TS. MAI BÁ ẤN
Gắn chặt cả một đời thơ mình với “Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường” và với cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ và vĩ đại của dân tộc; Tổ quốc, Nhân dân và Cách mạng đã trở thành những ám ảnh khôn nguôi tạo nên một hiệu ứng “bùng nổ” mãnh liệt trong thơ Thanh Thảo.
Bằng chứng là anh đã trở thành nhà thơ Việt Nam viết nhiều trường ca nhất (9 trường ca) và có đóng góp lớn nhất đối với thể loại văn học đặc biệt này, được các nhà nghiên cứu trân trọng gọi là “Ông hoàng của trường ca”. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945-11/3/2010) và kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2010), BBT xin giới thiệu vài nét về hai sự kiện lịch sử lớn (một của quê hương Quảng Ngãi và một của cả dân tộc Việt Nam) trước sự “bùng nổ đầy âm vang” của hồn thơ Thanh Thảo qua hai trường ca “Bùng nổ của mùa xuân” và “Những người đi tới biển”. Trong đời thơ Thanh Thảo có ba con người gắn liền với ba sự kiện khá quan trọng liên quan đến bước đường sáng tác của anh. Đầu tiên là Chế Lan Viên - người mà ngay trong thời chiến tranh khốc liệt đã dám để lọt vào mắt xanh mình và dám cho in những bài thơ đầu tay với nội dung quá gai góc và một tư duy thơ lạ lẫm, táo bạo lúc bấy giờ của nhà thơ trẻ Thanh Thảo từ chiến trường miền Nam gửi ra.
Để Thanh Thảo nổi tiếng cũng từ đó mà rồi gặp ngay “tai nạn văn chương” cũng từ đó. Cũng chính cái “án treo văn chương” lơ lửng này mà sau ngày miền Nam giải phóng, từ chiến khu trở về, Thanh Thảo trở thành một nhà thơ không có nơi công tác, chỉ có vui một niềm vui lớn cùng đất nước hòa bình. Lang thang ở phố xá Sài Gòn chưa định hướng sẽ về đâu, bỗng dưng nhà văn Nguyễn Chí Trung xuất hiện. Biết Thanh Thảo là người em đồng hương “khu eo” đã từng nổi tiếng từ án treo văn chương thời chiến, ông đưa Thanh Thảo về trại sáng tác Quân khu V (Đà Nẵng), và từ trại viết này hàng loạt bài thơ, đặc biệt là trường ca “Những người đi tới biển” đã chào đời. Rồi những tháng năm ngột ngạt không khí của xã hội bao cấp ở Quy Nhơn (thời của tỉnh Nghĩa Bình) chính lại là những tháng năm Thanh Thảo thật sự phát tiết tinh anh bao nhiêu năm dồn nén. Anh dồn dập viết trường ca như một sự giải thoát những ứ đọng cảm xúc chính mình. Và bảy trường ca nữa của anh đã ra đời (không tính một trường ca còn dang dở) trong vòng chưa đầy 10 năm (1976-1984).
Quả là một năng lực trường ca kỳ diệu và hiếm có. Bảy trường ca, cái nào in được thì gửi in còn những cái gai góc hơn thì rút kinh nghiệm lần đầu, anh cho nằm im chờ cơ hội. Vậy là ba trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ”, “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc” và “Bùng nổ của mùa xuân” in ra để rồi sau đó nhận được giải thưởng thơ của Ban văn học quốc phòng - Hội Nhà văn Việt Nam (1995). Còn lại bốn trường ca hơi “gai góc” lại phải chờ thời cơ xuất hiện. May sao, lúc ấy, Nguyễn Khoa Điềm được tín nhiệm làm Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, bằng uy tín của mình ông đã in “Đêm trên cát” của Thanh Thảo để rồi sau đó vài năm (1985), Nhà xuất bản Tác phẩm mới in chung vào tập trường ca “Khối vuông ru-bích”. Còn lại, hai trường ca “Trò chuyện với nhân vật của mình” và “Cỏ vẫn mọc” phải đến năm 2002, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân mới cho ra mắt cùng bạn đọc. Bẵng đi một thời gian dài (đến gần 25 năm), đột nhiên năm 2009, Thanh Thảo lại cho ra đời trường ca “Metro” với một cấu trúc mang đầy đủ bản chất của thể loại mà vẫn hòa hợp với quá trình hiện đại hóa trong thời đại hội nhập thơ ca.
“Bùng nổ của mùa xuân” (1980-1981) là trường ca viết về một sự kiện lịch sử gắn liền với cuộc nổi dậy của những người tù căng an trí Ba Tơ (Quảng Ngãi) vào ngày 11/3/1945. Lần đầu tiên trong lịch sử khu V, ngọn cờ đỏ sao vàng đã được chính những người tù chính trị phất lên ngay trên nhà tù giặc, ngay mảnh đất trung dũng, kiên cường. Viết về sự kiện lịch sử diễn ra ngay trên mảnh đất quê mình, Thanh Thảo có nhiều lợi thế về tư liệu và cảm xúc. Thành công đặc biệt của Thanh Thảo ở trường ca này là lại tiếp tục xây dựng nhân vật số đông bằng một cấu trúc mới mẻ của bốn chương giao hưởng chặt chẽ, hài hòa để làm mới thể loại và ghi được dấu ấn mạnh mẽ khi đã trữ tình hóa thành công sự kiện lịch sử khá nghiêm túc và khô khan này. Khi được hỏi về cấu trúc trường ca “Bùng nổ của mùa xuân” của mình, Thanh Thảo cũng đã từng thú nhận: “May mắn là tôi đã tìm được cấu trúc cho trường ca này, đã hình dung được “dòng chảy” của nó. Một cấu trúc của giao hưởng cổ điển, gồm bốn chương. Tôi đã cố học được chút gì từ tính cấu trúc của âm nhạc, mặc dù tôi hoàn toàn không biết nhạc lý” (4,tr.66). Đúng như phát biểu của Thanh Thảo, đây là một bản giao hưởng cổ điển hoàn chỉnh với 4 chương không có nhan đề. Chính vì thế mà không như dạng giao hưởng trong “Những người đi tới biển” hay “Đêm trên cát”, trường ca này được cấu trúc rất cân đối.
Chương 1 mở đầu với 191 câu thơ. Đầu tiên là những âm thanh dữ dội với tiếng “mưa quất xuống ta - man mưa nghiền nát những con đường” và những hàng cây “rùng mình trong sấm chớp”, “gió vỡ tan”, “bầu trời rách tả tơi” như thân phận người tù cùng những âm thanh nhói buốt với “tiếng roi cai ngục”, “tiếng leng keng chùm chìa khóa”; tiếp theo âm nhạc chùng xuống, bế tắc, quẩn quanh không lối thoát với “tiếng chim chăn vịt... cứ lặp mãi lặp hoài một điệu” và: “ngọn gió quẩn bốn bề vách núi/ ầm vang cây gãy giữa rừng già”. Hòa trộn với âm thanh hỗn độn, chói gắt của tiếng “quất ba-toong”, tiếng “trống to trống nhỏ dẹp đường” của bọn thực dân và tay sai; sau đó âm nhạc trổi lên khúc quật khởi tự nhà lao: “những tiếng la đồng loạt/ muốn nổ tung xà lim” cùng tiếng “máu thét gào” trong lời hô của Trương Quang Trọng: “và lồng ngực Trương Quang Trọng ngang tàng thách thức/ máu thét gào/ máu/ sáng rực trong khoảnh khắc”. Sau đó, nhịp điệu chùng lại, lặng lẽ vượt nhà lao của những người tù về với núi rừng, với nhân dân, để “nơi đó, Tự do sẽ nói bằng lời ngọn lửa”. Chương 2, chương 3 mở rộng với mỗi chương 253 câu, tiết tấu đều đặn cùng với cuộc vận động quần chúng của những người tù. Khi người cách mạng đã vận động được quần chúng, chương 2 kết thúc với giai điệu rộn rã của chủ âm “lánh lỏi” trong tiếng reo đồng vọng của quần chúng: “cả tiếng hò reo/ lánh lỏi như tiếng chim tuổi thơ thất lạc/ nay trở về”. Để chương 3 vào “cuộc khởi nghĩa” với tiếng: “nổ rền/ đêm reo vang/ sấm đuổi nhau giống bầy trẻ nhỏ/ mặt đất căng mình chờ đợi” và bùng lên với: “bài hát những gốc lim vạm vỡ/ sẽ ầm vang chuyển động cả rừng già”. Đó là khúc ca của những người tù làm cách mạng, những tù nhân chiến sĩ: “bài hát những người khởi nghĩa/ ... người ta đập vào trống đập vào mõ đập vào ngực mình/ cho âm thanh bật thành tiếng nổ”.
Chương 4 kết lại ngắn hơn với 249 câu thơ như cao trào của khúc giao hưởng cách mạng. Mở đầu là hành khúc: “tuốt gươm thiêng vung cho nước nhà/ khiến dân Việt no ấm tự do” . Tiếp theo là nhịp điệu dồn dập của bài “Cùng nhau đi hồng binh” mà: “với tôi/là niềm tin/ với cách mạng/ đó là giai điệu chính” (tr.67-68). Kết thúc trường ca, nhịp điệu trải dài, hân hoan trong niềm vui chiến thắng: “như tiếng chuông mùa thu/ ta nhận ra giữa ồn ào náo động/ của bản giao hưởng cách mạng/ trong bộ gõ/ của bầu trời trở giông”. Và chính “bản giao hưởng cách mạng” của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã làm tiền đề “trong bộ gõ của bầu trời trở giông” để Quảng Ngãi cướp chính quyền về tay nhân dân và thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 trên cả nước, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chào đời. “Những người đi tới biển” (1976) đựợc xem như trường ca đầu tiên sau 1975 mang tính mở đầu cho giai đoạn nở rộ của trường ca Việt Nam những năm sau đó. Đây là trường ca về hành trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, đầy bi hùng của dân tộc. Đã có lần Thanh Thảo tâm sự rằng khi viết trường ca này và cả cái tên của trường ca, anh chịu sự ảnh hưởng từ mô - típ cấu trúc trường ca “Những người trên cửa biển” (1956) của Văn Cao vốn được Thanh Thảo đánh giá rất cao (chính là trường ca hiện đại một cách hoàn thiện không cốt truyện đầu tiên trong lịch sử phát triển của trường ca Việt Nam mà nhiều nhà thơ sau này chịu chung sự ảnh hưởng ấy). “Những người đi tới biển” nối tiếp cấu trúc theo mạch tư tưởng, cảm xúc của trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm ngay trước đó, nhưng cấu trúc tự do và thoáng đạt hơn, trong đó, cái tôi trữ tình cũng hiển hiện mạnh mẽ hơn, vì thế, cả trường ca, yếu tố tự sự cũng giảm đi nhiều.
Sợi dây nối mạch đi rất phóng khoáng mà vẫn đảm bảo tính thống nhất của tác phẩm, đó chính là hành trình đi tới thành công (tới biển bao la) của cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại qua bao mất mát, hi sinh. “Nhân vật” trong trường ca xuất hiện thoáng qua, gọn nhưng khắc họa được từng số phận cụ thể. Cái khác nhất, mới nhất trong trường ca này chính là cái giọng thơ táo bạo, gai góc vốn có của Thanh Thảo khi phản ánh về chiến tranh qua cái nhìn hiện thực trần trụi và khốc liệt vốn có của chiến tranh, không lý tưởng hóa quá đà, không lên gân mà vẫn đầy chất bi hùng của một sử thi hiện đại. Ở “Những người đi tới biển”, Thanh Thảo đã vận dụng cấu trúc nhạc giao hưởng để xây dựng tác phẩm. Đây là trường ca có cấu trúc bề mặt theo mô-tip chương mục phổ biến, tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát và so sánh với các trường ca xuất hiện trước và liền sau nó, ta vẫn nhận ra cái nét riêng trong cấu trúc trường ca này của Thanh Thảo.
Qua khảo sát 10 trường ca tiêu biểu do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tuyển chọn, xuất bản, ta chỉ thấy duy có Thanh Thảo là cho “cái tôi” nhập đề trực khởi như làm một bài thơ, bằng cách khẳng định ngay cái tôi trữ tình cá nhân nhà thơ. Nghĩa là, đã “tôi hóa” cái chung ngay từ đầu, đặt cái tôi trữ tình ngay câu thơ đầu để làm nền cho toàn bộ cảm xúc của cả một trường ca: “
Khi con thưa với mẹ/ mưa bay mờ đồng ta/ ngày mai con đi/ khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ/ chuyến tàu tăng bo ngoài ga sơ tán/ vẳng tiếng còi đêm có bao người vội nói lời chia tay”. Thực ra, ở “Trường ca Sư đoàn”, Nguyễn Đức Mậu cũng nhập đề “tôi” nhưng cái tôi ấy là cái tôi hòa trong cái chung của “Sư đoàn tôi”: “Bài hát đầu tiên tôi hát ở Sư đoàn”, hoặc “Gọi nhau qua vách núi” của Thi Hoàng cũng xưng “tôi” nhưng chỉ là sự xuất hiện trong phần “Xin giấy phép xuất bản” chứ chưa phải phần mở đầu của trường ca. Bình tĩnh mà xét, thì câu nhập đề của Thanh Thảo trong thời điểm ấy vẫn cứ là cách nhập đề nhằm khẳng định cái tôi riêng tư, tạo ấn tượng mạnh nhất. “Những người đi tới biển” là một giao hưởng gồm ba chương và một Vĩ thanh.
Chương 1 “Chiếc áo ngắn” được phân thành bảy khúc đánh theo số thứ tự, không có nhan đề. Khúc 1 là khúc chia tay mẹ già, quê hương lên đường vào Nam chiến đấu, âm thanh sâu lắng, ngùi ngùi của một đêm khuya Hà Nội với bè trầm của con “sông Hồng trằn sóng đỏ”, bè trung trong trẻo của dòng nước con sông Cầu “chảy lơ thơ”, bè cao vút lên của tiếng vẳng “còi tàu” ngoài ga sơ tán và lan tỏa vào đêm với “tiếng gà gáy sang canh”. Khúc 2 là khúc Trường Sơn mà bè trầm là tiếng “ấm ào” của “rừng săng lẻ”, bè trung với những lời nhắn khắc tên cây rừng như “thông điệp của một thời gian khổ” và bè cao với tiếng cười rúc rích phát ra từ những câu “chuyện tiếu lâm” thủ thỉ kể trong đêm rừng cho “khuây nỗi nhớ”. Khúc 3 chát chuá, đe dọa bởi tiếng máy, tiếng quạt của “thằng OV.IO” vút qua đầu, tiếng “thốt kêu lên” của chàng chiến sĩ Long, tiếng ngân vang của “con sông hát”, tiếng “cười vang” chờ “ba mươi phút nữa hành quân”.
Khúc 4 là khúc thầm thì tư riêng nhớ người yêu Hà Nội. Khúc 5 là khúc ác liệt với âm thanh “gió ào ã trên đầu lá thầm vỡ dưới chân” hòa với “khúc hát bâng quơ” mơ về phía đồng bằng chen trong dàn “đồng ca” của những chú ve rừng. Không khí hi sinh và tưởng niệm với bè trầm “không yên nghỉ”, bè trung “bạn thương mến” và bè cao trong trẻo của “khoảng trời trong trẻo nhất”. Khúc 6 rộn rã niềm tin yêu của người lính trẻ giữa rừng già với những câu “chuyện vui đến nỗi rừng mê” và “sau bom rách xé tiếng ve lại đầy”. Khúc 7 khép lại chương 1 với âm thanh “yếu mềm và mãnh liệt” của cỏ, nhưng với một thông điệp rõ ràng, dứt dạc, mạnh mẽ: “chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi đất nước/ cỏ sắc mà ấm quá, phải không em ?” Nhà thơ Đào Nguyễn - tức nghệ sĩ nhân dân - đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Đào Trọng Khánh đã có lần nói với Thanh Thảo: “ Tôi xếp câu thơ “cỏ sắc mà ấm quá, phải không em ?” của Thanh Thảo vào hàng những câu thơ viết về cỏ (và người) hay nhất mọi thời đại”.
Chương 2 “Nguồn sông hát” là chương hòa âm về nguồn cội của những bài ca tuổi trẻ với chủ âm “muôn đời là nhân dân chắp cho chúng ta đôi cánh những bài ca”. Vì cấu trúc trường ca là cấu trúc nhạc giao hưởng nên ta dễ nhận ra ở chương này rất nhiều những âm thanh với nhiều bè nhiều giọng: “anh đã đến trước tôi một mùa kháng chiến/ tiếng ghi ta bếp lửa đêm rừng…/ …trái tim anh rung giữa những dây đàn/ giữa những dây đàn bỗng dòng sông chảy xiết/ và cô gái hiện lên đột ngột/ cất giọng hát như một luồng gió ngược/ cuốn ta về nguồn sông”.
Chương 3 “Địa hình” là chương giao hưởng của đất. Bè trầm ẩn dưới lòng địa đạo, bè trung là âm thanh sự sống trên “địa hình”, bè cao là tiếng gầm rú đe dọa của B.52 Mỹ và khép lại với bè chủ là tiếng đàn chiến thắng của Tám Hùng để “điệu lý thương yêu dâng ngập bầu trời” át cả tiếng bom rền của giặc: “ta bỗng hiểu ngay phút giây này những năm tháng này đây/ những gì của ta sẽ biết còn biết mất/ trước luồng sáng địa hình bùng tận mắt/ soi rất rõ trong đêm - từng gương mặt/ và điệu lý thương yêu dâng ngập bầu trời”. Khúc Vĩ thanh “Tới biển” là khúc khải hoàn giải phóng miền Nam sau một chặng đường dài gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ từ Bắc vào Nam, rừng về với biển: “những dòng sông băng qua những vết thương/ về với biển đâu phải tìm yên nghỉ/ tới cửa sông là bắt đầu sóng gió/ những cây giá xoay trần ngâm nước giữ phù sa/ nơi trộn lẫn mặt trời muối mặn đời ta/ Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển/ ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến/ mắt dõi nhìn hút cánh hải âu bay”. Tính hoành tráng, không khí sử thi là đặc điểm nổi bật của trường ca. Điều này lý giải tại sao trong và sau hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc (chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ), trường ca hiện đại Việt Nam mới ra đời, mặc dù thơ ca hiện đại Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao từ “Thơ Mới”.
Chương 3 “Địa hình” là chương giao hưởng của đất. Bè trầm ẩn dưới lòng địa đạo, bè trung là âm thanh sự sống trên “địa hình”, bè cao là tiếng gầm rú đe dọa của B.52 Mỹ và khép lại với bè chủ là tiếng đàn chiến thắng của Tám Hùng để “điệu lý thương yêu dâng ngập bầu trời” át cả tiếng bom rền của giặc: “ta bỗng hiểu ngay phút giây này những năm tháng này đây/ những gì của ta sẽ biết còn biết mất/ trước luồng sáng địa hình bùng tận mắt/ soi rất rõ trong đêm - từng gương mặt/ và điệu lý thương yêu dâng ngập bầu trời”. Khúc Vĩ thanh “Tới biển” là khúc khải hoàn giải phóng miền Nam sau một chặng đường dài gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ từ Bắc vào Nam, rừng về với biển: “những dòng sông băng qua những vết thương/ về với biển đâu phải tìm yên nghỉ/ tới cửa sông là bắt đầu sóng gió/ những cây giá xoay trần ngâm nước giữ phù sa/ nơi trộn lẫn mặt trời muối mặn đời ta/ Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển/ ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến/ mắt dõi nhìn hút cánh hải âu bay”. Tính hoành tráng, không khí sử thi là đặc điểm nổi bật của trường ca. Điều này lý giải tại sao trong và sau hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc (chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ), trường ca hiện đại Việt Nam mới ra đời, mặc dù thơ ca hiện đại Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao từ “Thơ Mới”.
Chính Thanh Thảo đã từng nhận xét: “Thể loại anh hùng ca thường gắn với những thời điểm trọng đại của lịch sử, nó trước tiên là kết quả của sự lựa chọn tư tưởng của nhà thơ, nó luôn cực đoan trong sự khách quan, nó là lịch sử được hát lên, là văn xuôi được trào lên như phún thạch núi lửa”. Về nguồn gốc trường ca, Thanh Thảo phát biểu: “Khi những cảm nhận cá nhân và không khí chung của một xã hội, một dân tộc còn chưa nguôi, chưa lặng, đó là thời điểm của xuất hiện những anh hùng ca, những trường ca” (3,tr.82). Như vậy, từ lý thuyết thể loại đến thực tiễn sáng tác, Thanh Thảo là người đã thể hiện rõ nhất tính nhất quán theo yêu cầu và đặc trưng của thể loại trường ca. Nếu “Bùng nổ của mùa xuân” gắn chặt cảm xúc của nhà thơ với sự kiện cách mạng lớn của Quảng Ngãi nói riêng và vùng đất khu Năm nói chung trước khi Cách mạng tháng Tám thành công thì “Những người đi tới biển” lại gắn chặt với từng chặng đường trong cuộc hành trình gian lao của cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy bi thương và hào hùng của dân tộc. Gọi Thanh Thảo là “ông hoàng của trường ca” chính vì lẽ đó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Những người đi tới biển, Thanh Thảo, Nxb Văn học, 1987. 2. Bùng nổ của mùa xuân, Thanh Thảo, Sở VHTT Quảng Ngãi, 2000. 3. Mãi mãi là bí mật, Thanh Thảo, Nxb Lao động, 2004. 4. Cảm nhận và phê bình văn học, Lê Xuân Lít, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.