(QNg)- Những làn điệu dân ca Xà ru, điệu múa Cà Đáo từng làm say đắm lòng người hay các loại nhạc cụ, lễ cúng độc đáo... vốn là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Cor sẽ vẫn trường tồn nhờ tâm huyết và trách nhiệm của những nghệ nhân ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng).
TIN LIÊN QUAN |
---|
*Độc đáo văn hóa Cor
Màn đêm như buông xuống sớm hơn, cái lạnh cũng tê tái hơn khi 93 nóc nhà của đồng bào Cor ở thôn 2, xã Trà Thủy nằm san sát, vắt vẻo trên một sườn núi cao. Ấy vậy mà khi bếp lửa nhà rông vừa nhuốm đỏ, bà con nơi đây đã tề tựu đông đủ, chỉnh tề trong bộ áo quần truyền thống để cổ vũ cho các đôi trai gái trong làng thi thố tài năng. Dưới ánh lửa bập bùng, khuôn mặt ai cũng hồng hào, rạng rỡ. Để rồi sau khi các già làng trình diễn tài đấu lý với nhau qua điệu Xa ju thì các đôi trai gái cũng mượn lời của các làn điệu Xà lu, Xà lía hay A giới để giao duyên, tâm tình. Chìm đắm trong những vần thơ cùng lời hát lúc nhẹ nhàng, thiết tha nỗi nhớ; lúc sôi nổi và sâu lắng như lời tỏ tình của các đôi lứa yêu nhau, tôi đã phần nào hiểu được vì sao lại có nhiều đôi trai gái trong và ngoài làng hào hứng tham gia đến vậy. Bởi từ các đêm hội như thế này, đã có nhiều chàng trai cô gái Cor tìm được sự đồng điệu về tâm hồn, tình cảm để nên duyên chồng vợ qua điệu Xà ru nhẹ nhàng nhưng chứa đầy ngụ ý: "Em như bông hoa rừng. Anh như là cây lau. Ta lấy nhau đẹp đôi vợ chồng".
Ông Hoàng đang giới thiệu với khách về cây đàn B'roc 2 dây mà gia đình còn lưu giữ. |
Càng về khuya, cái lạnh như càng tê buốt, ngấm vào da thịt mỗi người. Ấy vậy mà khuôn mặt ai cũng rạng rỡ để "say" cùng điệu múa Cà Đáo uyển chuyển, mềm mại của cô gái Cor, bên chén rượu quế thơm nồng. Và rồi, tiếng chiêng bỗng vang lên, vạn vật như bị đánh thức bởi tiết tấu lúc nhanh, lúc chậm như tâm trạng sôi nổi, dồn dập và tha thiết của chàng trai Cor đang yêu. "Đấu chiêng là tiết mục hấp dẫn và ấn tượng nhất. Bởi nó không chỉ là một nghi thức vốn có của đồng bào Cor trong các dịp lễ hội, mà còn là màn "đọ" sức của hai chàng trai trong việc thổ lộ tình cảm với người con gái mà họ thầm yêu" - em Hồ Thị Phượng, diễn viên "nhí" đã nhiều lần mang điệu múa Cà Đáo đi biểu diễn khắp trong và ngoài tỉnh, nói nhỏ với tôi.
Màn đấu chiêng kết thúc cũng là lúc thời khắc trời đất chuyển mình giao hòa. Dù luyến tiếc nhưng cánh phụ nữ phải trở về nhà để nhóm bếp lửa, còn đàn ông thì rủ nhau lên rừng chọn hái những chiếc lá đót, lá tốp đẹp nhất, mang về cho vợ con làm bánh lam, chuẩn bị đón Tết Ngã rạ - một trong những lễ hội độc đáo và quan trọng nhất của đồng bào Cor hiện vẫn còn được lưu giữ. "Đây là dịp để bà con bày tỏ lòng biết ơn với Thần lúa đã che chở và cho họ một mùa lúa bội thu. Đồng thời cầu mong các thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, gia đình mạnh khỏe, ruộng nương tươi tốt trong năm mới" - già làng Hồ Văn Hoàng giải thích.
*Nơi lưu giữ "hồn người Cor"
Dù đã trải qua 94 mùa lúa rẫy nhưng già làng Hồ Văn Hoàng vẫn còn khá minh mẫn và có uy lắm. Thế nên, tuy mới trải qua chuyến hành trình dài ngày về Làng văn hóa - du lịch các dân tộc thiểu số Việt Nam 2011 ở Đồng Mô (Hà Nội) để "khoe" bản sắc văn hóa của dân tộc Cor với du khách và các dân tộc anh em; nhưng vừa trở về là già Hoàng lại bắt tay vào việc phân công dân làng chuẩn bị đồ lễ cho Tết Ngã rạ sắp tới. "Trước đây, mọi nghi thức từ lên rừng hái lúa thiêng, đến việc cúng tế các thần linh đều do già đảm nhận.
Nhưng giờ sức khỏe yếu rồi, già không lên rừng nổi nên mọi việc phó thác cho thằng con cả, mình chỉ ở bên hướng dẫn chúng nó thôi" - già làng Hồ Văn Hoàng phân trần. Tuy thế, nhưng chẳng khi nào người ta thấy già Hoàng chịu nghỉ ngơi. Để rồi khi màn đêm vừa buông xuống, ông lại cho gọi đám thanh niên trong làng đến để truyền đạt kinh nghiệm chơi một số bài chiêng quý, hướng dẫn cách sử dụng các loại nhạc cụ hay khả năng ứng tác lời hay ý đẹp của làn điệu Xa ju... Thế nên, cũng chẳng có gì là lạ khi các chàng trai cô gái ở đây đều biết cách đánh chiêng, múa Cà Đáo cũng như chơi đàn B'roc 2 dây, Rà ngay hay A máp... ngay từ bé. Có lẻ chính vì lý do này mà hiện nay, thôn 2 cũng là nơi còn giữ được số lượng chiêng nhiều nhất (hơn 100 đôi) cùng các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Cor Quảng Ngãi.
Hôm tôi trở lại thôn 2, đúng vào dịp xã Trà Thủy đang tổ chức cuộc thi "Điệu khắc cây gu, xa la và la van" do nghệ nhân Hồ Ngọc An, con trai già làng Hồ Văn Hoàng làm "chủ xị". Được tận mắt chứng kiến mọi người trổ tài, tôi thật sự ngạc nhiên và khâm phục bàn tay khéo léo của họ. Bởi, chỉ với một con dao nhỏ nhưng trong nháy mắt, thân cây rừng nhẵn nhụi đã trở thành một bức tranh đầy màu sắc với con suối uốn lượn, cây nêu, ngôi nhà sàn truyền thống... Thậm chí, nhiều lễ hội của đồng bào Cor như: Đâm trâu, mừng nhà mới, lễ cưới... cũng được tái hiện thật tinh tế và đặc sắc trên bức tranh thân cây này. "Đây là hoạt động có từ lâu đời, mang đậm nét văn hóa của riêng đồng bào Cor. Tuy nhiên, công việc này rất khó nên ít người biết đến. Vì thế, việc tổ chức phục dựng sẽ tạo điều kiện để lớp trẻ học hỏi và ý thức hơn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc mình" - nghệ nhân Hồ Ngọc An lý giải.
Say sưa tìm tòi sưu tầm và phục dựng các lễ hội, phong tục của đồng bào Cor, để rồi gia đình nghệ nhân Hồ Ngọc An đã trở thành địa chỉ để truyền bá cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc Cor từ lúc nào cũng chẳng biết. Chỉ biết rằng, mỗi khi ai có nhu cầu tìm hiểu về những loại hình nghệ thuật dân gian của cộng đồng dân tộc Cor Quảng Ngãi, tôi lại thấy người ta tìm về gia đình nghệ nhân Hồ Ngọc An - nơi lưu giữ "hồn người Cor".
Mỹ Hoa