(QNĐT)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích vừa ký Quyết định phê duyệt phương án khai quật khẩn cấp di sản văn hóa dưới nước ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
Theo đó, thời gian khai quật là 60 ngày, kể từ khi Sở VHTT&DL Quảng Ngãi ký hợp đồng với doanh nghiệp được cấp thẩm quyền thực hiện khai quật khẩn cấp.
Theo giám định sơ bộ niên đại, cổ vật celadon men ngọc cao cấp và đồ gốm tráng men có từ khoảng thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 |
Theo nhận định ban đầu, tàu cổ đắm được xác định là thương thuyền của con đường tơ lụa trên biển, đi từ Bắc xuống Nam gặp mưa bão nên phải neo trú tại vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu chờ sóng êm để vượt qua mũi Ba Làng An. Trong thời gian neo trú, có thể tàu bị phát hỏa bốc cháy và chìm nhanh, do biển động nên cát vùi lấp nhanh xác con tàu, vì vậy lượng hàng hóa được bảo quản tương đối tốt.
Qua giám định thì mẫu vật trên tàu thu hồi được chia làm 2 loại, đó là đồ celadon men ngọc cao cấp và đồ gốm tráng men thông dụng. Giám định sơ bộ niên đại, cổ vật celadon men ngọc cao cấp và đồ gốm tráng men có từ khoảng thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.
Ước tính số lượng cổ vật trên tàu là khoảng 40.000 cổ vật. Tổng giá trị ước tính của cổ vật tại trong tàu đắm tại vùng biển Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn ước tính khoảng 54 tỷ đồng (trung bình trên 1,3 triệu đồng/cổ vật), không kể xác tàu đắm và các vật dụng của thủy thủ tàu (nếu có).
UBND tỉnh yêu cầu Sở VHTT&DL là cơ quan chủ trì khai quật phải đảm bảo an toàn, thông suốt, thống nhất, kịp thời trong suốt quá trình khai quật, xử lý, bảo quản; giám định, lập hồ sơ khoa học, phân chia tài sản, đấu giá tài sản...
Công an tỉnh và Bộ đội biên phòng tổ chức đảm bảo an toàn, an ninh tại khu vực tàu đắm; bảo vệ an ninh, an toàn cho các thành viên liên quan của đơn vị được giao nhiệm vụ khai quật; chỉ đạo và huy động con người, phương tiện tuần tra, bảo vệ khu vực khai quật và bảo vệ an ninh, an toàn cho công trường khai quật…
M.Toàn