Viết ca khúc cho thiếu nhi: Khó, nhưng vẫn phải làm

10:06, 01/06/2011
.

Thực tế, lượng ca khúc cho trẻ em không thiếu. Nhưng cái thiếu cơ bản hiện nay trong sáng tác là cảm xúc

Nhiều thập niên qua đi, nhiều ca khúc làm cho thiếu nhi kinh điển… vẫn được nhiều trẻ em Việt Nam yêu thích hát vang. Trong khi đó, rất nhiều bài hát mới ra đời, chỉ được các em hào hứng trong một thời gian ngắn rồi rơi vào quên lãng.

Vấn đề sáng tác ca khúc cho trẻ em được nhiều nhạc sỹ, nhà phê bình quan tâm tại cuộc hội thảo “Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay - Thực trạng và giải pháp” diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Với bản phối mới, ca khúc "Chú ếch xanh" đã gây ấn tượng với trẻ em quốc tế
Với bản phối mới, ca khúc "Chú ếch xanh" đã gây ấn tượng với trẻ em quốc tế
 
Lỗi do đâu?

Cho rằng phần lớn ca khúc cho thiếu nhi hiện nay là nhạt nhẽo, nặng nề và đơn điệu, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến chia sẻ, nhiều người đã phàn nàn với ông rằng con em họ đã chuyển “gu” âm nhạc, chỉ thích nghe nhạc ngoại, dù không hiểu nội dung. Nguyên nhân một phần do những ca khúc thiếu nhi hiện nay không đủ sức hấp dẫn các em. Điều này quả nghiêm trọng. Trong số đó, có những bài (khi được dịch sang tiếng Việt) lời lẽ tệ hại đến mức khó chấp nhận. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân xót xa nói: đó không phải là âm nhạc, mà là “rác”, là “ô nhiễm âm thanh”.

Thực tế, lượng ca khúc cho trẻ em không thiếu. Nhưng cái thiếu cơ bản hiện nay trong sáng tác là cảm xúc. Nhiều nhạc sỹ sáng tác theo “đơn đặt hàng”, áp đặt cảm xúc của người lớn vào ca khúc, giai điệu đều đều, ca từ hời hợt, sáo rỗng. Trong khi đó, ca khúc viết cho thiếu nhi thì ca từ, giai điệu cần phải phù hợp với tâm lý trẻ thơ.

Nhà giáo Nguyễn Thị Hải, khoa Âm nhạc, ĐH Sư phạm cho rằng: Nhiều bài hát có nội dung mang tính “hô khẩu hiệu” như “Em yêu mái trường, em kính mến thầy cô, biết ơn cha mẹ, quyết tâm chăm học…” chắc chắn sẽ “chết yểu”. Cần sáng tác cho các em những nhạc phẩm trong sáng, hồn nhiên, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, tình yêu thương thì mới dễ đi vào lòng người nghe.

Dù khó, nhưng vẫn phải làm

Nhạc sĩ Hoàng Lân nêu rõ: bên cạnh những ca khúc mượt mà, hiền lành, cũng nên đưa thêm tiết tấu hiện đại vào bài hát để học sinh có thêm sự đa dạng để chọn lựa. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi không dễ, không phải cứ có tiền hay hô hào mà có được tác phẩm để đời. Khó, nhưng không thể không làm.

Nhiều nhạc sĩ đã lấy video clip “Chú ếch xanh” được quay từ một cuộc thi hát thiếu nhi ở Italy từ năm 2003 ra làm bài học. Clip này trở thành hiện tượng với bản phối mới, lối trình bày mới, cách đầu tư chuyên nghiệp tạo nên sự sinh động, hấp dẫn của bài hát quen thuộc, không chỉ hấp dẫn trẻ em Việt Nam mà còn khiến rất nhiều thiếu nhi quốc tế có mặt tại cuộc thi hôm đó phấn khích, lẩm nhẩm hát theo… bằng tiếng Italy. Phần trình diễn của bé Hương Trà được quan tâm một phần vì có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định đây là ca khúc thuộc hàng kinh điển trong ca khúc dành cho thiếu nhi Việt Nam. Ý tưởng cần làm mới những ca khúc cũ cũng là điều nhiều người quan tâm.

Ca khúc "Chú ếch xanh" phát trên truyền hình Italy
 
[video(20721)]

Nói về việc viết ca khúc cho thiếu nhi, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích mong ước trở lại thời của những năm 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, các em yêu và sống trong những ca khúc thực sự của lứa tuổi mình, điều đang mất đi ở thời kỳ hội nhập. Ông kể, năm 1990, ca sĩ Mỹ Linh, khi ấy còn là một cô bé, đã đoạt Huy chương Vàng với bài ca “Thầy cô và mái trường” của nhạc sĩ Duy Quang. Năm sau, chị em Minh Anh và Minh Ánh đã có một kỷ niệm đẹp khi nhận Huy chương Vàng với bài ca mơ màng “Tháng Ba học trò”… Thực sự những phần trình diễn ấy đã in đậm trong ký ức tuổi thơ một thời của mỗi con người.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các em được nghe, hát và sống trong không gian âm nhạc của mình, nhạc sỹ Trần Hoàng Tiến đề nghị: các giáo viên cần hạn chế cách giảng dạy quen thuộc là dạy ca khúc như một bài học nhạc hoặc bài xướng âm có lời, nặng tính nghệ thuật, mà cần có sự hòa âm, phối khí, dàn dựng mới mẻ, hấp dẫn, sinh động cho phù hợp với lứa tuổi các em.

Nhiều nhạc sỹ khẳng định: trẻ em, đối tượng được hưởng thụ âm nhạc không chỉ là những học sinh các cấp đang ngồi trên ghế nhà trường, mà còn một bộ phận khác cũng rất quan trọng, đó là các em có hoàn cảnh khó khăn phải lao động sớm, vẫn nghe những ca khúc dành cho lứa tuổi mình qua radio. Hy vọng sẽ có một môi trường âm nhạc dành cho thiếu nhi không bị ô nhiễm bởi những thứ âm thanh nhảm nhí, lai căng, phi nghệ thuật, phi cảm xúc./.
 
 
Theo VOV

.