Âm vang khúc khải hoàn giữa Ba Đình nắng

11:08, 27/08/2013
.

Trong dịp cả nước kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9, tôi muốn cùng bạn đọc tìm hiểu và nghe lại hai ca khúc nổi tiếng một thời. Một bài tiên đoán giờ phút vinh quang và một bài ghi lại không khí hào hùng của ngày mùa thu lịch sử năm xưa.

1. Phong trào cách mạng những năm đầu thập niên 1940 dâng cao tác động mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân, nhất là giới thanh niên. Trước 1945, khi còn là một sinh viên, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từng nổi tiếng qua nhiều ca khúc thể hiện lý tưởng yêu nước và cách mạng: Bạch Đằng Giang, Tiếng gọi thanh niên, Ải Chi Lăng, Hồn tử sĩ, Xếp bút nghiên, Hội nghị Diên Hồng, Lên đàng, Khúc khải hoàn…

Một trong những ca khúc này được đặc biệt chú ý là bài Khúc khải hoàn, một bài hát mừng hoàn toàn thắng trận trở về. Bài này tuy được ông sáng tác trước khi nổ ra Cách mạng tháng Tám, nhưng nội dung lại nói về ngày cách mạng thắng lợi dẫn đến sự ra đời một nước Việt Nam mới.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước với sự cộng tác của nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca về ca từ đã sáng tác bài Khúc khải hoàn trong một bối cảnh khá đặc biệt. Cuối tháng 10-1944, Lưu Hữu Phước bị thực dân Pháp bắt giam vào Khám lớn Sài Gòn cùng với Huỳnh Văn Tiểng. Đầu tháng 2-1945, cả hai ra khỏi tù nhưng vẫn bị quản thúc. Ngày 9-3-1945, Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp. Trước khí thế hừng hực của quần chúng, cao trào chống Nhật cứu nước, chuẩn bị tổng khởi nghĩa dâng lên như vũ bão khắp trong nước, Lưu Hữu Phước và Nguyễn Mỹ Ca nghĩ đến ngày thắng lợi của cách mạng đã gần kề và kỷ nguyên độc lập và tự do của dân tộc nhất định sẽ tới. Với cảm xúc sôi nổi dâng trào, chỉ trong vòng hai ba ngày, hai ông đã hoàn thành sáng tác Khúc khải hoàn, một ca khúc hát mừng thắng trận. Bài hát có những câu thật hào hùng: Việt Nam mến yêu ngàn ánh vinh quang rạng chiếu sơn hà ngàn xưa/ Nòi giống Lạc Hồng, nòi giống hiên ngang khắp nơi cất cao bóng cờ/ Dân ta hằng anh dũng, dân ta vẫn oai hùng/ Dân ta dù nguy biến không nao/ Non sông còn yên vững, non sông sẽ vang lừng/ Muôn đời rèn nung thêm chí cao…

Bài hát Khúc khải hoàn ra đời như hồi kèn báo trước ngày toàn thắng sẽ tới. Mấy tháng sau, ngày 19-8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra và thắng lợi trong cả nước. Sau đó ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Bài hát Khúc khải hoàn lại vang lên với niềm tự hào, niềm phấn khởi của quần chúng.

 

Nghe ca khúc Khúc khải hoàn:

[audio(12390)]



2. Có một ca khúc mang đậm không khí vừa phấn khởi vừa nghiêm trang của ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Đó là bài hát Ba Đình nắng nhạc Bùi Công Kỳ, phổ thơ Vũ Hoàng Địch.

Sau ngày phát xít Nhật làm đảo chính thực dân Pháp ở Đông Dương, trong không khí cả nước sôi sục chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, ở Nam Định, mọi người thường gặp trên sân khấu một chàng trai dáng vẻ thư sinh ôm đàn hát những bài ca cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm. Bọn hiến binh Nhật và bè lũ tay sai rất tức giận nhưng chưa có cớ để bắt bớ hay sát hại. Trong một lần khác, chàng trai hát bài Hồn Việt Nam do mình sáng tác có những câu: …Thề một chết bảo tồn cho núi sông/ Thề một chết bảo tồn cho đất nước/ Khỏi lầm than trong vòng chinh chiến/ Để khỏi thấy núi xương, sông máu bao thây phơi ngoài đồng/ Cứu vãn muôn dân thoát vòng thê lương/ Giết, giết hết quân hung tàn! Đến lần này thì bọn địch liền xông lên sân khấu bắt ngay anh. Người thanh niên đó chính là nhạc sĩ Bùi Công Kỳ.

Toàn quốc kháng chiến, ông hăm hở ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Năm 1947, khi đang công tác tại Ty Thông tin Phú Thọ, tình cờ ông gặp bài thơ Ba Đình nắng của nhà thơ Vũ Hoàng Địch đang công tác cùng cơ quan. Đọc bài thơ của Vũ Hoàng Địch, Bùi Công Kỳ cảm thấy như đang sống lại trong không khí của ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội trước đó 2 năm. Ông hăm hở phổ nhạc bài thơ này. Ban đầu, ca khúc Ba Đình nắng chỉ phổ biến ở các địa phương Phú Thọ, nhưng 10 năm sau, năm 1957, được Ban ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng, thu thanh và truyền trên làn sóng phát thanh thì Ba Đình nắng được quần chúng đón nhận nhiệt tình và lưu truyền lâu dài..

Ca khúc phổ nhạc Ba Đình nắng là một trường ca gồm nhiều đoạn có tốc độ nhanh chậm khác nhau, với các nhịp thay đổi liên tục nhịp 2/4, nhịp 3/4, rồi trở lại nhịp 2/4, nhịp 3/4. Cấu trúc bài hát với sự biến đổi trong khúc thức phù hợp với diễn biến tình cảm, suy nghĩ của các tác giả về ngày 2-9-1945 khi ở quảng trường Ba Đình, kể cả khi rời thủ đô Hà Nội đi kháng chiến nhớ lại ngày lịch sử mùa thu năm xưa.

Nghe ca khúc Ba Đình nắng:

[audio(12391)]


Theo Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC/báo Sài Gòn giải phóng

 


.