Kỷ niệm 1 năm ngày mất nhà thơ Tế Hanh (16/7/2009 – 2010)
Tế Hanh vẫn trò chuyện cùng hoa

09:07, 14/07/2010
.
                                                                                                         TS. MAI BÁ ẤN

(QNĐT) - Trong lễ truy điệu ngày người anh cả thơ ca Quảng Ngãi - Tế Hanh từ giã cõi đời, nhà thơ Thanh Thảo đã khẳng định rằng: “Tế Hanh vẫn trò chuyện với dòng sông”. Vâng, thơ Tế Hanh trong vắt như sông quê – nơi tuổi thơ anh đã từng nô giỡn giữa dòng, thời đất nước cắt chia đã từng nhớ nhung cháy bỏng, thời thanh bình đã từng hoài vọng khôn nguôi…

 
Nhưng ít ai biết rằng, Tế Hanh cũng là một hồn thơ ngập tràn hoa lá. Mà suy cho cùng, sông nước, lá hoa cũng chính là những biểu hiện của một hồn thơ bình dị, sáng trong, chân chất, hiền hòa như chính cuộc đời hiền hậu, sáng trong, khiêm nhường của anh vậy.

Tôi cứ trộm nghĩ: có phải vì tập thơ đầu của anh mang tên Hoa niên chăng mà đời thơ của anh rợp đầy sức xanh của cỏ, cây, hoa lá ! Phải khẳng định thêm rằng, trong thơ Việt Nam, người viết nhiều nhất về cây, lá, hoa, quả có lẽ là Tế Hanh. Trong thơ anh, ta có thể chọn ra được cả một danh mục các loài hoa khá đa dạng và lý thú.

Ở Mùa Xuân nói chuyện hoa, anh nói tới 12 loài: hồng hồng, hồng đỏ, hồng trắng, hồng vàng, cúc vàng, cúc trắng, cúc tím, cúc xanh, đào phai, đào thắm, dơn ghép, dơn đơn. Trong Hoa Đà Lạt, anh chọn 3 loài tiêu biểu: Mimoda, hoa hồng và hoa đào. Rồi từ trong ngất ngây hương nhựa thông Đà Lạt, anh liên tưởng đến loài hoa Hot - tăng - xa màu xanh mà một nhà thơ nổi tiếng Pháp từng ca ngợi. Nghĩa là, từ bé thơ, khi trưởng thành, những năm đất nước cắt chia, máu lửa, cả trong ngày tháng thanh bình… khi trong nước, khi ở nước ngoài, nhìn đâu anh cũng thấy rợp trời hoa lá.

Ngoài những loài hoa nở đột ngột ở từng câu riêng lẻ trong thơ anh (trên 30 loài hoa), riêng những bài về hoa cũng đã rất nhiều như các bài: Hoa đào, Hoa sen, Mai nở hai lần, Hoa nở theo trăng (Quỳnh), Hoa phượng (2 bài), Hoa đồng tiền (Chuyện em bé cười ra hoa đồng tiền), Hoa giấy, Hoa hồng Bungary, Hoa báo mưa, Hoa xuyên tuyết, Hoa trăng (Trăng tàn), Hoa cỏ...

Vẫn biết, thống kê vẫn chỉ là những con số thống kê, song dù sao, con số ấy cho ta những liên tưởng thú vị về vị trí của Tế Hanh trong chủ đề hoa. Nhưng anh không phải là nhà thực vật học, cho nên qua hoa, anh gửi gắm nhiều suy nghĩ và tình cảm cũng như những triết lý thú vị về cuộc sống, nhân sinh. Bài Mùa Xuân nói chuyện hoa, sau khi kể về 12 loài hoa, anh kết luận: Hoa cứ đẹp nhiều hơn/ Nhờ bàn tay lao động.

Thử đi theo thứ tự thời gian các loài hoa xuất hiện trong thơ anh, ta sẽ thấy tâm hồn anh quả là một vườn Xuân rộn rã lá hoa. Đó là đuốc phượng tươi như máu và chói đỏ niềm tin: Ơi phượng! Ngươi là cây đuốc sáng/ Đốt đầy tin tưởng vọng lên không …/ Cầu ngươi hỡi phượng, tươi như máu/ Dâng sáng linh hồn, cánh dợn bay (Phượng - 1944)  hoặc Phượng thay hoa mấy lần hồng mặt đất (Bài thơ tháng Bảy - 1958), Có phải hoa là hoa phượng ơi!/ Tập trung cao nhất lòng yêu đời/ Soi trời bó đuốc từ khi nở / Dệt đất, ra đi, tấm thảm ngời (Hoa phượng - 1969) và Lung linh hoa phượng kết bằng lưu ly (Giấc mộng Xuân - 1985).

Hôm chuẩn bị bàn thờ cho Lễ truy điệu Tế Hanh tại Quảng Ngãi, đang ở Đà Nẵng, nhà thơ Thanh Thảo điện về dặn chúng tôi là nhớ có một quả dưa hấu Bình Sơn quê Tế Hanh đặt trên bàn thờ. Chúng tôi đã mua đúng loài dưa hấu Bình Sơn.

Nhưng nói về loài trái cây đặc sản để ăn, ai cũng thường nghĩ về trái, vậy mà Tế Hanh lại không quên cái thời quằn quại làm hoa để kết trái của loài hoa dễ bị lãng quên này: Đây nặng niềm xuân máu nhớ bông / Điểm thưa chòm biếc lá chen hồng/ Nhị vàng giây phút âm dương gặp/ Khao khát tình cây, ân ái nồng (Trái chín - 1944). Trăng (Nguyệt) trong thơ xưa nay thường được ví với mặt người con gái hoặc nụ cười, nét hiền dịu, khoan dung trên khuôn trăng (mặt) ấy, vậy mà Tế Hanh lại nghĩ trăng lại là hoa theo suy tưởng riêng mình: Cánh bằng ngọc, sáng ngời màu ảo huyễn/ Nhị bằng vàng ẩn hiện bóng tơ giăng (Trăng tàn - 1944).

Mùa thu, xưa nay cũng thường đi cùng nỗi nhớ, chọn hoa cúc để nói về mùa thu là lẽ đương nhiên, nhưng cái cách nói về nỗi nhớ kiểu này thì hình như chỉ có Tế hanh phát hiện: Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa... (Bài thơ tình ở Hàng Châu - 1956) và những Thiên trúc, Hoàng mai, Quế, Táo nở rộ quanh nhà Lỗ Tấn: Hoa thiên trúc/ Hoa hoàng mai/ Và hoa quế hương bay man mác/ Mảnh vườn xanh của tuổi nhỏ thơ anh…/ rồi Cạnh nhà Lỗ Tấn có hai cây táo/ đã ra nụ ra hoa  cùng Những vườn đào táo ngát hương thơm trên quê hương của đại thi hào nước Đức (Bài thơ về Gớt).

Hoa sen là loài hoa được nói đến quá nhiều trong thơ ca cũ mới, nhưng cách khái quát và những lời nhắn nhủ của Tế Hanh vẫn chứa bên trong nhụy sen bao niềm sâu kín: Hai ta như sen mùa hạ, cúc mùa thu (Vườn xưa - 1957)... Kết tinh đẹp nhất hoa ơi/ Cho ta nhắn gửi đôi lời với hoa (Hoa sen).

Bình sinh, Tế Hanh là người thơ giản dị giữa cuộc đời, vì lẽ đó, với càfe, anh không chú ý đến vị đắng, màu nâu màu chỉ là những chùm hoa trắng khoe hương giữ núi đồi xanh thẳm: Đầu mùa hoa nở trắng cành/ Hương thơm bay dậy vòng quanh núi đồi (Nông trường càfe-58).

Giã từ màu trắng hoa càfê Tây Nguyên, anh lại đến với hoa Ban giữa điệp trùng Tây Bắc: Chờ ai vẩy vẩy cánh hoa ban (Đến Mộc Châu) và Phan đình Giót, Bế Văn Đàn/ Mà tâm hồn trắng mãi với hoa ban/ ... Giữa mùa ban nở trắng ngạt ngào hương / Ta sẽ cắm một cành hoa trên đồi A1 (Thăm đồi A1-1959). Thăm Điện Biên Phủ lẫy lừng rồi, anh lại về với chính hồn mình để tỉ tê cùng một loài hoa dại: Tôi đi để mặc cỏ may/ Hai bên bờ biếc găm đầy quần tôi (Mùa thu ở nông trường-62).

Ai đã từng đến với vùng biển mới thấy giữa cát trắng chói chang kia cái lộng lẫy của màu hoa Tý Ngọ và cũng mới hiểu hết lòng yêu hoa của Tế Hanh bình dị đến nhường nào: Nắng nghiêng xế bông hoa tí ngọ/ Đã khép môi bé nhỏ hồng hồng (Thăm nhà người đánh cá - 63).

Còn niềm yêu hoa Mai thì trải dài suốt cuộc đời anh từ đóa Mai những ngày gian khổ chiến tranh đến những đóa Mai xuân hòa bình nở như tăng gấp đôi sức lực: Nhớ cái tết bên đường mai nở/ Hai đứa chia nhau mấy củ khoai lang (Gửi bạn – 63), Trong tay cầm nhánh mai rừng/ Về thăm mảnh đất Miền Nam của mình (Qua những dòng sông hòa bình - 73)  và Có phải vì vui quân giải phóng/ Quá xuân mai lại nở hai lần (Mai nở hai lần) cùng nỗi niềm đốn ngộ hoa Mai của Cao Chu Thần thi sĩ: Suốt một đời đứng thẳng/ Chỉ cúi trước cành mai (Cao Bá Quát).

Miền Nam nắng nóng rộ Mai vàng, miền Bắc lạnh se hồng Đào đỏ. Chính từ suy ngẫm này, có lần dạo tết xem hoa Xuân, tôi đã viết: “Miền Bắc lạnh hoa đào khoe sắc thắm/ Nắng miền Nam rực rỡ cánh mai vàng/ Hai màu hoa – hai miền đất nước/ Là màu cờ một Tổ quốc vinh quang” (MBA).

Đã là nhà thơ của những loài hoa, ắt nói về Mai, Tế Hanh chẳng thể quên Đào: Giữa rừng núi Sơn La bóng Tô Hiệu vẩy hoa đào (Mẹ đi-65) ... Suốt năm hoa hỡi đi đâu?/ Bây giờ nở rộ bắt đầu xuân sang (Hoa đào). Rồi thì Hoa dâm bụt: Mỗi năm xuân đến về quê tết/ Dâm bụt quanh nhà hoa nở son (Mẹ có nghe thơ con - 66); Hoa báo mưa: Góc sân, ánh nắng như lưu luyến/ Dừng lại bên cành hoa báo mưa (Hoa báo mưa); Hoa hồng: Tặng cô hai đóa hoa hồng/ Bài thơ thổn thức từng dòng ngọc sa/ ... Hoa hồng hai đóa còn y/ Giếng xưa nước vẫn thầm thì giọt tuôn (Giếng nước mắt-69); Hoa tuyết (Liên Xô): Những hoa tuyết trên đường bay lấp lánh/ Hơi như sương nhỏ giọt thầm thì (Lênin và bản nhạc Bet tô ven - 67); Hoa nhãn: Mẹ theo đội gái đi trồng nhãn/ Khóm nhãn ra hoa đã mấy mùa (Cây Bác Hồ - 70); Hoa Phia - bióc: Hoa Phia - bióc tỏa mùi hương lưu luyến/ Con chim ri nhảy nhót chuyền cành (Pác bó - 70); Hoa cẩm chướng: Một cành cẩm chướng thắm trên tay/ Tôi cúi trước Nadim Hít mét (Thăm nghĩa trang danh nhân...-73).

Xem Quỳnh nở dưới trăng, ai cảm được hoa sẽ thấy lâng lâng một nỗi mơ hồ, Tế Hanh nói hộ cảm giác ấy cho ta thật rõ, rằng: Quỳnh và Trăng đều đẹp, hai vẻ đẹp lẫn lộn, bổ sung  nhau tạo nên một vẻ riêng của một rạng rỡ huyền bí giữa đêm khuya: Trên hoa trăng sáng một vừng/ Dưới trăng hoa nở bừng bừng nhụy bông/ Hoa là trăng đậu cành cong/ Hoa là trăng ngự trời trong ngời ngời (Hoa nở theo trăng-73). Rồi thì Hoa lựu: Chỉ còn cây lựu già/ Từ thời ông để lại/ Đỏ chói một chùm hoa (Vườn cũ - 1975); Hoa Lila bên vườn Púskin: Nở từng chùm trắng tím/ Hoa lila ngát cành (Theo dấu Puskin - 77); Hoa bằng lăng: Cây bằng lăng hoa tím tiễn xuân đi (Hồ Thuyền Quang-78); Hoa hoàng lan, Hoa sữa: Hoàng lan, hoa sữa thơm lừng không gian (Nhớ về Hà Nội hôm nay-79).
 
Hoa phong lan: Hương phong lan trong giấc ngủ ngọt ngào (Trường Sơn-79); Hoa cỏ: Tôi là hoa cỏ/ Mọc giữa bụi bờ/ Cùng anh muốn tỏ/ Những lời đơn sơ (Hoa cỏ); Hoa xuyên tuyết: Tìm màu trắng tuyết, nhưng không thấy/ Chỉ thấy quanh mình màu trắng hoa (Ba Lan-84); Hoa giấy: Hoa giấy màu gì tôi không rõ nữa/ Có lúc vàng như mặt trời treo trước cửa/ Có nhiều đêm tôi lại thấy màu xanh/ như ánh trăng lấp lánh sau cành (Hoa giấy-85); Hoa bưởi: Hoa bưởi hai mùa/ Chị sinh một bé/ ...Hương bay thơm ngát / Cây bưởi sau nhà…. Và loài hoa tôi dành ở cuối cùng ta quen gọi là bông vì nó vừa là thời hoa vừa là thời hạt: Cây lúa ngoài đồng/ Trổ bông trĩu hạt…

Vâng ! Chắc chắn là chưa thể kể đầy đủ về những loài hoa trong thơ anh vì ở bài viết này, tôi chỉ chọn trong Tuyển tập thơ Tế Hanh. Nhưng thôi, hoa xuân của Tế Hanh nhất định sẽ tồn tại mãi cùng thời gian, tồn tại mãi cùng thơ ca và vĩnh viễn nở tươi trong lòng bạn đọc các thế hệ. Anh ra đi nhưng tâm hồn bao la, tươi tắn của một người thơ sẽ luôn luôn “một cõi đi về”.

Và có lẽ xin được kết luận bài viết nhân kỷ niệm 1 năm ngày anh về cõi bất tử bằng hai câu thơ bất tử về hoa, về người, về đời và về tình nữa... của anh:

Ngàn năm sau.. chỗ đôi ta

yêu nhau... có lẽ lá hoa mọc đầy.
(Không đề).
                                                                                       
                                                                                                            MBA

.