Biển gọi

02:01, 27/01/2013
.

(QNg)- Biển, đảo quê hương là mảng đề tài luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới sáng tác nghệ thuật và cả công chúng thưởng thức. Có lẽ vì thế mà Chương trình giao lưu nghệ thuật "Tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển" do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức tại Nhà Văn hóa lao động vừa qua đã để lại dư âm ngoạt ngào, thắm đượm tình yêu quê hương đất nước.

Khúc hát về biển đảo của Tổ quốc, về truyền thống gắn bó bao đời của người dân đất Việt nơi biển cả bừng lên niềm tự hào và sâu lắng nghĩa tình nơi sâu thẳm trái tim mọi người. "Năm tháng đêm ngày… hò dô… hò dô/Thuyền ta trời biển gắn bó trọn đời" (Tiết mục hát múa "Hò biển", sáng tác Nguyễn Cường do ca sĩ Đăng Dương và tốp múa Đoàn ca múa nhạc tỉnh biểu diễn) - một lần nữa tô thắm thêm hình ảnh ngư dân cưỡi sóng vượt bao trùng khơi; bão tố phong ba đến với biển khơi. Lần đầu tiên tham dự Chương trình này chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Bộ đội Biên phòng tỉnh) chia sẻ: "Tinh thần kiên cường bám biển của ngư dân rất đáng khâm phục. Em tự nhủ với lòng mình phải quyết tâm thực hiện tốt nghĩa vụ của người lính biên phòng, để góp phần gìn giữ chủ quyền biên giới biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".  
 

Tiết mục hát múa tại đêm giao lưu
Tiết mục hát múa tại đêm giao lưu "Tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển". Ảnh: P.LÝ


"Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng/Thuyền anh ra khơi đâu có ngại chi sóng gió/ Trên đoàn thuyền hải âu vươn sóng xô/Anh nhớ đồng làng quê cánh cò bay trên thảm lúa/Đời tự do chan chứa bao tình/Vì tương lai ta đổ giọt mồ hôi… (ca khúc "Tình ta biển bạc đồng xanh" của tác giả Hoàng Sông Hương, do ca sĩ Việt Hoàn, Thành Lê đến từ Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam biểu diễn). Lời của ca khúc "Tình ta biển bạc đồng xanh" như ru lòng người, du dương, sâu lắng. Qua ca khúc, mọi người như hướng về phía biển với một tình yêu bao la, tràn đầy quyết tâm tiếp  sức để ngư dân bám biển vì cuộc sống ngày mai tươi đẹp đất nước thanh bình. "Cá bạc đầy khoang để màu da anh rám hồng/Lúa vàng trĩu bông cho má hồng em tươi thắm/Đôi ta chừ thương nhau cho lúa xanh đồng/Cho thuyền vượt biển dẫu muôn trùng mà băng qua/Đây ruộng đồng ta vun trồng/Đây biển khơi kéo lưới nào".

Lão ngư Lê Hận (quê Quảng Bình) đã 63 tuổi đời tâm sự đã mấy mươi năm ngang dọc nơi biển cả nghìn trùng nhưng đây là lần đầu tiên trong đời ở đất liền lão có chuyến đi xa thế này. Từ lâu, lão nghe nói Quảng Ngãi là quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa và cũng  tiếp xúc nhiều với ngư dân người Quảng Ngãi đây cũng là lần đầu tiên lão đặt chân đến mảnh đất Quảng Ngãi. "Quanh năm gắn bó với biển nên chẳng đi được nhiều ở đất liền. Cái nghề của cha ông nên phải gắng giữ, không phải chỉ làm ăn mà còn để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, vì tương lai con cháu", lão ngư Lê Hận nói. Từng câu, từng lời của lão ngư Lê Hận khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Đôi mắt bị dị tật khi còn nhỏ, chỉ nhìn thấy lòa lòa ánh sáng, thế mà đã hơn 40 năm lão ngư Lê Hận gắn bó với biển. Ông bảo rằng, cuộc đời ông chẳng thể sống xa biển. Biển lúc nào cũng như đang vẫy gọi, để rồi ông cứ mãi vươn khơi mặc cho muôn trùng sóng gió. Hình ảnh vươn khơi bám biển của lão ngư Lê Hận khiến cho bao người nể phục.

Tại đêm giao lưu, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức trao giải thưởng cho các nhà báo đoạt giải trong cuộc thi viết về "Ngư dân tiêu biểu ở khu vực miền Trung". Mọi người không khỏi xúc động khi nhìn thấy hình ảnh những ngư dân tiêu biểu ở khúc ruột miền Trung đầy nắng gió, là nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải, lên sân khấu đón nhận những bó hoa tươi thắm cùng niềm động viên, khích lệ tinh thần bám biển làm giàu, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Từ những người đàn ông bị khiếm thị, bị cụt chân, đến phụ nữ vốn được xem là "liễu yếu đào tơ", đến em bé chỉ mới học lớp 3… tất cả đều đong đầy quyết tâm gắn bó với biển.

 

Ngư dân Đinh Văn Phục ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (nhân vật trong tác phẩm "Người gắn mắt cho lưới" của nhà báo Tiến Công, Đài PTTH tỉnh đoạt giải nhất cuộc thi), vô cùng phấn khởi khi nhận được sự quan tâm động viên, tiếp sức tại đêm giao lưu. Anh Phục cho biết, đây là động lực để anh tiếp tục góp sức mình làm nên những tấm lưới như thể "gắn thêm mắt" giúp ngư dân khai thác hải sản đạt hiệu quả cao.  

Đối với ngư dân nơi quê hương đội hùng binh Hoàng Sa cũng như ở khúc ruột miền Trung, suốt cuộc đời họ đi theo tiếng gọi của tình yêu biển đảo. Con tàu của ngư dân khi vươn khơi luôn chất chứa sự sẻ chia, tình yêu thương, sự kỳ vọng của người dân đất Việt.


 Minh Anh

 


.