Đồng dao trong thế giới trẻ thơ

09:12, 10/12/2011
.

Đồng dao khiến người ta quan sát, bật cười, tưởng tượng, mơ mộng và suy ngẫm. Đồng dao là sự kết nối giữa các thế hệ, là sự chiêm nghiệm của hôm qua truyền lại cho hôm nay.

Đồng dao là những lời hát dân gian mộc mạc có từ xa xưa và được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, thường là khuyết danh tác giả. Lời hát đồng dao mộc mạc, ít lô-gíc, đôi khi rời rạc, khó hiểu nhưng thường được gắn kết bởi vần điệu nên dễ thuộc, dễ nhớ, phù hợp với trẻ em thông qua các hình ảnh sống động, sự vật hiện tượng và các mối quan hệ gần gũi.

Thông qua cách nói vần điệu bằng ngôn từ trong sáng, những bài học giáo dục nhân cách, tình yêu thiên nhiên, xứ sở được nhắc tới trong đồng dao sẽ nhẹ nhàng đi vào tâm trí trẻ thơ ngày này quan ngày khác. Trẻ được giáo dục và phát triển tư duy ngôn ngữ, hình ảnh một cách nhuần nhuyễn mà vẫn nhẹ nhàng như chơi một trò chơi; bởi đồng dao là cả một thế giới thu nhỏ trong thế giới của trẻ thơ.

Các bài đồng dao thường gắn với các trò chơi dân gian như hình với bóng, như bài hát có nhạc và thơ. Đồng dao hiện diện trong các trò chơi vận động (đánh chuyền, trồng nụ trồng hoa…) hay mô phỏng (thả đỉa ba ba, mèo đuổi chuột…), các bài Kéo cưa lựa xẻ, Nu na nu nống, Rồng rắn lên mây…Trong thơ thiếu nhi, hình thức đồng dao cũng được các tác giả sử dụng khá nhiều như trường hợp thơ Trần Đăng Khoa, ví dụ ở bài thơ Kể cho bé nghe (Hay nói ầm ĩ là con vịt bầu/ Hay sủa đâu đâu/ Là con chó vện/ Hay chăng dây điện/ Là con nhện con…).
 

Đồng dao được sử dụng trong nhiều trò chơi dân gian
Đồng dao được sử dụng trong nhiều trò chơi dân gian


Trong buổi tọa đàm “Đồng dao trong thế giới trẻ thơ” diễn ra vào ngày 10/12 tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền), TS. Nguyễn Thụy Anh và nhà văn Nhã Thuyên đã có sự phân tích, chia sẻ với các bậc phụ huynh về những lợi ích của đồng dao cũng như cách sử dụng, sáng tác đồng dao với trẻ. Theo TS Nguyễn Thụy Anh, từ khi trong bụng mẹ, trẻ đã có nhu cầu giao tiếp về mặt ngôn ngữ. Khi trẻ lớn hơn, việc sử dụng đồng dao, những bài nói vần vè, nhịp điệu sẽ giúp kích thích khả năng ngôn ngữ cũng như khả năng nhận biết sự vật, màu sắc và thế giới xung quanh cho trẻ.

Ngày nay, khi trẻ em có quá nhiều đồ chơi hiện đại, đồng dao dần trở nên xa lạ với các em. Thì việc cha mẹ, ông bà sử dụng đồng dao để giao tiếp, vui chơi với trẻ trở nên cần thiết và mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Tuy vậy, TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng: “Trong thế giới đồng dao, người lớn phải nhìn trẻ em như một chủ thể bình đẳng, các nhạc điệu, hình ảnh là sản phẩm của trẻ. Người lớn không nên gò ép mà cần kích thích trí tưởng tượng của trẻ phát triển tự nhiên”.

Trong khuôn khổ của chương trình, AlphaBooks đã phối hợp với Kid Alpha phát hành bộ sách ảnh “Đồng dao cho bé” gồm 10 cuốn, chia thành nhiều chủ đề khác nhau. Đây có thể là một sản phẩm hay và thiết thực dành cho trẻ của các bậc phụ huynh.

 

Theo Petrotimes


.