Độc đáo Lễ cúng rừng của người H’Mông

03:02, 26/02/2012
.

Lễ cúng rừng của người H’Mông được tổ chức vào dịp đầu năm là một trong những nghi lễ độc đáo. Nó phản ánh tinh thần đoàn kết và ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng H’Mông từ bao đời nay.


 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, dân tộc H'Mông còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa rất riêng và độc đáo. Chúng được biểu hiện toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thông qua các lễ hội truyền thống. Trong đó, lễ cúng rừng của người H’Mông ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, Lào Cai được tổ chức vào dịp đầu năm là một trong những nghi lễ độc đáo.                   

                                                                                        
Hàng năm vào cuối tháng giêng hoặc đầu tháng hai âm lịch, đồng bào H’Mông thường tổ chức lễ cúng rừng. Ngay từ sáng sớm, người dân trong thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng đã cùng nhau tập trung về nhà trưởng thôn để chuẩn bị lễ vật dâng lên trước thần rừng.
 
Ông Giàng A Phử, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, Lào Cai cho biết: “Trước khi làm lễ cúng rừng, chúng tôi tiến hành họp thôn. Mỗi hộ trong thôn cùng bàn bạc để đóng góp mua lợn, mua gà về cúng rừng”.
 
Mỗi thôn của người H’Mông đều có một khu rừng thiêng được nhân dân gìn giữ từ bao đời nay. Để tiến hành lễ cúng, người chủ lễ được chọn phải là người có uy tín, được mọi người trong thôn kính trọng và tin tưởng. Lễ cúng thần rừng sẽ được tổ chức dưới gốc cây cổ thụ to nhất trong khu rừng cấm. Nghi lễ cúng rừng sẽ được thực hiện hai lần: Cúng sống và cúng chín, bởi theo quan niệm của người H’Mông, đó là cái tâm của họ đối với thần rừng.
 
Theo ông Lý Seo Chinh, lễ cúng rừng mang ý nghĩa rất sâu sắc đối với đồng bào dân tộc H’Mông. Hàng năm cứ vào ngày 2/2 âm lịch, đồng bào lại tổ chức để cầu mưa thuận gió hòa, gia súc gia cầm phát triển tốt, mùa màng bội thu.
 
Sau các nghi lễ, một bản hương ước mới về vấn đề bảo vệ rừng sẽ được người dân trong thôn thống nhất và mọi người đều phải có trách nhiệm thực hiện.
 

Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ cúng rừng còn hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mỗi khu rừng sau đó sẽ được người dân gìn giữ, chăm sóc như “báu vật của làng”. Đây không chỉ là một nghi lễ độc đáo, mà nó còn góp phần bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng làng bản và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Theo VTV


.