Cận cảnh áo hoàng bào vua Lê Dụ Tông

08:07, 17/07/2010
.

Trải gần ba trăm năm dưới lòng đất, cho đến hôm nay tấm áo gấm hoàng bào vẫn giữ tươi màu vàng óng với lấp lánh sợi thêu kim tuyến và sợi tơ nhuộm màu ngũ sắc.  
 
Cận cảnh áo hoàng bào
 
Để làm ra tấm vải may áo hoàng bào này, những người thợ dệt xưa đã ứng dụng kỹ thuật dệt hiện đại nhất đương thời vừa mới được du nhập từ châu Âu. Đó là kỹ thuật dệt theo các tấm bìa đục lỗ. 
 
Trước đây, để tạo ra các hình rồng mây trên áo các vua chúa, người ta phải dùng kỹ thuật thêu, vẽ lên vải trơn. Các đồ án quá phức tạp khiến cho kiểu dệt khung truyền thống có từ đời Hán Đường trở nên vô vọng. 
 
Nhưng từ thế kỷ XVII, với kỹ thuật dệt khung có sự hỗ trợ chạy sợi bởi những tấm bìa đục lỗ, người ta bắt đầu tạo ra những tấm vải dệt tạo hình trang trí phức tạp. Điểm có thể nhận biết ra giữa dệt hoa hay thêu hoa là ở các đường chạy sợi bên dưới mặt trái tấm vải.

Nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc đang nghiên cứu bản gốc chiếc áo hoàng bào của vua Lê Dụ Tông.
Nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc đang nghiên cứu bản gốc chiếc áo hoàng bào của vua Lê Dụ Tông.
 
Trên chiếc hoàng bào của vua Lê Dụ Tông, chúng tôi chỉ nhận ra một số chi tiết thêu bổ khuyết ở mắt rồng, quả cầu lửa... khi sử dụng sợi kim tuyến hay sợi màu mà không chạy nổi trong máy dệt đương thời.
 
Áo hoàng bào là áo khoác ngoài mang tính nghi lễ nên được làm theo kích cỡ khá lớn. Áo cài khuy chéo ở bên ngực phải. Lưng có miếng đỡ đai.  Chiều rộng căng ngang đo từ vạt tay này sang vạt tay kia rộng hơn 2m. Bề ngang đo từ hai mép nách áo cũng rộng chừng 1m. Từ cổ áo đến vạt dưới chân dài khoảng 1,2m. 
 
Một hình rồng lớn uốn lượn theo chiều bay lên, mặt nhìn thẳng đặt ở chính giữa vạt trước tấm áo, từ vạt dưới đến tận ngực. Trên hai cánh tay và hai vai hoàng bào là hình 6 con rồng lượn mặt nhìn nghiêng, đớp cầu lửa. Phía sau lưng hoàng bào cũng là một hình rồng tương tự như vạt áo trước. Tổng cộng là 8 hình rồng bay trên tấm hoàng bào. 
 
Theo táng tục, nhà vua có cửu long (9 rồng) đưa xuống cõi tiên. Hình rồng thứ chín được dệt trên tấm khăn phủ mặt thi hài. Con rồng này cũng giống như hai con rồng ở vạt trước và sau hoàng bào, là rồng ở tư thế mặt nhìn thẳng bay lên.
 
Muốn phục dựng lại báu vật hoàng cung
 
Chúng tôi đã được tham dự cuộc nghiên cứu bộ hoàng bào của vua Lê  Dụ Tông theo yêu cầu của Ban Dự án Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với hy vọng phục dựng lại một báu vật hoàng cung. Có lẽ đó cũng là  lần hiếm hoi cuối cùng có thể được chiêm ngưỡng một kiệt tác dệt may như vậy. 
 
Do làm từ lụa, một loại sợi có nguồn gốc protein động vật (dãi tằm) nên trải qua thời gian, các sợi tơ tằm có xu hướng vỡ vụn như bụi. Điều này khiến tôi nhớ lại cuộc viếng thăm Bảo tàng Vải sợi Lyon (Pháp) năm 2007.

Hình rồng dệt trên cánh tay áo.
Hình rồng dệt trên cánh tay áo.
 
Một chuyên gia phục chế đang miệt mài bên chiếc áo khoác của một vị hoàng đế Pháp để chắp lại từng đoạn sợi đứt và điền vào đó những đoạn sợi sờn, thiếu bằng những sợi mới được chế ra đúng theo công thức và kích cỡ sợi gốc. Chị cho biết đã làm công việc này 3 tháng và có thể 2 năm nữa mới hoàn thành. 
 
Bởi lẽ mỗi ngày, trong điều kiện làm việc lý tưởng của Bảo tàng Lyon, người phụ nữ hưởng lương 2.500 Euro kia, chỉ hoàn tất từ 3 - 5cm2 diện tích hư hỏng của tấm áo. Nhưng chi phí công sức tiền của và thời gian là cần thiết vì đó là báu vật. Áo hoàng bào của vua Lê Dụ Tông cũng cần được trân trọng như vậy.
 
Theo các nghệ nhân của làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), chúng ta có thể phục hồi được, nhưng phải đầu tư để chế  lại khung dệt và tạo ra chừng 7.000 tấm bìa đục lỗ tương ứng với đường dẫn sợi có thể dệt lại đúng tấm áo này. Chi phí được ước tính lên đến hơn 1 tỷ đồng.   
 
Theo Bee

.