(QNg) - Dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi có truyền thống nuôi trâu từ lâu đời. Thời xưa có những gia đình nuôi đến hàng trăm con trâu, đó là những gia đình giàu có. Xong mùa cày cấy họ đưa đàn trâu lên trên đồi núi nơi xa ruộng, vườn, có bãi cỏ, làm trang trại thả nuôi trâu ở đó, đến khi mùa lúa chín (mùa gặt) họ mới đưa đàn trâu về chuồng, thả nuôi ngoài đồng có cỏ, có rơm rạ.
Con trâu là một thành phần rất quan trọng trong gia tài đồng bào Hrê, nó vừa là tài sản quý giá, vừa là nguồn lực sức lao động cày bừa của gia đình. Hộ gia đình nào mà không có nuôi trâu, được xem là gia đình đó nghèo nhất làng. Trong quan niệm vạn vật hữu linh, con trâu cũng có hồn vía, có các vị thần linh luôn ở đâu đó phù hộ, che chở… cho con trâu, nên cần phải cúng các vị thần linh của con trâu. Các tục cúng cho con trâu gồm:
Cúng lấy hồn canh trưa của dân tộc Hrê ở Ba Tơ. |
- Cwai hpôơ zơ dhênh: (Cúng cho con trâu ngày Tết). Tục cúng này được tổ chức lúc sáng sớm vào ngày thứ hai của ba ngày tết, tức “Ngày ăn” (hei caq), lễ vật cúng được bày biện ngay cổng chuồng trâu. Các lễ vật gồm: hai con gà đã được luộc chín (một trống, một mái), ba con cá vợp con (chừng hai ngón tay) đã được phơi khô, hai cái bánh tét (loại bánh gói cặp), một chai rượu trắng, một ché rượu cần (ché nhỏ), một ít muối, gạo (Yaq vrăh), vài cọng rau khoai lang, hoặc rau cải, 7 miếng trầu cau được gói chung với vôi, thuốc lá (Htêm), 5 miếng sáp ong vú (Dhick) làm như dấu cộng (+), ba cây nến làm bằng sáp ong (Dhin), một ít bông cây gòn và mủ cây gòn lá tím (Ca guư), một miếng xác cây gió bầu (Ga hlâu) để đốt tạo mùi hương, hai cây que được chẻ đôi làm bằng cây đót… Ý nghĩa của bài cúng năm mới cho con trâu có nhiều sức khỏe, khi đi ăn trên núi trên đồi, đi ăn nơi xa tránh bị gặp thú dữ, tránh bị vấp bị ngã, mắc lầy, rớt hố…
- Cwai hpôơ xêh: (Cúng đặt tên cho con trâu mới đẻ). Tục cúng này được tổ chức vào buổi chiều xế (khi đàn trâu về chuồng) và khi con nghé được 5 - 7 ngày tuổi, lễ vật cúng được bày biện ngay cổng chuồng trâu. Các lễ vật gồm: một con gà trống, một chai rượu trắng, một ít muối, gạo (Yaq vrăh), năm miếng trầu cau gói chung với vôi, thuốc lá (Htêm), ba miếng sáp ong vú làm như dấu cộng (+) (Dhick), một cây nến làm bằng sáp ong mật với sợi chỉ (Dhin), một ít bông cây gòn và mủ cây gòn lá tím (Ca guư), một miếng xác cây gió bầu (Ga hlâu) để đốt tạo mùi hương, hai cây que được chẻ đôi làm bằng cây trảy… Ý nghĩa của bài cúng là báo cáo cho các vị thần linh biết đàn trâu gia đình có thêm thành viên mới và xin đặt tên cho nó, cầu mong cho con nghé được khoẻ mạnh, lớn nhanh…
- Pot crê ca hpôơ ch’râm vêq: (Cúng cho con trâu mới tập cày bừa, hay còn gọi là “Cúng giữ hồn vía con trâu”). Về thời gian, địa điểm, các lễ vật cúng giống như cúng “Cawai hpôơ xêh”, nhưng cúng bằng con gà mái. Ý nghĩa của bài cúng, trong quá trình tập luyện cầy bừa do con trâu mới lớn, nên chưa quen, vì vậy người cầm lái cày bừa cần ép buộc, la lối, lấy cây roi đánh con trâu rất nhiều nên con trâu bị tổn thương về thể xác và tinh thần, hồn vía con trâu bị sợ hãi… nên phải cúng “Giữ hồn vía con trâu”.
Cala hwan hpôơ tock enh vêq: (Cúng cho con trâu xong một mùa cày bừa). Tục cúng này chỉ tổ chức vào mùa vụ hè thu. Qua quá trình một mùa cày bừa, người cầm lái cày bừa đã la lối, thậm chí chửi mắng, lấy cây roi đánh con trâu rất nhiều, nên con trâu bị tổn thương về thể xác và tinh thần, hồn vía trâu bị sợ hãi nên phải cúng cho trâu để giữ hồn vía cho trâu, sức khoẻ con trâu nhanh chóng hồi phục.
Tục cúng cho trâu là tình yêu thương, là văn hoá ứng xử của con người đối với con vật nuôi (con trâu) có từ lâu đời của dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi. Và phong tục này cho đến ngày nay nhiều nơi bà con vẫn còn giữ.
Minh Đát