Nắng mùa thu

08:10, 08/10/2012
.

(QNg)- Tiến sải những bước dài mà lòng nghe thơ thới. Nó thấy có cái gì đó khác hơn mọi ngày. Cũng xe cộ ngược xuôi, cũng chen chúc người qua lại nhưng trong cái dòng người tấp nập ấy còn có cơ man nào là học trò với đồng phục quần xanh áo trắng, thắt khăn quàng đỏ thắm. Tiến chợt bàng hoàng nhận ra hôm nay là ngày khai trường. Nhìn những bạn đồng lứa đang tung tăng cắp sách đến trường, cười đùa hớn hở, vô tư, nó nghe lòng mình dâng lên một nỗi buồn chua xót. Mới ngày nào không xa nó vẫn còn là một cậu học trò, thế mà giờ đây đã trở thành một đứa bán vé số lang thang khắp các đường phố Sài Gòn.


Tiến sinh ra và lớn lên ở một làng chài yên bình của quê hương Quảng Ngãi, quanh năm nghe sóng vỗ bờ. Nó cũng có một tuổi ấu thơ êm đềm, mơ mộng. Nhà không khá giả lắm nhưng cũng đủ ăn. Ba mẹ nó tuy làm lụng vất vả nhưng chẳng để anh em nó phải thiếu thốn thứ gì. Hai anh em học hành tấn tới, năm nào cũng được nhận giấy khen. Ba mẹ nó hởi lòng, hởi dạ lắm. Dân vùng biển mà có được hai thằng con trai làm vốn lại còn chăm ngoan, học giỏi là quý hơn bắt được vàng. Nên đến đâu ba mẹ nó cũng khoe về con. Ba nó luôn có một câu nói cửa miệng đầy tự hào "Hy sinh đời bố, củng cố đời con". Đêm nằm ba thường tỉ tê với nó "Con là anh lớn phải làm gương cho em Đạt. Đời ba mẹ có nghèo đến mấy, có đi ăn mày, ở đợ cũng quyết lo cho các con ăn học thành tài". Nó nghe mà cảm động, biết ơn ba mẹ lắm lắm, lòng tự nhủ lòng không bao giờ làm ba mẹ phải buồn.

Nhưng ở đời không ai học hết được chữ ngờ. Vào năm học lớp sáu, Tiến sa sút hẳn. Nó học yếu không phải là do thiếu năng lực mà do nó theo bạn bè trốn học,  chơi bời. Hết chơi game là vào quán bi-a, hết chơi xèng là đánh tiến lên, tá lả… Bài vở thiếu tứ tung và ngày thêm bê trễ. Về phần ba mẹ nó thì cứ chủ quan vì rất yên tâm với các con mình. Ngày ngày lênh đênh trên biển cố kiếm thật nhiều tiền để lo cho các con bằng bạn, bằng bè.

Đến lúc nhận giấy mời của nhà trường trao đổi về việc phối hợp giáo dục học sinh cá biệt thì mới bật ngửa ra. Ba mẹ nó bỏ ăn, bỏ làm ngày đêm dỗ dành, khuyên nhủ. Chỉ mới mấy ngày mà mẹ nó gầy tọp hẳn đi như người vừa ốm dậy. Còn ba nó thì mặt mày hốc hác, râu ria tua tủa như người nghiện thuốc. Nhìn thấy thế nó cũng động lòng và ân hận lắm. Nó thành khẩn xin lỗi và hứa chăm lo chuyện học hành. Khốn nỗi cái thế của nó giờ đây giống như chiếc xe mất phanh đang trên đà đổ dốc.

Ngày ngày nó vẫn đi học đều đặn và về nhà đúng giờ. Nhưng việc vào lớp học như là để thăm chơi. Phần lớn thời gian nó cùng với đám bạn bè lêu lổng trốn ra nghĩa địa sau trường để nghịch ngợm. Và tuần nào hoặc là ba mẹ nó phải đến trường để gặp thầy cô, hoặc là cô giáo chủ nhiệm phải đến nhà để gặp ba mẹ nó. Và dù thầy cô và ba mẹ có cố gắng cách mấy thì kết thúc học kì I nó cũng là học sinh yếu nhất lớp.

Trong lúc gia đình và nhà trường đang tìm mọi cách để cứu giúp việc học hành của Tiến thì có một tác động không ngờ làm thay đổi cuộc đời nó. Đấy là vào dịp Tết Nguyên đán mấy đứa bạn cũ đã bỏ học trước đó đi làm tận Sài Gòn trở về. Đứa nào cũng ra dáng người lớn, cũng tóc nhuộm xanh xanh, đỏ đỏ, tiền bạc rủng rỉnh trong túi và ăn chơi một cách sành điệu. Sau vài lần được mời mọc, đãi đằng và nhất là nghe luận điệu của chúng "Học để làm gì cho nó nặng đầu mà mất đi sự tự do. Tụi tao có cần học đâu mà cũng có tiền tiêu xài. Đời mà!", thì Tiến đâm ra mê mẩn như bị bỏ bùa mê, thuốc lú. Nó tuyên bố bỏ học "Con đi làm kiếm tiền phụ giúp ba mẹ nuôi em Đạt ăn học".

Mẹ nó chết lặng không nói được nên lời. Ba nó giận dữ quát lên "Tao không cần tiền của mày!". Cái Tết ấy nhà nó u ám như đưa đám. Mặc cho mẹ khóc kể. Mặc cho ba quát tháo, đánh đập. Nó vẫn cứ trơ lì ra. Sáng sớm mồng sáu nó kiên quyết xách túi quần áo ra đi trong nước mắt lã chã của mẹ cùng tiếng thở dài não ruột của ba.

Tính từ ngày ấy đến nay đã được một năm. Và cái cuộc sống tự  do mà Tiến đã lựa chọn không như nó tưởng. Trừ mười hai ngày về quê ăn Tết vừa rồi, thời gian còn lại nó đã nếm đủ mùi bụi bặm nơi đất Sài thành phồn hoa đô hội này. Đầu tiên nó vào làm công cho một xe hủ tiếu gõ. Hằng ngày phải dậy từ ba bốn giờ sáng phụ giúp củi nước với ông bà chủ. Rồi cầm trên tay hai thanh tre đi khắp các hẽm, các phố xung quanh vừa đi vừa gõ. Có người ới một tiếng là ba chân bốn cẳng chạy về xe bưng hủ tiếu chạy đến cho khách. Đến chín mười giờ đêm mới được chợp mắt. Bữa ăn mỗi người làm vội vã một đĩa cơm bụi vừa lưng lửng dạ. Hôm nào bán không hết thì xúm vào mà húp hủ tiếu thừa. Tiền công mỗi tháng bốn trăm rưỡi ngàn. Tiếng là thế nhưng chẳng tháng nào được nhận đủ. Không quýnh quáng vấp té bể tô thì cũng đen đủi gặp tay say rượu ăn quỵt không trả tiền và không ít lần còn bị bợp tai, đá đít. Những rủi ro đó đều bị nhà chủ trừ vào tiền công.

Bù lại Tết về quê trong túi sẵn tiền. Sắm thêm bộ đồ vía áo rực rỡ chim cò, quần bò ngang gối ống tháo te tua. Thế là thành dân chơi thứ thiệt. Ai biết đâu được đấy! Lại thêm học tiếng Sài Gòn. Nói chuyện với ba mẹ hay với bạn bè cũng nhất nhất một câu "Sướng quá chời!"

Bán hủ tiếu gõ tuy vất vả, tiền công rẻ mạt nhưng dù sao cũng ổn định. Phải cái tội gò bó, tù túng quá. Vì thế ăn Tết vào, Tiến mua sắm đồ nghề, nhập bọn với một đám choai choai. Ngày bán kem, tối bán trứng lộn. Chỗ ngủ thì tùy ý lựa chọn: Gầm cầu, ghế đá công viên… Tự do tuyệt đối. Cái giá phải trả cho sự tự do ấy là những ngày ế ẩm phải ăn kem chảy nước và trứng lộn nguội trừ bữa. Đời mà!

Bán kem với trứng lộn được chừng bốn tháng, lãi đâu không thấy mà tiền vốn ki cóp cả năm bị tiêu lẹm vào hơi nhiều. Tiến quyết định chuyển sang bán vé số. Cái nghề này có điều kiện đi đây, đi đó khắp thành phố. Bán ế có chỗ hoàn trả. Nhưng lại nảy sinh lắm rắc rối, phức tạp khác. Ấy là chuyện ma cũ ma mới, tranh khách, giành địa bàn làm ăn… Và đã không ít lần nó bị những trận đánh hội đồng bầm dập, thâm tím mặt mày, bị tịch thu vé số. Đời mà! Ai có trải qua mới biết.

Nhiều đêm nằm co ro trên ghế đá công viên, Tiến luôn tự dằn vặt mình vì những suy nghĩ nông cạn, vì những hành động nông nổi. Nhưng biết làm sao được, mình làm mình chịu chứ còn biết than thở cùng ai. Lựa chọn là của nó chứ nào phải ba nài, mẹ ép gì cho cam. Hoàn cảnh của nó đâu giống như những đứa trẻ cơ nhỡ mà nó từng gặp trong hơn một năm rưỡi vừa qua. Có ba mẹ, thầy cô mà không biết nghe lời. Có nhà cửa, quê hương mà phải ngủ bờ, ngủ bụi. Thật chẳng có cái dại nào giống cái dại nào! Và nó ước ao: Giá như thời gian có thể quay trở lại…

Thời gian thì không thể nào quay trở lại nhưng những hình ảnh thân quen vẫn đều đặn tuần hoàn. Như sáng nay tiết trời vào thu êm dịu quá. Ánh nắng mượt mà trên những hàng cây. Nắng mùa thu soi rọi cả những góc khuất trong thẳm sâu nỗi niềm của Tiến. Nhìn cảnh học sinh nô nức đến trường nó như gặp lại chính mình trên con đường làng của những mùa khai trường năm cũ. Nó nghe cả tiếng sóng biển quê hương từ trong xa thẳm vọng về. Hình ảnh ngôi trường xưa vẫn còn như in trong tiềm thức nó. Và bất giác nó nhớ. Nhớ vẻ mặt thất vọng, đau khổ của ba. Nhớ bức thư mẹ gửi "Về đi con. Ba mẹ sẽ xin cho con đi học lại. Hoặc con sẽ tham gia học lớp bổ túc theo chương trình phổ cập của địa phương". Nhớ lời cô giáo chủ nhiệm đã dạy "Cuộc đời con người không bao giờ là quá muộn. Chỉ có điều là có quyết tâm làm lại hay không".


 Bùi Tấn Xương
 


.