“Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước. Ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngất trời. Sông núi bao nhiêu năm cắt rời. Đây Cửu Long hùng tráng. Đây Trường Sơn vinh quang. Thúc giục đoàn ta xung phong đi giết thù. Vai sát vai chung một bóng cờ…”.
[audio(11511)]
Nguyên nhân ra đời
Cho đến hôm nay, 38 năm sau ngày miền Nam giải phóng, bản anh hùng ca Giải phóng miền Nam vẫn in đậm trong tâm thức của mỗi người dân nước ta. Song để có một lời hiệu triệu bằng âm nhạc làm nức lòng triệu triệu trái tim cả nước vào thời kỳ ấy, các nhà sáng tác đã rất dày công.
Năm 1960, bước ngoặt lịch sử trường kỳ giải phóng miền Nam được đánh dấu bằng sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là sách lược đấu tranh sáng tạo của cách mạng Việt Nam, với mục đích đẩy mạnh cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Xét tình hình lúc đó cần phải có lời hiệu triệu làm sức bật cho tinh thần yêu nước, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (tức Thượng Vũ) thay mặt Trung ương Cục miền Nam gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, đồng chí Mai Văn Bộ và ông Huỳnh Văn Tiểng (Nhóm Hoàng Mai Lưu) đưa ra một đề nghị: nhóm sáng tác một bài hát chính thức của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bài hát phải nghiêm trang hùng dũng, thể hiện nguyện vọng sâu sắc và khát vọng giải phóng đất nước, đồng thời xây dựng về ước mơ về tương lai huy hoàng của dân tộc Việt Nam độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Nhóm Hoàng Mai Lưu hăm hở bắt tay vào việc sáng tác lời và nhạc cho bài hát Giải phóng miền Nam lần thứ nhất.
Chưa thành công thì viết lại
Lần đầu tiên bài hát Giải phóng miền Nam được nhóm Hoàng Mai Lưu hồ hởi mang ra hát báo cáo, nhưng các đồng chí Trung ương Cục miền Nam vẫn chưa ưng ý lắm. Vì chưa rõ thành đồng Tổ quốc của miền Nam Việt Nam và nhất là chưa thể hiện được toàn bộ chiến trường khốc liệt của miền Nam, Nam Trung bộ và Tây Nam bộ. Không nản lòng, các nhà viết nhạc mang về sửa chữa. Lần thứ 2, thứ 3… Cuối cùng, nhiệt huyết của nhóm Hoàng Mai Lưu cũng làm nên kỳ tích. Những ca từ Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước đã tạo nên một không khí hừng hực lửa đấu tranh, và Ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngất trời. Sông núi bao nhiêu năm cắt rời đã làm sống động hình ảnh đau thương mất mát mà nhân dân cả nước phải gánh chịu để nối liền khúc ruột miền Nam với Tổ quốc Việt Nam.
Lời bài hát thể hiện nguyện vọng thống nhất đất nước Vai sát vai chung một bóng cờ. Không chỉ những người chiến sĩ trực tiếp cầm súng trên chiến trường mà nhân dân cả nước hơn lúc nào hết sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc. Giải phóng miền Nam còn là lời hiệu triệu đầy nhân đạo của cách mạng Việt Nam, nói lên niềm tin sắt đá và tinh thần lạc quan cách mạng của nhân dân miền Nam anh hùng.
Sau khi bài hát ra đời và được ban ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng và ra mắt các đồng chí lãnh đạo ở 48 Nguyễn Du, Hà Nội. Sau đó bài hát được phổ biến rộng rãi mang tính thăm dò tham khảo ý kiến cán bộ chiến sĩ và nhân dân miền Nam. Cuối cùng khắp chiến trường miền Nam và trên thế giới đều biết đến bản hùng ca cách mạng này, trở thành nhạc hiệu của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Có sức mạnh tập hợp đồng bào các tầng lớp nhân dân (cả vùng Mỹ ngụy tạm chiếm). Kết nối những tấm lòng vì một miền Nam ruột thịt thân yêu.
Theo Mai Thắng (SGGPO)