Theo dấu người xưa

07:12, 02/12/2012
.

(QNg)- Đến Lăng vạn Vũng Tàu (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), chúng tôi được nghe câu chuyện tâm linh, huyền bí vốn được ngư dân lưu truyền, gìn giữ cách đây hàng mấy trăm năm. Đối với ngư dân xã Bình Châu, Lăng vạn Vũng Tàu là nơi gắn bó mật thiết như thể mái nhà chung. Đây là nơi thờ cá Ông (cá Voi), ngư dân thường gọi là ông Nam Hải. Mỗi chuyến ra khơi là mỗi lần họ đến lăng thắp hương, cầu ông Nam Hải phù hộ "đi xa về gần", thuyền về tôm cá đầy khoang…

Lão ngư Võ Bình (82 tuổi), người được ngư dân ở Vạn Vũng Tàu kính trọng, tin tưởng giao trọng trách Chủ vạn, trải chiếc chiếu cói dưới gốc cây bàng ở Lăng vạn Vũng Tàu, bình thản ngắm từng con sóng biển vỗ  bờ. Ở gần đó, nhiều ngư dân đôi tay thoăn thoắt vá lưới để kịp vươn khơi. Lão Bình ngày nào cũng lênh đênh trên mặt biển. Sáng đi tối về, chiều lại ra thắp hương ở lăng. Lão nói: "Biển là cuộc sống, không xa được đâu".

 

Bộ xương cá Ông được lưu giữ, thờ cúng hàng trăm năm ở Lăng vạn Vũng Tàu. Ảnh: P.LÝ
Bộ xương cá Ông được lưu giữ, thờ cúng hàng trăm năm ở Lăng vạn Vũng Tàu. Ảnh: P.LÝ


Trong tiếng sóng biển dập dìu, lão Bình cùng các ngư dân huyên thuyên câu chuyện lưu truyền từ đời xưa. Tương truyền năm xưa vua Gia Long trên đường lánh nạn gặp phải giông bão, sóng biển dữ dội. Giữa trùng  khơi, trong giây phút ngàn cân treo sợi tóc, vua Gia Long được cá Ông cứu giúp. Lưng cá Ông trở thành điểm tựa vững chắc cho con tàu. Về sau, vua Gia Long phong cho cá Ông tước hiệu "Nam Hải đại tướng quân". Chuyện kể của ngư dân, họ nói về ông Nam Hải với niềm tin và sự kính trọng vô bờ, đã lôi cuốn chúng tôi đi từ cội nguồn xa xưa đến thực tại. Ông Nam Hải phù hộ ngư dân điều lành trong những lần cưỡi sóng ra khơi. Ông phù hộ đi xa về gần, tàu về tôm cá đầy khoang... Chuyện lưu truyền, ngày xưa có những lần cá Ông chở ngư dân vào bờ khi họ gặp nạn giữa khơi xa.

Chỉ tay về bên phải chánh điện, ngư dân Võ Bình nói: "Hài cốt của hai Ông táng ở đó, chờ hết nhục (chờ đến khi còn lại phần cốt-PV) sẽ quật lên, mang vào điện thờ". Cá Ông nhiều lần dạt vào bờ. Đối với người dân vùng biển, khi được tin cá Ông vào bờ, họ gác lại công việc nhà, kể cả phiên biển để đón và chăm sóc ông. Bà con chăm sóc cá Ông chu đáo. Họ cho cá Ông uống thuốc tẩm bổ, rồi đưa ông trở về biển.

"Trường hợp Ông muốn đi tu (vĩnh viễn ở lại bờ-PV), không trở về biển thì bà con làm lễ chôn cất Ông", ngư dân Bùi Văn Thân nói. Chủ vạn Võ Bình mở cửa chánh điện thắp hương. Trong chánh điện, nơi có những thớ gỗ ghép lại thành khung, đó là nơi lưu giữ xương cá Ông. Lần đầu tiên chúng tôi tận mắt chứng kiến xương cá Ông. Rất nhiều bộ xương cá Ông được thờ ở đây. Theo lời kể, bộ xương lớn nhất trước đây to cao tận nóc nhà. Theo năm tháng, bộ xương nhỏ lại. "Chẳng phải huyễn hoặc hay cuồng tín, mà đây là điểm tựa tinh thần, là đức tin của người dân vùng biển chúng tôi. Nhờ có ông Nam Hải bà con vững tin trong mỗi chuyến vươn khơi", chủ vạn Võ Bình nói.

Ban Chấp sự Lăng vạn Vũng Tàu được các cấp chính quyền khen thưởng trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, phát huy truyền thống đoàn kết, cứu giúp nhau trên biển. Đối với người dân vùng biển, đoàn kết cứu giúp nhau khi vươn khơi là luật bất thành văn, là đạo lý được gìn giữ muôn đời. Lăng vạn Vũng Tàu là nơi gắn kết bà con ngư dân. Chấp sự của Lăng vạn Vũng Tàu, ông Lê Văn Bảy đưa cho chúng tôi xem bằng khen, giấy khen cấp trên khen thưởng cho ban chấp sự mà khuôn mặt rạng ngời niềm vui. Chấp sự Bảy cho hay, có nhiều ngư dân ở nơi khác gặp nạn được bà con ngư dân ở vạn cứu giúp, đưa vào bờ an toàn.


Lệ cúng lăng hằng năm diễn ra vào ngày 14 tháng 3 và 14 tháng 7 âm lịch. Tàu thuyền neo đậu tấp nập. Lăng vạn Vũng Tàu nghi ngút khói hương. Bà con ngư dân cầu ông Nam Hải phù hộ bình an, được mùa đánh bắt. Sau phần nghi lễ, bà con lối xóm vui vầy bên nhau. Đây được xem là ngày hội làng. Đông vui nhất là lễ hội đua thuyền được tổ chức vào tháng năm âm lịch. Lăng vạn Vũng Tàu ngập tràn trong tiếng hò reo, cổ vũ. Ai nấy đều rạng ngời nụ cười.

  Ban chấp sự Lăng vạn Vũng Tàu có 5 người nắm giữ các nhiệm vụ: Chủ vạn, Chấp sự, Thủ bổn, ông Từ, Thủ dụ. Đây là công việc của lòng nhiệt tình, hướng đến sự bình an của bà con ngư dân. Cứ 4 năm, bà con lại bầu ban chấp sự mới. Trường hợp thành viên trong ban chấp sự có người gặp điều xui thì bà con tìm người khác thay thế. Chỉ những ngư dân gọi là "trong sạch, không tỳ vết, không gặp điềm gở" mới được giao trọng trách trong Ban chấp sự. Chủ vạn Võ Bình nói: "Đời ông cố, ông nội của tui cũng làm chủ vạn. Đây là công việc thiêng liêng, là trọng trách với mục đích cầu mong bà con ngư dân ở vạn bình an, thắng lợi".


Phương Lý
 


.