Thi công đường cáp quang thuộc dự án mở rộng đường Lê Trung Đình, TP. Quảng Ngãi, hai ngày qua, các công nhân của chi nhánh Công ty viễn thông Viettel Quảng Ngãi đã đào đường phát hiện tại ngã tư đường Lê Trung Đình - Nguyễn Du nhiều bình gốm cổ có niên đại vào thế kỷ 17.
Bà Lê thị Chung, phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi đang kiểm tra các bình gốm cổ vừa được tìm thấy.
|
Theo người dân địa phương, các bình gốm cổ này dân gian thường gọi là “Ông Bình Vôi”. Ngày xưa, vào dịp lễ, tết, các cụ già thường hay mang bình gốm đựng vôi ra tế thần ở gốc đa hoặc để sau đình làng. Trải qua bao binh biến lịch sử, các bình gốm cổ bị vùi lấp dần tại khu vực này.
Tại hiện trường, hố khai quật chỉ rộng khoảng 1 m nhưng có đến 28 hiện vật bình gốm cổ phong phú về loại hình, kiểu dáng, hoa văn chạm khắc tinh xảo nằm dưới mặt đất khoảng 70 cm. Đặc biệt các bình gốm có chạm khắc hình hoa thị, dấu tích vỏ sò trên men gốm và màu men đa dạng trông đơn sơ mà rất quý phái.
Bà Lê Thị Chung, phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi nhận định: “Chỉ một hố nhỏ nhưng đã phát hiện nhiều bình gốm cổ với nhiều màu men gốm khác nhau. Dựa vào những hoa văn, họa tiết đặc trưng trên các bình gốm, đây đích thị là những bình gốm được sản xuất vào khoảng thế kỷ 17 thuộc lò gốm nổi tiếng Quảng Đức (Phú Yên) thuở trước.
Sản phẩm Bình vôi gốm cổ này thuộc loại hình sớm gốm Quảng Đức từ lâu đã bị thất truyền ở khu vực miền Trung nay mới được tìm thấy tại khu vực này".
Theo SGTT