(QNg)- Trong ca dao, dân ca Quảng Ngãi, hình ảnh quê hương hiện lên vô cùng thân thương, gần gũi. Đó là mái nhà, khoảnh sân gắn bó với mỗi đời người từ thưở chào đời, là cánh đồng lúa chín vàng lấp lánh nắng mai, con đường làng thơm dậy mùi đường những buổi chiều về...
Đối mặt với một thiên nhiên khắc nghiệt, người Quảng Ngãi đã nỗ lực không ngừng, lớp cha trước, lớp con sau, nhọc nhằn gian khổ xây dựng xóm làng quê kiểng. Gian lao là vậy, nhưng người nông dân Quảng Ngãi vẫn kiên trì, sớm khuya tần tảo để gầy dựng cuộc sống. Và cũng chính từ những gian lao, vất vả đó mà họ lại càng yêu thương hơn mảnh đất quê hương: La Hà đập đất thổ sơn/ Ở đâu khổ cực cho hơn La Hà/ Củ lang ăn với dưa cà/ Người yêu quê kiểng luôn là người hơn.
Bến Đình (Lý Sơn). |
Khi người con trai cuốc đất trồng dâu, cất lên lời hát đầy tự hào về mảnh đất sinh thành để gọi mời, tình tự với người con gái ươm tơ, dệt lụa thì chẳng ai tính được đã có bao nhiêu giọt mồ hôi của người nông dân, trong đó có chính bản thân anh ta đã đổ xuống trên từng luống cày, từng thửa ruộng mà anh hẹn cô nàng cùng về để chung tay xây đắp tương lai: Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về An Phú với anh thì về/ An Phú có ruộng tứ bề/ Có sông tắm mát, có nghề trồng dâu.
Thử đến với mảnh đất Lý Sơn, nơi hơn ba trăm năm trước những gia đình ngư dân, nông dân người Việt từ An Vĩnh, An Hải trong đất liền đã quyết lòng ở lại với hòn đảo mà từ thời điểm đó họ lấy làm quê hương, chấp nhận đối mặt với muôn vàn gian khó, quyết lòng gầy dựng tương lai. Những năm tháng ban đầu ấy người trong đất liền nhìn ra hòn đảo xa hút cuối tầm mắt những ngày trời trong không khỏi thấy ái ngại: Lý Sơn ơi hỡi Lý Sơn/ Nằm chi thoai thoải cô đơn một mình.
Còn hơn cả ái ngại, e dè, lắm khi Lý Sơn trong cảm nhận của người đất liền như là một chốn khổ đau, sầu thảm: Đi ngang qua mũi Sa Kỳ/ Ngó ra lao Ré xiết chi thảm sầu.
Ai là người Lý Sơn đầu tiên cất lên câu hát nhớ quê? Hát cho riêng mình và gởi thanh âm theo tiếng sóng, hay hát giữa đêm trăng ngồi bên nhau trên đất đảo mà kể chuyện đất liền? “Trời mưa trong Quảng mưa ra/ Mưa qua hòn Bé, hai ta lạnh lùng...”.
Cơn mưa ướt áo ấy chắc gì đã đến từ đất liền, chắc gì đã vòng qua hòn Bé. Nhưng trong nỗi nhớ, mưa ấy là ở chốn quê nhà, chốn nhớ thương. Mưa ấy chập chờn sang hòn Bé, chập chờn trên sóng biển, để càng nhớ hơn, càng xót xa hơn. "Hai ta lạnh lùng" vì kẻ ở đất liền, người đang ngoài đảo, hay cả hai ta đang từ phía đảo nhìn về quê cũ mờ xa?...
Ngày mưa, chỉ thấy những cơn mưa. Còn những lúc trời trong, từ đảo có thể thấy được đất liền, thấy hòn Nam Châm sừng sững, thấy núi Thình Thình, thấy mũi đất Tổng Binh: Trời trong ngó thấy Tổng Binh/ Muốn về thăm bạn, bực mình chẳng ghe...
Người Lý Sơn tự hào quê đảo của mình có những thắng cảnh trời ban như Chùa Hang, Hang Câu, Cổng Tò Vò... “Lý Sơn đẹp cảnh Hang Câu/ Con người trượng nghĩa lại sâu ân tình”.
Lý Sơn là một minh chứng sinh động quá trình con người Quảng Ngãi đổ công sức, mồ hôi và cả máu mình để xây dựng quê hương, truyền lưu từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.
Lê Hồng Khánh