Sáng 21-2, Tuyên Quang tổ chức lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội Lồng tông của người Tày" và lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình 2013.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch trao bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Lồng tông cho 7 thiếu nữ dân tộc Tày tượng trưng cho 7 huyện, thành phố của tỉnh Tuyên Quang |
Lễ hội Lồng tông (còn gọi là xuống đồng) là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, cầu mùa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, thể hiện tín ngưỡng phồn thực cổ xưa và kết hợp với thờ thành hoàng làng, thiên thần, địa thần, nhân thần (những người có công với đất nước, khai lập làng…).
Lồng tông là lễ hội tiêu biểu của các dân tộc Tày được tổ chức theo ba cấp là cấp thôn (bản), cấp xã và cấp huyện. Dân tộc Tày chiếm khoảng 25% dân số của tỉnh Tuyên Quang (khoảng 20.000 người).
Lễ hội Lồng tông của người Tày được tổ chức ở các địa bàn huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Nà Hang, Sơn Dương và Hàm Yên vào đầu xuân, thời điểm giao hòa âm dương, cầu mong mùa màng, muôn vật sinh sôi nảy nở, cầu cho muôn người bước vào năm mới bình an khang thái.
Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu bằng việc rước lễ mâm tồng từ một ngôi đền gần nhất khu diễn ra lễ hội.
Dẫn đầu đoàn rước là 7 nam thanh niên tay cầm các cành lá với ý nghĩa xua đi tà khí, tiếp đến 5 nam thanh niên cầm cờ hội tượng trưng cho thuyết ngũ hành.
Các mâm tồng là các sản vật của địa phương để dâng tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho nhân dân địa phương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau phần rước, thầy mo (chủ lễ) sẽ làm lễ khai lộ và nghi lễ tạ ơn các vị thần linh, cầu trời, đất và các vị thần cho người dân một năm mới người người có sức khỏe, hạnh phúc.
Cuối phần lễ là nghi lễ cày tịnh điền mang hàm ý đường cày may mắn đầu năm sẽ mang lại dân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu.
Phần hội diễn ra với các trò chơi dân gian như: tung còn, đánh yến, đánh pam, kéo co, đẩy gậy… tạo không khí vui tươi nhân dịp xuân mới giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Theo Minh Kỳ (TTO)