văn In đã bị rượu chiếm ngự, điều khiển hay vì chiêng thiêng buồn vì người ta quên thủ tục “tắm” rượu cho mình trước khi đánh?
May mắn hơn chiêng, đàn B’roát, B’râu đang được nữ nghệ nhân Đinh Thị Đê bảo tồn, lưu giữ. Nói may mắn là bởi, bà Đê không bị rượu khống chế như chị của mình, một trong những người đã từng chơi và làm rất khéo các loại đàn. Có lẽ nhờ vậy mà tiếng đàn B’roát, B’râu do bà Đê xướng lên vẫn còn giữ được âm thanh trong trẻo, lúc rộn ràng, hứng khởi; lúc nỉ non sầu lắng như lời nhắn nhủ tâm tình. Nhưng “né” được rượu, nghệ nhân Đê lại “vướng” vào nỗi lo cơm áo gạo tiền, rồi tuổi già, bệnh tật liên tục ghé thăm khiến đam mê làm đàn, thổi sáo, hát Ca lêu, Ca choi của bà cũng suy giảm nhiều. Chẳng thế mà khi bắt gặp hai cây đàn B’roát loại 8 dây và 2 dây được phủ một lớp bụi dày ở góc bếp, tôi chợt se lòng vì phải lâu lắm rồi, nó không được bà chạm đến.
Quả thật cách đây 2 năm, vừa gặp tôi, bà Đê đã vội vàng lấy đàn ra kéo, rồi nhiệt tình giảng giải chi tiết cấu trúc, vật liệu và cách làm đàn B’roát, B’râu. Ấy thế mà lần này, người nghệ nhân có tiếng đa tài, biết chơi nhiều loại nhạc cụ nhất của huyện miền núi Minh Long lại chẳng buồn buôn chuyện, cũng không kéo đàn mà chỉ đưa mắt nhìn xa xăm, rồi thở dài như lo lắng điều gì. Mãi sau bà mới khẽ tiết lộ rằng: “Già sợ lắm. Sợ rồi đây sẽ chẳng còn cây đàn B’roát, B’râu hay sáo R’ngói nào. Sợ chẳng còn những làn điệu của đồng bào Hrê nơi đây được xướng lên trong mỗi mùa lễ hội”. Vì sao ư? Vì khi những nghệ nhân như bà Đê mất đi, những bí quyết làm đàn, kéo đàn, hay kỹ thuật đánh chiêng cũng sẽ theo họ xuống mồ. Bởi hiện giờ, lớp trẻ không chịu tiếp nhận những “món” ấy vì họ cho rằng, mấy thứ đàn này lạc hậu, không hấp dẫn so với các loại nhạc mới bây giờ. Chưa kể, một số người trẻ tuổi “có duyên” với chiêng thì cũng “bén duyên” với rượu, khiến tiếng chiêng lạc điệu, mất dần âm hưởng vốn có.
Có lẽ vì điều này mà khi tôi đề cập đến chuyện “nghệ nhân”, Phó trưởng Phòng VHTT huyện Minh Long Nguyễn Hồng Tâm không giấu được sự lo lắng. Vì hơn ai hết, anh biết rằng những bài hát ru, thổi sáo Tà lía, Chinh Ca la… vốn là nét văn hóa nghệ thuật độc đáo đã từng làm say đắm lòng người. Và, chính chúng cũng đã làm nên sự đa dạng, phong phú trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của bà con đồng bào dân tộc Hrê nơi đây. Và không chỉ anh Tâm, mà các cấp chính quyền huyện Minh Long cũng đau đáu nỗi lo một ngày không xa, tiếng chiêng, tiếng đàn sẽ mai một khi lớp người này về với đất.
MỸ HOA