Ngọt ngào làn điệu Bài chòi

08:01, 25/01/2013
.

(QNg)- Giữa phố xá ồn ào, náo nhiệt, anh Trịnh Công Sơn (58 tuổi, nguyên diễn viên Đoàn ca kịch Nghĩa Bình) đã ru hồn chúng tôi trong làn điệu Bài chòi.

Môn nghệ thuật đặc sắc   

Đã lâu chúng tôi mới lại có dịp ngồi nghe hát Bài chòi. Thả hồn trong làn điệu Bài chòi, mặc cho sự đông đúc, ồn ào nơi đô thị, môn nghệ thuật dân gian đặc sắc này dẫn lối chúng tôi vào thế giới của sự đằm thắm, ngọt ngào như thể lời ru của mẹ. Từng câu thơ, nhã chữ của nghệ thuật Bài chòi gần gũi và sâu lắng xiết bao. Câu chuyện trong Bài chòi được kết nối hết chuyện này đến chuyện nọ từ những vấn đề rất gần gũi trong cuộc sống.

 

Nghệ sĩ Trịnh Công Sơn (bên phải) cùng với vợ trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”.   Ảnh: P.LÝ
Nghệ sĩ Trịnh Công Sơn (bên phải) cùng với vợ trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”. Ảnh: P.LÝ


"Đêm nằm hỏi những vì sao/ Tìm con không thấy mẹ hết vào lại ra/ Con ơi lòng mẹ xót xa/ Như kim châm muối xát thịt da rã rời/ Mẹ bây giờ như thuyền nan lạc giữa biển khơi/ Bốn bề vắng lặng đất trời tối tăm/Nhớ con lúc đứng khi nằm/ Bây giờ mẹ biết hỏi thăm đường nào…", anh Trịnh Công Sơn say sưa trong làn điệu Bài chòi. Dẫu cuộc sống hiện đại lắm bon chen, xô bồ, dẫu loại hình âm nhạc huyên náo đang "cuốn" thị hiếu của nhiều người, nhất là giới trẻ, Trịnh Công Sơn vẫn hát, vẫn ngâm nga làn điệu Bài chòi. "Bài chòi là loại hình nghệ thuật đặc sắc. Quảng Ngãi từ xưa là mảnh đất có phong trào hát Bài chòi rất mạnh. Loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của ông cha cần được bảo tồn và phát huy" - Trịnh Công Sơn bộc bạch.

Theo các nhà nghiên cứu, ca kịch Bài chòi ra đời từ chính trò chơi Bài chòi. Người xưa sử dụng ca dao để chỉ các quân bài và nghêu ngao hát. Thoạt đầu, các nghệ nhân diễn Bài chòi trên chiếu trải dưới đất, còn người nghe thì đứng, ngồi xung quanh. Dần dà Bài chòi từ dưới đất lên giàn, tức nghệ nhân diễn trên một giàn gỗ dựng cao. Ca kịch Bài chòi hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo người dân nên đã dần được phát triển lên thành sân khấu chuyên nghiệp.

Di sản quý cần được gìn giữ  

Ngày xưa, già, trẻ, trai, gái… đông đảo người dân thường rủ nhau đến ngã ba đầu làng, sân chợ, sân đình… để thưởng thức Bài chòi. Bộ môn nghệ thuật dân gian này như có sức hút khiến con người ta xích lại gần nhau, vừa là thưởng thức món ăn tinh thần đặc sắc, vừa gặp gỡ, chia sẻ cùng nhau bao đắng cay, ngọt, bùi trong cuộc sống. Trải qua thời gian, xã hội có nhiều cách tân, song một điều không thể phủ nhận, nghệ thuật Bài chòi là nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân xứ Quảng.

Thế nhưng ngậm ngùi thay, nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, của bao đời cha ông để lại đang dần bị mai một. Thế hệ trẻ nhiều người chỉ biết Bài chòi qua tên gọi, mà không biết đến nét đẹp tinh túy, cái hồn sâu lắng của nghệ thuật Bài chòi. Nhiều người vẫn chưa một lần được trực tiếp ngồi nghe hát Bài chòi, để rồi thưởng thức…

Nhiều vở diễn do Trịnh Công Sơn dàn dựng, trong đó có vở "Thoại Khanh - Châu Tuấn" đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đam mê Bài chòi, những người đang ra sức gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc. Anh dàn dựng nhiều tác phẩm trong nỗ lực tìm tòi hướng đi mới cho nghệ thuật Bài chòi. Anh Sơn thổ lộ: "Mình lấy luyến láy, nhưng nhụy trong nghệ thuật Hát hố riêng có ở Quảng Ngãi đưa vào nghệ thuật Bài chòi, vừa là để Bài chòi thêm phong phú, vừa mang sắc thái quê hương".

Trịnh Công Sơn cho biết thêm, trong dàn dựng Bài chòi, mỗi người có "miếng" riêng, nhưng quan trọng là làm thế nào có tính thực tế, truyền cảm, thu hút người xem. Giáo sư Trần Văn Khê đã từng nhận xét sau khi xem vở kịch Bài chòi do Trịnh Công Sơn dàn dựng: "Tôi xúc động khi thấy điều mình vẫn mong ước bảo tồn vốn cổ mà không nệ cổ, sáng tác mới mà không bị Âu hóa, ngoại lai, vẫn đậm đà bản sắc dân tộc nay đã có người thực hiện bước đi đầu tiên, tuy chưa thật hoàn chỉnh, nhưng đây là một hướng đi có nhiều hứa hẹn đạt kết quả tốt". Giáo sư Trần Văn Khê cũng bày tỏ sự nuối tiếc khi Quảng Ngãi trước đây có phong trào hát Bài chòi rất mạnh, thế nhưng những năm gần đây vắng bóng trong các hội diễn Bài chòi chuyên nghiệp.
 
Được biết, UBND tỉnh vừa có tờ trình gởi Bộ VH-TT&DL xin chủ trương xây dựng đề án đưa nghệ thuật sân khấu kịch hát dân ca Bài chòi vào trường học. Nghệ sĩ Trịnh Công Sơn được tin tưởng giao "sứ mệnh" quan trọng này để thế hệ trẻ ở Quảng Ngãi sớm được tiếp cận bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Theo anh Sơn, "Quảng Ngãi không thiếu nhân tài về lĩnh vực dân ca Bài chòi. Và tin chắc thế hệ trẻ yêu thích, đam mê và ra sức gìn giữ nghệ thuật Bài chòi nếu được tạo điều kiện để tiếp cận, để cảm nhận cái hay của Bài chòi".


Phương Lý
 


.