Vì sao Lý Sơn mang tên gọi "đảo tiếu lâm"?

03:02, 07/02/2012
.

"Lý Sơn già trẻ hay cười, người người nói tiếu", câu vè ấy như một lời giới thiệu đầy tự hào về đặc điểm truyền thống ưa tiếu lâm, khôi hài hay nói quanh co cốt để chọc cười của dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Sống giữa đại dương, ăn sóng nói gió, bà con từ bao đời đã coi tiếng cười, những câu chuyện tiếu lâm như một món ăn không thể thiếu của mình. Dân đảo Lý Sơn lấy tinh thần lạc quan là phương châm sống, lấy tiếng cười của cả cộng đồng để xua đi những nhọc nhằn, vất vả của công việc chài lưới quanh năm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, phương châm sống ấy đã ăn vào máu thịt, tạo nên tính cách, trở thành đặc điểm riêng biệt của con người Lý Sơn.
 

Những câu chuyện tiếu lâm và nụ cười làng đảo.
Những câu chuyện tiếu lâm và nụ cười làng đảo.


Những đêm trăng sáng, ngư dân đánh bắt cá mực, lặn mò hải sâm (bà con vùng đảo vẫn quen gọi là vú nàng) ở Hoàng Sa cùng quây quần về dưới tán những cây bàng vuông để chuyện trò và nhậu. Nhậu vài bữa, họ lại đi biển biền biệt mấy tháng mới về, thế nên cuộc tụ tập nào cũng phải có cả ông cả bà cùng đi.
Chuyện tiếu lâm kể rồi cười ngặt nghẽo, rượu uống say ngất ngư thì bà vợ dìu lên xe, chở về. Chẳng thế mà đàn ông trên đảo ai cũng tự hào vì vợ là "tay lái đảm đang, tài giỏi". Cuộc sống của bà con khi đặt chân về đảo khác hẳn với khi ở ngoài khơi. Có bao nhiêu căng thẳng, nhọc nhằn, mệt mỏi sau chuyến mưu sinh trên biển đều được giải tỏa bằng hết trước khi về nhà.

Chính bởi vậy, lúc dân đảo nói xạo, nói trạng không chỉ để vui mà còn để cân bằng trạng thái tinh thần. Bất cứ khi nào gặp nhau là bà con lại cởi lòng, cởi dạ, nhà có gì đem khoe hết. Nào là chuyến ra khơi vừa rồi trúng mấy tỷ, được xem cá heo múa ba lê trên biển, lại kiếm được cả cành san hô đỏ 2 chạc dính liền, đi bộ trên bãi mà cũng đá trúng con ốc to bằng cái đấu...

Cứ những câu chuyện chẳng rõ thực hư ấy, bà con vừa ngả nghiêng cười vừa kể khiến khách lên đảo dù chưa nghe "thủng" tiếng địa phương cũng phải ngặt nghẽo cười theo...

 

Theo Dân Việt


.