Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội:
Thăng Long - Hà Nội từ Lý Thái Tổ đến Hồ Chí Minh

03:10, 02/10/2010
.
* Tuấn Anh

(QNĐT)- Theo chính sử nước ta, mùa thu năm Canh Tuất 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên kinh thành là Thăng Long, nay là Hà Nội. Theo mốc lịch sử đó, năm 2010 Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử nước nhà.

Việc tổ chức kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long là sự biểu thị lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam đối với tổ tiên đã có công dựng nước, giữ nước; là dịp giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp để giới thiệu và nâng cao tầm vóc của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên thế giới.

* Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La, đặt tên Kinh đô mới là Thăng Long, đánh dấu cột mốc Thăng Long – Hà Nội “Ngàn năm văn hiến”
 
s
Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ (Đền Đô – Bắc Ninh).
Cuối năm 1009, Triều Tiên Lê suy tàn, tại Hoa Lư, Ninh Bình, Lý Công Uẩn được tôn làm vua. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của kinh đô đối với vận mệnh đất nước nên sau khi lên ngôi, Vua nhất quyết dời đô.

Năm 1010, Lý Công Uẩn viết Chiếu dời đô với những lý lẽ đầy sức thuyết phục: “Thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn, hổ ngồi, chính giữa Nam-Bắc-Đông-Tây, tiện hình thế nhìn sông, tựa núi. Vùng này mặt đất rộng và bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt Nam đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”.

Được sự ủng hộ của quần thần và nhân dân, tháng 7 âm lịch năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Về tổng thể, kinh thành Thăng Long thời Lý xây dựng theo kiến trúc “Tam trùng thành quách”, vòng ngoài cùng là Đại La (La Thành), vòng thành giữa là Hoàng Thành, vòng trong cùng là Cấm Thành (Cung Thành).

Khi mới xây dựng trong Cấm Thành có tám điện, bốn cung; trung tâm là điện Càng Nguyên (sau đổi tên là Thiên An) là nơi thiết triều của vua Lý, được xây dựng trên núi Nùng (khu di tích Hoàng Thành ngày nay). Thời Lý (1010-1225), Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Đại Việt, góp phần phục hưng nền độc lập của đất nước, xây dựng nền văn hiến Thăng Long.

* Thăng Long- Hà Nội qua các thời kì lịch sử trước Cách mạng tháng Tám 1945.

- Thời Trần (1225-1400): Thăng Long ba lần đại thắng quân Nguyên-Mông, vị thế của Đại Việt được tôn vinh, Thăng Long trở thành trung tâm thương mại và ngoại giao đối với các nước lân bang. Nhìn tổng thể kiến trúc cung đình Thăng Long không bề thế như thời Lý. Quy mô kinh thành Thăng Long cơ bản vẫn giữ ranh giới cũ, nhưng dân cư đông đúc hơn trước.

Năm 1230, nhà Trần tu sửa và mở rộng kinh thành, hoạch định lại các đơn vị hành chính. Kinh đô Thăng Long chia làm 61 phường. 

Quần thể kiến trúc Hoàng cung thời nhà Trần  có điện Thiên An là nơi Vua làm việc và thiết yến các quan; điện Tập Hiền, điện Thọ Quang tiếp sứ thần nước ngoài; điện Diên Hồng nơi đã diễn ra Hội nghị bô lão trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông.

Ngoài Hoàng Thành, nhà Trần cho xây dựng thêm khu Quán Sứ để đón tiếp sứ nước ngoài. Thăng Long đến thời Trần đã mang dáng vóc một thành phố mở đối với thế giới và bắt đầu mang dáng vẻ quốc tế của một kinh thành đô hội.
 
c
Cầu Thê Húc năm 1885

-Thời Lê, Mạc, Lê Trung Hưng (1428-1788): Năm 1397, trước nguy cơ xâm lược của Nhà Minh, Hồ Quý Ly, đại thần của nhà Trần cho xây dựng Tây Đô ở Thanh Hóa, đổi tên Thăng Long thành Đông Đô và buộc vua Trần dời triều đình vào Tây Đô. Trong 10 năm cuối triều Trần, nước ta có hai kinh đô là Tây Đô và Đông Đô.

Tây Đô có vua triều đình nhưng cũng chỉ là một đô thành quân sự, chật hẹp. Đông Đô vẫn là trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước. Năm 1407 giặc Minh xâm lược và đặt ách đô hộ đối với nước ta. Đông Đô bị đổi tên thành Đông Quan.

Đầu năm 1418, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa. Năm 1427, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh giành toàn thắng. Ngày 29/4/1428, Lê Lợi lên ngôi vua, khôi phục lại quốc hiệu Đại Việt, định đô ở Đông Đô (Thăng Long). Năm 1430 Đông Đô đổi tên là Đông Kinh, đến năm 1446 đổi tên là Phủ Trung Đô.

Thành Đông Kinh (Thăng Long) được quy hoạch xây dựng lại theo quy cách đế đô của quốc gia quân chủ tập quyền. Cấu trúc thành lũy vẫn dựa trên cơ sở thành Thăng Long. Vòng thành ngoài vẫn gọi là thành Đại La, vòng thứ hai là Hoàng Thành và mở rộng về phía Tây Nam (bao gồm cả khu Giảng Võ hiện nay).

Vòng thành trong cùng là Cấm Thành. Quy hoạch 36 phố phường của Thăng Long-Hà Nội bắt đầu có từ triều Lê. Kiến trúc kinh thành Thăng Long thời Lê đạt đến trình độ mực thước, hài hòa. Dưới triều Lê Thánh Tông (1460-1497), kinh đô Thăng Long phát triển phồn thịnh, đất nước đạt tới đỉnh cao của một quốc gia phong kiến độc lập, được các nước lân bang nể trọng.

Năm 1527, tập đoàn Phong kiến Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê, lập triều Mạc. Năm 1545, quyền bính của triều Lê Trung Hưng ở trong tay họ Trịnh. Nước ta rơi vào cảnh Vua Lê- Chúa Trịnh, kéo dài đến năm 1786, Kinh đô Đông Kinh trở lại tên gọi Thăng Long.

Nét mới trong quần thể kiến trúc cung đình của thời Lê- Trịnh là xuất hiện cụm kiến trúc Phủ Chúa. Phủ Chúa và kiến trúc ngoại vi đã tạo thành một trung tâm chính trị vượt qua Hoàng Thành cả về quyền uy và quy mô.

- Thời Tây Sơn (1788-1802): Ngày 16/12/1788, quân Thanh theo sự cầu cứu của Lê Chiêu Thống đã tiến sang, chiếm được kinh thành Thăng Long.

Ngày 22/12/1788, tại Phú Xuân, Quang Trung làm lễ lên ngôi hoàng đế, rồi cấp tốc dẫn đại binh ra Thăng Long. Trưa ngày mùng 5 tết Kỷ Dậu (30/1/1789), vua Quang Trung cùng đại quân đánh bại giặc Thanh, Thăng Long tưng bừng trống trận và tiếng hò reo mừng thắng trận. Giặc tan, vua Quang Trung về đóng đô ở Huế. Thăng Long là thủ phủ của Bắc Thành. Hoàng Thành Thăng Long vẫn được nhà Tây Sơn cho tu sửa.

g
Di tích Hoàng thành Thăng Long.

- Thời Nguyễn và buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược (1802-1929)
Năm 1792 vua Quang Trung qua đời. Năm 1801 Nguyễn Ánh nhân đó phản công lật đổ triều Tây Sơn. Năm 1802, Triều Nguyễn được mở đầu bằng việc Nguyễn Ánh lên ngôi Vua, đặt niêu hiệu “Gia Long”, tiếp tục đóng đô ở Phú Xuân, thiết lập chế độ quân chủ chuyên chế trên cả nước.

Thăng Long thời Nguyễn được gọi là Bắc Thành Tổng Trấn. Hoàng Thành bị phá bỏ, thay vào đó là một tòa thành mới hình vuông chu vi 4km.

Thăng Long thời Nguyễn gần tương ứng với ô vuông mà bốn cạnh là đường Phan Đình Phùng ở phía Bắc, đường Trần Phú ở phía Nam, đường Lý Nam Đế ở phía Đông, đường Hùng Vương ở phía Tây.

Năm 1831 vua Minh Mạng cải cách bộ máy hành chính, chia cả nước thành 31 tỉnh. Thăng Long hạ xuống thành tỉnh Hà Nội. Tỉnh lỵ của Hà Nội là phủ Hoài Đức (thành Thăng Long cũ), tên Hà Nội bắt đầu có từ năm 1831.

Năm 1848,  vua Tự Đức cho phá dỡ cung điện ở trong thành Hà Nội, đưa những đồ chạm trổ mỹ thuật bằng gỗ, đá về xây dựng kinh thành Huế. Khu trung tâm thành Hà Nội, nhà Nguyễn xây dựng Hành cung để Vua ngự giá vào mỗi dịp ra Bắc, điện Kính Thiên được bảo tồn làm nơi tiếp sứ thần phương Bắc.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Năm 1873, chúng đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất. Năm 1882, Thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai. Cả hai lần đánh chiếm Hà Nội, giặc Pháp đều gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của nhân dân ta. Tháng 7/1888, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh lập thành phố Hà Nội.

Thành cổ Hà Nội bị phá để xây dựng các “khu nhà binh”, công sở. Điện Kính Thiên bị phá hủy chỉ còn nền điện và thềm đá khắc đôi rồng, thay vào đó là nhà con Rồng hai tầng làm Sở chỉ huy pháo binh Pháp.

Một số công trình mang phong cách Châu Âu được xây dựng như: Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ, Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn, Ngân hàng quốc gia, nhà Bưu điện, trường Viễn Đông Bác Cổ, ga Hà Nội…, tuy vậy những dấu ấn văn hóa dân tộc vẫn thầm lặng được bảo tồn.

* Thăng Long – Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh – thời đại rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội chủ động, nhạy bén khởi nghĩa giành chính quyền, cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công vang dội.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng Trường Ba Đình đã diễn ra Lễ Tuyên bố độc lập, ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời. Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, công bố trước đồng bào cả nước và toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhân dân Hà Nội cùng nhân dân cả nước thực hiện quyền dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội ngày 6/01/1946 thành công tốt đẹp, tại phiên họp đầu tiên, Quốc hội quyết định Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 12/1946 Hà Nội nêu cao chủ nghĩa anh hùng, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, khích lệ toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Sau 9 năm trừơng kỳ kháng chiến, ngày 10/10/1954, Hà Nội rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ, hân hoan đón chào Đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô, mở ra trang sử mới cho lịch sử nước nhà.
 
Đất nước thống nhất, ngày 2/7/1976 Hà Nội được Quốc hội quyết định là Thủ đô của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội tập trung trí lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, quyết tâm thực hiện Di chúc của Bác, xây dựng Thủ đô “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
 
Hồ Gươm. Ảnh: Dân trí
Hồ Gươm. Ảnh: Dân trí

Năm 1999 Hà Nội được tổ chức UNESCO của Liên Hợp Quốc trao tặng danh hiệu vẻ vang “Thành phố vì hòa bình”. Năm 2000 Hà Nội được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.

Bước sang thế kỷ XXI, việc cải tạo, xây dựng Thủ đô thành một đô thị văn minh, hiện đại là một yêu cầu cần thiết. Quốc hội có Nghị quyết số 15/2008/QH12 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 260/CT-TTg ngày 4/3/2008 về việc tổ chức thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Sau khi hợp nhất, mở rộng, Hà Nội có diện tích 3.340km2 với gần 6,5 triệu dân, 29 đơn vị quận, huyện, 577 xã, phường, thị trấn. Trong địa giới hành chính Hà Nội hiện nay gồm cả Cố đô Cổ Loa của Nhà nước Âu Lạc và vùng đất quê hương của Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Bố Cái Đại Vương, Ngô Quyền.

* Những giá trị tinh thần được hun đúc qua lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long – Hà Nôi.

- Truyền thống yêu nước, hào khí Thăng Long – Hà Nội. Trải nghìn năm hầu hết các cuộc xâm lược vào nước ta, mục tiêu của kẻ thù là đánh chiếm, hủy diệt kinh đô Đại Việt. Thăng Long – Hà Nội đã từng bảy lần bị giặc chiếm đóng, cả bảy lần quân, dân Kinh thành đều nhất tề chiến đấu kiên cường để bảo vệ và giải phóng Thủ đô khỏi ách ngoại xâm.

Với tấm lòng yêu nước sắt son, bất khuất, kiên cường mưu trí, sáng tạo, nghìn năm qua người Thăng Long – Hà Nội đã luôn tỏ rõ hào khí Thăng Long trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới.
 
j
Tượng đài Lý Thái Tổ

- Truyền thống nhân nghĩa, khát vọng hòa bình. Hòa bình là khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam. Người Hà Nội cũng như mọi người dân đất Việt không bao giờ muốn chiến tranh.

Câu chuyện truyền thuyết về vua Lê trả Gươm thần cho Rùa vàng sau khi chiến tranh kết thúc là biểu trưng khát vọng hòa bình của dân tộc yêu chuộng hòa bình và biết sống nhân nghĩa đã trở thành truyền thống của dân tộc ta. Các thế hệ người Việt trên đất Thăng Long-Hà Nội giữ gìn và tiếp nối truyền thống tốt đẹp cao cả ấy.

- Thăng Long- Hà Nội là nơi tụ hội nhân tài, tinh hoa văn hóa-nghệ thuật, tri thức của cả dân tộc. Cũng từ đây, trí tuệ Thăng Long-Hà Nội tỏa chiếu ra mọi miền của đất nước, nâng cao trầm trí tuệ của dân tộc. Thăng Long – Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, là nơi thu hút, đào tạo nhân tài cho cả nước, là nơi để các danh nhân, nghệ nhân sáng tạo và phát huy tài năng.

- Phẩm chất thanh lịch – văn minh. Đặc trưng thanh lịch của Thăng Long – Hà Nội thể hiện ở lời nói, nét ăn, nét mặc, giao tiếp trong nền nếp gia phong. Những giá trị tiêu biểu của nền văn hiến Thăng Long-Hà Nội ngày nay vẫn được giữ gìn, phát huy để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại xứng tầm với thành phố nghìn năm tuổi.

Đất nước qua mấy ngàn năm thăng trầm lịch sử, mỗi tấc đất, mỗi ngọn núi, dòng sông dường như đều ẩn chứa truyền thống bất khuất của dân tộc. Thủ đô yêu dấu của chúng ta là vùng đất hội tụ những giá trị thiêng liêng, là sự hiện sinh cho quốc hồn, quốc túy của đất nước. Trên nền tảng những giá trị to lớn đó, mỗi người Việt Nam sẽ tự hào vươn lên, cùng chung tay, góp sức dựng xây Thủ đô ta, non sông đất nước ta “đàng hoàng to đẹp”, xứng đáng là Thủ đô văn minh, anh hùng, vì hòa bình và thịnh vượng./.

.