(QNg)- Trong dòng chảy biến thiên của vạn vật, đá sẽ vẫn là vô tri nếu không có những nghệ nhân điêu khắc "thổi hồn", "giữ hồn", giúp đá trường tồn với thời gian qua những cung bậc "chân-thiện- mỹ". Và như thế, câu chuyện về đá, nghệ nhân làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nói chung, điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu nói riêng, được lan tỏa trong nhân gian, theo chân du khách về bên kia bờ đại dương.
Sinh ra tại làng quê truyền thống, vọng nghe thanh âm của đá từ thuở còn nằm nôi, lại được cha, nghệ nhân Nguyễn Sang trực tiếp truyền nghề từ năm lên 10 tuổi, Nguyễn Long Bửu đã sớm bộc lộ phẩm chất của một điêu khắc gia. Nhưng cuộc đời làm nghệ thuật của anh không phải là bước đi thẳng hàng.
Điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu bên tác phẩm "Chân dung bác sĩ Đặng Thùy Trâm" được trưng bày tại Bệnh viện Đặng Thùy Trâm. |
Năm 1976 đi bộ đội, công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5; sau 3 năm quân ngũ, tiếp tục học Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội..., những khúc quanh đó đã làm nên nét riêng của Nguyễn Long Bửu. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh có điều kiện tiếp xúc với nhiều tác giả, họa sĩ điêu khắc tài danh trong nước và quốc tế, là cơ hội để nâng cao kiến thức hội họa, mỹ thuật. Ra trường trở lại quê hương, Nguyễn Long Bửu chính thức bước vào lĩnh vực kinh doanh sản phẩm đá mỹ nghệ và đồng hành với sự nhọc nhằn mưu sinh cuộc sống ấy là ý tưởng sáng tạo nghệ thuật.
Từ một cậu bé 10 tuổi mang trong huyết quản dòng chảy tài hoa của con người xứ Quảng, Nguyễn Long Bửu trở thành một điêu khắc gia nổi danh trong và ngoài nước. Tác phẩm của anh đã có mặt tại các nước: Mỹ, Anh, Pháp, Ca-na-đa, Nhật Bản, Thái Lan... Tuy đã có nhiều thành công trong nghệ thuật điêu khắc, nhưng với anh: "Trong suy nghĩ của tôi, cha ông là những cây đại thụ đi trước để mình noi gương. Tôi không dám nghĩ vượt qua, nhưng phải làm thế nào đưa được nghệ thuật của thế giới bên ngoài vào làng nghề, từ đó có một sức sáng tạo mạnh mẽ để vươn lên".
Sự mạnh mẽ vươn lên của nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu được ghi nhận bằng những cái "duy nhất". Năm 2003, anh là thành viên duy nhất của giới điêu khắc Việt Nam được tham dự cuộc thi điêu khắc thế giới bằng chất liệu sáp ong tại Thái Lan đã đoạt huy chương và Cúp bạc cho tác phẩm "Niềm hạnh phúc" do công chúa Thái Lan trao tặng. Cái "duy nhất" thứ hai của điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu gắn liền với sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị APEC lần thứ 14 năm 2006. Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho anh mở triển lãm 30 bức tượng tại Hà Nội. Sau hội nghị APEC, Chính phủ ra quyết định lưu giữ lại vườn tượng của tác giả để trang trí cho cảnh quan Trung tâm hội nghị quốc gia. Năm 2011, nhận lời mời của Hội Kiến trúc cảnh quan Pháp, Nguyễn Long Bửu đã đưa tác phẩm “Vòng đời” tham dự cuộc thi tác phẩm điêu khắc do hội tổ chức. Kết quả đứa con tinh thần của anh được chọn trao giải và trưng bày tại Pa-ri.
Nói về quá trình tạc tượng bác sĩ Đặng Thùy Trâm, điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu chia sẻ: "Tôi bắt đầu công việc từ tháng 5 năm 2006. Sau bốn tháng lao động miệt mài, đến tháng 9 năm 2006, chân dung bác sĩ Đặng Thùy Trâm được hoàn thành và đưa vào Quảng Ngãi". Anh nhấn mạnh thêm: Để bức tượng có hồn, nhất thiết người tạc tượng phải có tình cảm thật với nhân vật và địa danh gắn bó. Ví như chân dung bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì cùng với việc trân trọng công lao của họ, nhà điêu khắc phải "ghiền" đất và người Quảng Ngãi mới có thể hiểu nổi nhân vật mình tạo tác.
Đến vườn tượng dựa lưng vào ngọn Thủy Sơn (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), nơi trưng bày tác phẩm của điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu, du khách sẽ không tránh khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp những pho tượng mang ý tưởng thuần khiết của Việt Nam được bố trí đan xen với tác phẩm đạt trình độ thế giới. Đối với tượng chân dung, ngoài ẩn ý tư tưởng sâu xa của tác giả, người xem còn cảm nhận được vẻ gần gũi thân thiện, dù đó là danh nhân hay người bình thường. Đan xen trong vườn tượng còn có không ít tác phẩm đòi hỏi trí tưởng tượng của người thưởng ngoạn. "Khối lồi là dương, lõm là âm. Tác phẩm là tổng hòa hai khối âm dương, bắt buộc người xem động não. Từ chỗ động não thì tác phẩm mới sinh động", nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu giảng giải. Tuy nhiên, từ tác phẩm nghệ thuật trừu tượng đến chân dung nhân vật của anh đều có một cái chung nhất, đó là dù được làm từ đá hay chất liệu khác luôn có xu hướng đến gần với nhân gian, phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của đại đa số công chúng.
Say mê với nghề truyền thống, luôn khao khát đưa cái đẹp của con người trong nghệ thuật tạo hình vào tác phẩm điêu khắc, nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu đang từng ngày đánh thức hồn đá.
Nguyễn Sỹ Long