(QNg)- Xuân này, các thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải), Hải Ninh (xã Bình Thuận) huyện Bình Sơn mở màn tổ chức lễ hội cầu ngư miền biển, khởi động cho một năm mới bội thu, qua đó còn nhắc nhở bà con cùng nhau đoàn kết khi khai thác trên biển và chung tay xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp hơn...
Tục thờ cúng cá ông, còn gọi là thần Nam Hải, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cá của người Việt các tỉnh Bắc bộ. Trong dòng chảy lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng cá ông được củng cố bởi vương triều nhà Nguyễn. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, các triều đại vua khác nhau đã ban sắc phong cho thần Nam Hải, chính thức công nhận tục thờ cúng cá ông tại các làng quê dọc ven biển miền Trung. Lăng ông luôn được làng chài thờ cúng quanh năm và đặc biệt vào mùa xuân hay mùa thu hằng năm, lễ hội cúng cá ông theo nghi lễ truyền thống, rất trang trọng.
Lễ hội vầu ngư ở xã Bình Hải |
Trong nghi lễ, Chủ tế sẽ thực hiện các nghi lễ cúng cá ông; tư văn đọc văn tế ca ngợi công đức cứu giúp dân chài thoát nạn trên biển…Sau nghi lễ cúng, đội gươm, chèo làng chài sẽ múa hát Bả trạo. Đây là hình thức diễn xướng dân ca. Các điệu múa và hát Bả trạo khắc họa phong tục tập quán của vạn chài, những hiểm nguy của ngư dân trước sóng dữ ngoài biển đông, và sự cứu giúp của thần Nam Hải khi gặp nạn.
Hiện nay nhiều làng chài ven biển Quảng Ngãi vẫn còn lưu giữ các sắc phong thần này.
Ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: Theo truyền thuyết, cá Ông vốn hóa thân từ những mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm quăng xuống biển để cứu vớt sinh linh bị chìm đắm. Truyền thuyết về cá Ông còn được gắn với những ngày đầu lập quốc của vua Gia Long Nguyễn Ánh: Khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, thủy quân của Nguyễn Ánh tháo chạy ra biển và gặp phải sóng to gió lớn, trong lúc nguy khốn bỗng có một con cá Ông to lớn ghé đưa thuyền vào bờ. Sau này khi thắng quân Tây Sơn và lên ngôi vua, nhớ ơn cứu mạng, Nguyễn Ánh đã phong tặng cá Ông là Nam Hải Đại tướng quân và cho dân lập miếu thờ cúng, tín ngưỡng cá Ông…
Lễ hội cúng cá ông được củng cố trong cộng đồng cư dân ven biển Quảng Ngãi cũng như ở miền Trung nhờ 2 yếu tố, thứ nhất là yếu tố tâm linh, nhiều ngư dân thấy thực tế đi biển gặp hoạn nạn. Đồng thời được củng cố tín ngưỡng thờ cá qua các triều đại vua. Lễ hội còn là sự cố kết cộng đồng, không chỉ là nơi cá ông lụy mà còn vạn chài ở các làng lân cận cùng chung tay góp sức lo các việc nghi lễ, cùng tham gia vào tế tự, trò diễn dân gian khác tạo nên sự cố kết cộng đồng. Qua lễ hội cúng cá ông các giá trị truyền thống được trao truyền, được bảo lưu .
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, Lễ hội cầu ngư, thờ cúng cá ông là một hiện tượng văn hóa dân gian tiêu biểu của ngư dân ven biển, đặc biệt là ven biển Nam Trung bộ. Lễ hội cúng cá ông có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân, đặc biệt là ngư dân các làng vạn chài. Và qua thời gian, lễ hội càng được củng cố trong cộng đồng ngư dân ven biển.
Lễ hội cầu ngư hàng năm đã trở thành lễ hội truyền thống của bà con ngư dân. Tất cả mọi người đều phấn chấn và cầu mong ngày lễ được mở ra, tư tưởng của mỗi người dân sản xuất trên biển đều cảm thấy yên tâm hơn, tinh thần ổn định hơn để cầu mong một mùa thắng lợi. Vì vậy, tham gia lễ hội cầu ngư ngoài cầu mong sẽ có một năm mưa thuận gió hoà, đánh bắt bội thu, bà con ngư dân vùng biển còn cầu mong cho mỗi chuyến ra khơi được an toàn, mạnh khoẻ, chắc tay chèo tay lái, đặc biệt là đánh bắt được nhiều tôm, cá…
Mỗi khi Tết đến, Xuân về, Lễ cầu ngư được tổ chức rộn ràng nhưng cũng đầy nghiêm trang với nhiều nghi lễ dân gian ý nghĩa, đầy màu sắc, thể hiện niềm tin và lòng tôn kính của những người lao động biển với Ông Nam Hải, đồng thời thể hiện nét đẹp văn hóa của ngư dân vạn chài.
Thanh Thuận