(QNĐT)- Sau hai tháng dựng lán giữa rừng khai quật di chỉ khảo cổ học ở xã Trà Xinh, huyện miền núi Tây Trà, các chuyên gia khảo cổ Bảo tàng Quảng Ngãi và Viện khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy hàng loạt hiện vật minh chứng nền văn minh lâu đời của cư dân thời tiền sử ở thung lũng sông Tang.
Mặc dù chưa kết thúc đợt khai quật khảo cổ giai đoạn 1 nhưng các chuyên gia đã tìm thấy các công cụ ghè đẽo của cư dân hậu kỳ đá cũ cách đây khoảng 10.000 năm, các công cụ sản xuất gồm: Cuốc vai, rìu mài lưỡi, bôn đá và các hiện vật đồ gốm của cư dân hậu kỳ đá mới có niên đại khoảng 4.000 năm.
Các chuyên gia khảo cổ học đang đo vẽ, khai quật di chỉ khảo cổ học ở thung lũng sông Tang thuộc địa phận thôn Trà Veo 3, xã Trà Xinh, huyện miền núi Tây Trà(Quảng Ngãi). |
Trong hố khai quật các nhà khảo cổ còn phát hiện đồ gốm mang phong cách Bình Châu tiền Sa Huỳnh và nằm sâu trong lòng đất có các cụm mộ nồi kèm theo đồ tùy táng dao sắt, khuyên tai hai đầu thú điển hình của văn hóa Sa Huỳnh.
“Điều khá thú vị là ở các khu vực hố khai quật, địa tầng văn hóa các lớp gốm có sự chồng xếp đa dạng chia làm các giai đoạn: Hậu kỳ đá cũ, đá mới, tiền Sa Huỳnh và khu mộ táng đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh. Đây là minh chứng rõ ràng phản ánh cư dân thời tiền sử sinh sống trên bậc thềm hai bên bờ sông Tang ổn định, trải qua thăng trầm lịch sử hàng nghìn năm lâu đời”. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, người chủ trì khai quật khảo cổ học đề tài này thuộc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nhận định.
Hiện trường khai quật khảo cổ ở thung lũng sông Tang, các hiện vật tìm thấy nằm sâu dưới mặt đất khoảng 1,5 mét. |
Hiện tại, các nhà khảo cổ đang nỗ lực phục dựng lại mặt bằng gốc trước khi con người của thời hậu kỳ đá mới đến cư trú ở các hố khai quật. Theo tiến sĩ Khôi, căn cứ vào sự chồng xếp lên nhau của địa tầng văn hóa, thời tiền sử ở thung lũng sông Tang đã xảy ra trận đại hồng thủy cuốn trôi nền đá cuội mang đến rải đều ở khu vực này.
“Sau trận đại hồng thủy, cư dân hậu kỳ đá mới mới bắt đầu đến sinh sống trên nền đá cuội này, sau đó sử dụng lại các công cụ ghè đẽo của cư dân đá cũ bên cạnh các công cụ bằng đá đặc trưng của giai đoạn này. Do vậy mới xuất hiện cùng trong một hố khai quật lại có hàng chục hiện vật thuộc các thời kỳ văn hóa: Hậu kỳ đá cũ, đá mới, tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh nằm chồng xếp lên nhau”.
Căn cứ vào các hiện vật đã khai quật tìm thấy ở thung lũng sông Tang, các chuyên gia của Viện khảo cổ học và Bảo tàng Quảng Ngãi đánh giá, rõ ràng dòng chảy văn hóa hậu kỳ đá mới từ Tây Nguyên qua dải Trường Sơn tiến về đồng bằng duyên hải, đảo cận duyên để phát triển rực rỡ lên thời đại kim khí của giai đoạn tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh. Khu di chỉ khảo cổ trong thung lũng sông Tang bước đầu xác nhận nền văn minh của cư dân thời tiền sử hình thành phát triển qua quá trình lâu dài đã đóng góp quan trọng trong nhận thức về thời tiền sử của khu vực miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.
Ông Nguyễn Sơn Ca, Chuyên gia Viện khảo cổ học Việt Nam nhẩm tính: “Hiện chúng tôi đã tiến hành đào 15 hố thám sát và 10 hố khai quật. Điều khá bất ngờ là ở thung lũng sông Tang heo hút của vùng núi cao huyện Tây Trà, nhiều cụm mộ nồi đỉnh cao của văn hóa Sa Huỳnh lại phân bố dày đặc ở đây. Đây là di chỉ khảo cổ đặc trưng để lại dấu tích khá rõ nét của quá trình sinh sống lâu dài của lớp cư dân thời tiền sử từ hậu kỳ đá cũ, đá mới, tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh”
Để bảo tồn di sản văn hóa ở thung lũng sông Tang, hiện Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tiếp tục khai quật 10 di chỉ khảo cổ tại khu vực này để kịp tiến độ ngăn dòng lòng hồ công trình thủy điện Hồ chứa nước Nước Trong vào giữa cuối tháng 5 tới.
Minh Thu