*Thanh Thảo
(Baoquangngai.vn)- Tôi nhớ, hồi năm 1997, trong một lần tôi tháp tùng nhà thơ Tế Hanh về thăm lại quê Bình Dương của ông. Sau đó, đoàn chúng tôi ghé thăm thôn Tuyết Diêm-nơi sau này là cảng xuất xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Nhà thơ Tế Hanh năm đó tuổi đã cao, mắt ông gần như không còn nhìn thấy rõ, nhưng ông vẫn hăng hái đi với chúng tôi trên bãi biển Tuyết Diêm. Tế Hanh kể: “Tuyết Diêm vốn là thôn làm muối từ trước Cách mạng tháng Tám. Ngày ấy, mình đã có lúc trọ học ở đây, nên rất rành làng xóm và bãi biển này. Hồi xưa, dân ở đây nghèo lắm, họ gọi củ mì hay củ lang ghế là “cơm”, còn gọi cơm nấu từ gạo là “xôi”.
Quanh năm họ ăn “cơm” là củ mì củ lang xắt khô nấu lên, chỉ những ngày giỗ chạp hay Tết nhất mới được ăn “xôi” hay “cơm nếp” là cơm nấu từ gạo. Tôi mau miệng: “Thế bà con Tuyết Diêm chưa bao giờ được ăn xôi hay cơm nếp nấu từ… nếp cả sao? Nếu được ăn, thì họ gọi xôi hay cơm nếp đó là gì?”.
Nhà thơ Tế Hanh cười hồn hậu: Mình cũng chưa một lần hỏi họ gọi nếp bằng tên gì, nhưng theo mình biết, gần như họ không có cơ hội ăn xôi hay cơm nếp như anh em mình hay ăn đâu!
Trên bãi biển Tuyết Diêm, chúng tôi phát hiện một quán cóc có bán bia Dung Quất và khô mực nướng. Anh em bèn quần tụ, bù khú với nhau để nghe nhà thơ Tế Hanh kể chuyện “ngày xưa”. Chúng tôi mời Tế Hanh uống bia “Dung Quất quê mình”. Nhà thơ già hào hứng nâng ly, dù “bia lượng” của ông dạo đó đã giảm hẳn do bệnh tật.
Uống được một chai bia Dung Quất, thưởng thức vài nhát mực nướng xé mỏng, tôi có cảm giác Tế Hanh rất vui, rất thanh thản trong một buổi sáng mát trời. Bia Dung Quất, nói theo Tế Hanh, là “bia của quê mình, mình uống bia Dung Quất (Vũng Quýt) cũng là uống… quê hương mình”.
Hiếm có một nhà thơ nào yêu và gắn bó với quê hương như Tế Hanh, càng hiếm nhà thơ biết gắn tình yêu quê hương với tình yêu…bia, một loại đồ uống toàn cầu.
Dạo đó, chúng tôi mới nghe vùng Tuyết Diêm hay Bình Trị sẽ là nơi đặt nhà máy lọc dầu Dung Quất. Mới nghe nói vậy thôi chứ nào đã thấy gì đâu! Nhưng chúng tôi, cả nhà thơ Tế Hanh nữa, đều lâng lâng với viễn cảnh này. Nhất là trước mặt chúng tôi, lúc ấy, có mấy chai bia mang tên Dung Quất”.
Vậy là uống mừng… nhà máy lọc dầu. Tôi còn nhớ, lúc ấy, nhà thơ Tế Hanh đã hứa sẽ viết một trường ca về thôn Tuyết Diêm và Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tiếc thay…
…Chuyến đi về Quảng Ngãi và Bình Sơn lần ấy là chuyến đi cuối cùng của nhà thơ Tế Hanh. Một cơn đột quỵ đã khiến Ông phải nằm một chỗ ngót mười năm ở Hà Nội, cho tới khi qua đời.
Nhiều năm sau khi Tế Hanh mất, tôi có đề nghị Nhà máy bia Dung Quất nên xây một con đường bê-tông từ con đường lớn vào ngôi nhà tuổi nhỏ của ông ở Bình Dương. Nơi đó đã trở thành nhà thờ, lưu đậm dấu kỷ niệm xưa của nhà thơ xứ Quảng thân yêu.
Nhà máy bia Dung Quất đã hoàn thành con đường bê-tông không lâu sau đó, vừa phục vụ bà con trong thôn Đông Yên của Tế Hanh, vừa bày tỏ niềm yêu kính với nhà thơ đã từng uống và khen “những lời có cánh” với sản phẩm bia Dung Quất của mình.
Tôi nghĩ, có lẽ Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng chưa biết chuyện này. Chuyện một nhà thơ lớn quê Bình Sơn đã từng ngồi ngay ở nơi sẽ là cảng xuất dầu Dung Quất và đã… uống bia Dung Quất, trong khi mơ ước sẽ viết một trường ca về Nhà máy lọc dầu Dung Quất./.