Để có những bức ảnh quý giá về trận “Điện Biên Phủ trên không”, các phóng viên ảnh không ngại hiểm nguy, đối đầu cùng cái chết.
Là người duy nhất trong nhóm phóng viên ảnh của báo Phòng không trở về từ Quảng Trị, ông Nguyễn Xuân Át tiếp tục được phân công chụp ảnh quân đội Mỹ ném bom Hà Nội trong chiến dịch “12 ngày đêm”. Bức ảnh máy bay B52 của quân đội Mỹ bốc cháy và rơi trên bầu trời Hà Nội đêm 26/12/1972 là của phóng viên ảnh Nguyễn Xuân Át.
Ông Át nhớ lại: Khoảng 22h15 phút, còi báo động vẫn như mọi ngày, máy bay địch đang đến gần, ông liền xách máy ảnh ra sân, đứng trực chiến ở đầu hồi, rồi thấy bừng sáng lên một góc trời. Ông chụp được hai kiểu ảnh B52 đang cháy. Đây là những tấm ảnh ghi lại hình ảnh của “Hà Nội 12 ngày đêm” mà ông ưng ý nhất và cũng là tài liệu chứng minh chiến thắng của quân ta trong nỗ lực bắn rơi “pháo đài bay” tại Thủ đô đêm 26/12/2012.
Phóng viên ảnh Nguyễn Xuân Át bên bức ảnh chụp máy bay B52 rơi của mình |
Nhà báo Nguyễn Xuân Át ví chiếc máy ảnh đối với ông và các đồng nghiệp giống như những cây súng đối với người chiến sỹ. Khi báo động, những người làm tuyên truyền báo chí phải sẵn sàng ống kính của mình để ghi nhận cuộc chiến diễn ra, nhất là làm sao chụp lại những hình ảnh chiến thắng của mình do quân và dân giành được. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng thì các sự kiện qua đi không thể nào ghi lại được.
Hình ảnh bệnh viện Bạch Mai bị ném bom, người dân đi sơ tán, hầm trú ẩn mọc lên khắp đường phố, thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ, người dân Hà Nội đi sơ tán… được nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành ghi vào ống kính trong những thời khắc quyết định nhất của đợt đối mặt với B52. Nhà báo Chu Chí Thành là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, cũng là tác giả cuốn sách ảnh: “Ký ức chiến tranh” (xuất bản năm 2010).
Trong những bức ảnh mà ông chụp tháng 12/1972, có một bức ảnh phi công Mỹ chết bên cạnh xác chiếc máy bay của anh ta bị bắn rơi, ngay trên cánh đồng rau Định Công, Hoàng Mai. Khi chứng kiến và ghi lại hình ảnh ấy, trong đầu ông băn khoăn câu hỏi: "Tại sao từ bên Mỹ xa xôi, anh ta lại chết ở đây? Người vợ và đứa con trong tấm ảnh trên người anh ta cũng là nạn nhân của cuộc chiến này". Người lính Mỹ ấy nằm cách máy bay B52 của mình không xa. Đây là những hình ảnh rất ấn tượng với ông, và ông nghĩ rằng anh ta đã chết một cách oan uổng, là nạn nhân của cuộc chiến tranh này.
Xác máy bay rơi trên cánh đồng Định Công-Hoàng Mai - ảnh: Chu Chí Thành |
Không chỉ ghi lại những hình ảnh tố cáo chiến tranh, tố cáo tội ác của quân đội Mỹ khi máy bay B52 liên tục dội bom xuống Hà Nội, những phóng viên ảnh cũng chứng minh cho quân đội Mỹ thấy: tội ác của họ cũng phải trả giá bằng tính mạng, bằng sự mất mát của chính những người lính Mỹ. Hình ảnh mà phóng viên Việt Nam ghi lại có giá trị tố cáo trên mặt trận truyền thông, mặt trận ngoại giao, là bằng chứng để nhân dân trên thế giới hiểu tội ác của quân đội Mỹ tại Việt Nam.
Phóng viên Chu Trí Thành trong những ngày Mỹ ném bom Hà Nội |
Bất chấp những đợt ném bom dữ dội của quân đội Mỹ, bất chấp sự mất mát, hi sinh, những phóng viên ảnh thời chiến đã góp phần không nhỏ trong việc thông tin, chuyển tải những hình ảnh về một Việt Nam “toàn cảnh” trong trận chiến với vũ khí hủy diệt có sức tàn phá mạnh mẽ nhất.
Những bức ảnh mà những người như nhà báo Chu Chí Thành, Nguyễn Xuân Át cùng nhiều đồng nghiệp của mình ghi lại trong “Hà Nội 12 ngày đêm” là hàng loạt câu chuyện kể cho thấy một Hà Nội anh hùng, một Hà Nội kiên cường trong trận chiến.
Theo Phương Thúy/VOV