(QNg) - Sơn Hà là huyện miền núi có phong trào văn nghệ quần chúng mạnh mẽ và rộng khắp. Toàn huyện có 114 đội văn nghệ ở các ngành, đoàn thể, xã, thị trấn. Trong mỗi dịp lễ, tết, cả rừng núi Sơn Hà âm vang tiếng cồng chiêng, tiếng ca lêu - ca choi, nhịp đàn, điệu múa tạo không khí phấn chấn làm say đắm lòng người.
Đến với Sơn Hà là đến với hương sắc của đồng bào Hrê bởi lãnh đạo huyện rất quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy vốn văn hóa phong phú, độc đáo của bà con dân tộc Hrê. Điều đáng mừng là ở Sơn Hà còn đến hơn 1.000 bộ cồng chiêng đang được nhân dân gìn giữ rất cẩn trọng.
Một tiết mục trong ngày hội văn hóa cồng chiêng huyện Sơn Hà lần thứ I - 2010. |
Tôi đã có dịp cùng vui trong không khí đêm hội xuân ở Sơn Bao. Trong ánh lửa bập bùng với men rượu cần làm hồng môi, sáng mắt con trai, con gái - thắp sáng niềm vui của người già, em bé. Tiếng hát, tiếng đàn vang vọng suốt đêm thâu. Tôi cũng đã có may mắn dự đêm hội văn hóa chồng chiêng lần thứ nhất do UBDN huyện tổ chức. Đêm hội còn có sự tham gia của Đội cồng chiêng huyện Sơn Tây và huyện Trà Bồng. Tiếng cồng, tiếng chiêng của 3 dân tộc anh em: Hrê, Cadong, Cor vang lên trong đêm hội nói lên tình đoàn kết gắn bó keo sơn - tình bà con, nghĩa đồng bào cùng chung tay góp sức trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước năm xưa và hôm nay, trong sự nghiệp giành độc lập tự do cho dân tộc và xây dựng xã hội mới - xã hội của nhân dân lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tiếng cồng, tiếng chiêng đã gắn bó với đồng bào từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay về với ông bà, tổ tiên, được tấu lên thể hiện niềm hân hoan và chia sẻ với nhau cả nỗi buồn trong cuộc sống, trong sản xuất. Tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang trọn một vòng đời của con người và được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ đời ông đến đời cha, từ đời con đến đời cháu và vang vọng mãi không dứt trên đại ngàn hùng vĩ.
Nhờ biết giữ gìn và phát huy vốn văn hóa Hrê, huyện Sơn Hà đã có được nghệ nhân dân gian Đinh Ngọc Su - người thổi sáo Tà Vố nổi tiếng cả nước và vinh dự được mời biểu diễn ở Hàn Quốc, người mà giáo sư, TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá rất cao và cho rằng sáo Tà Vố của người Hrê là vốn quý hiếm còn sót lại trong kho tàng văn hóa nhân loại.
Giữ gìn và phát huy vốn văn hóa Hrê, nghệ nhân Đinh Thị Phước - một thiếu nữ còn trẻ đã tiếp thu được vốn quý của dân tộc mình, đem làn điệu dân ca Hrê đến với công chúng yêu âm nhạc nhiều nơi trong nước và cả ở nước ngoài.
Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, chắc chắn người Hrê sẽ giữ lửa và truyền mãi ngọn lửa quý giá của dân tộc mình cho muôn đời sau.
Thành Vinh