Hoa vẫn nở trên đồi ATK

01:08, 25/08/2012
.

(QNg)- Bác đã đi xa gần nửa thế kỉ và xa lán Tỉn Keo huyện Định Hóa (Thái Nguyên) - một trong những điểm nằm trong an toàn khu (ATK) gần 60 năm nhưng hàng hoa dâm bụt tự tay Bác trồng năm nào giờ vẫn nở thắm trên đồi. Loài hoa gắn liền với tuổi thơ, với quê nhà đã theo Bác suốt những năm dài hoạt động cách mạng ở "thủ đô gió ngàn".  

Tôi đã có dịp đến tỉnh Thái Nguyên và được anh em đồng nghiệp đưa về một trong những điểm của "thủ đô gió ngàn". Đó là lán Tỉn Keo thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Nơi mà cách đây gần 65 năm trước Bác Hồ đã từng ở, làm việc (trong các năm 1948,  1953) và cũng là nơi Bác cùng Bộ Chính trị quyết định thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân năm 1953 - 1954.

Cây dâm bụt Bác trồng 60 năm trước (tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên). Ảnh: Internet
Cây dâm bụt Bác trồng 60 năm trước (tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên). Ảnh: Internet


Đường về lán Tỉn Keo hôm nay đã trải nhựa phẳng lì. Hai bên đường hoa nở trắng đồi. Những cô thôn nữ đồng bào Tày, Nùng với bộ váy đen thấp thoáng trong vườn chè xanh mướt. Những đồi cọ xòe ô trải bóng râm. Đến nhà tưởng niệm của Bác Hồ được xây dựng dưới chân lán Tỉn Keo, cô hướng dẫn viên Ma Thị Kiều trong bộ đồ đen tuyền, cổ đeo vòng bạc thanh thoát kể cho chúng tôi nghe những năm dài hoạt động cách mạng của Bác ở nơi này. Ở đây cũng diễn ra nhiều cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Đặc biệt, vào đêm 6/12/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng để thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân năm 1953 -1954, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ...

Cô hướng dẫn viên dẫn chúng tôi lên lán Tỉn Keo. Căn lán nhỏ đơn sơ nằm giữa lưng chừng đồi. Bên cạnh cây hoa dâm bụt Bác trồng năm nào, giờ cành lá vẫn trổ bông đỏ thắm núi đồi. Những nét quen thuộc nơi Bác ở, làm việc, cùng với những cây hoa, cây bưởi, đồi cọ vẫn còn nguyên vẹn như vẫn in hình bóng của Bác đâu đây. Cô Kiều tiết lộ: Nơi Bác ở, Bác thích trồng cây dâm bụt. Bác thường nhắc anh em: "Ngoài làng thì trồng cây đa, trong nhà trồng cây dâm bụt". Tại quê Bác ở làng Kim Liên (Nghệ An), bờ hoa dâm bụt vẫn phủ dày xanh ngát hai hàng lối đi. Bên thềm hoa dâm bụt kia là nơi chôn nhau cắt rốn của ba chị em Bác.

Nơi đây đã gắn liền với tuổi thơ hồn nhiên một thời của Bác. Lúc em Bác còn nằm ngửa, mẹ sai chị Thanh (chị của Bác) hái hoa dâm bụt dùng chỉ treo lơ lửng đung đưa dỗ em... Anh em Bác thường tha thẩn bên bờ hoa dâm bụt từ bên vườn nhà mình sang bên vườn ông bà ngoại. Em Bác tách nhánh hoa dâm bụt dán lên má khoe: Em có má hồng"... Ngày vào kinh đô Huế, nhà có vườn rộng, bờ rào dâm bụt và chè mạn hảo. Một hôm anh em Bác dựng màn tuồng, dán cánh hoa dâm bụt vào má, vào trán, vào cằm, đóng vai tướng trung, mặt đỏ; dùng mực nho vẽ mặt oai nịnh thần, vai ác. Diễn xong mấy anh em bị ngứa, gãi sưng tấy cả da mặt, mẹ Bác bắt hai anh em Bác vào giường ăn roi mẹ phạt, thì em của Bác thưa: Mẹ ơi, con được mẹ cho cầm cây hoa dâm bụt chơi, mẹ nói hoa này hiền như Bụt, hoa lòng mẹ thì con mới dán lên mặt... Mẹ Bác phì cười, hoa dâm bụt hiền nhưng nhựa cây nó dữ.

Tuổi thơ gắn liền với hình ảnh cây dâm bụt quê nhà. Bước vào con đường cứu nước, Bác mang cả tình yêu quê hương vào trong những câu thơ, hóa vào lòng đất để cây đơm hoa nơi Bác ở. Trong cuốn sách Bác Hồ ở ATK (ghi chép - bút kí của Đồng Khắc Thọ) có đoạn: "Bác thường tâm sự với các anh em: Các cụ ta hay dùng điển tích bên Tàu để tưởng nhớ cha mẹ, như truyện Kiều: "Lòng còn gửi áng mây hồng", với cái tích một ông quan đời nhà Đường đi công cán, lòng nhớ cha mẹ. Khi qua núi Thái Hàng, ông trèo lên cao nhìn về quê nhà, qua những tầng mây trắng mà tưởng được nhìn thấy mẹ cha. Nhưng của ta có thiếu gì những cái hay, cái đẹp giản dị mà sâu sắc: "Nhìn bờ dâm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ làng xóm"...

Nếu tính từ ngày Người lên tàu sang Pháp tìm đường cứu nước (1911), đến những ngày Bác sống ở căn cứ địa Việt Bắc 1941 - 1945 và 1947 - 1954, đã ngót 43 năm trời sống xa gia đình, người thân. Với ngọn cây đa và bờ hoa dâm bụt tự tay Bác trồng nơi ở đã đong đầy nỗi nhớ nhà, quê hương da diết. Nỗi nhớ lặng vào trong, hóa thành những bờ hoa dâm bụt nơi Bác đến càng thêm thấm thía đức hi sinh lớn lao của cả cuộc đời Bác dành cho đất nước, cho độc lập dân tộc.


Bác đã đi xa, nhưng những giàn hoa dâm bụt nơi Bác trồng vẫn nở thắm trên đồi ATK. Như một sức sống, một biểu tượng của sự thanh bình mãi trường tồn trên quê hương đất Việt.


Mai Hạ
 


.