TRẦN ĐĂNG
(QNĐT) - Trong hai ngày 28-29/4 tới, tại đảo Lý Sơn sẽ diễn ra Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ sẽ được tổ chức quy mô nhất từ trước đến nay. Đây là dịp để những công dân trên đảo tri ân các bậc tiền nhân ở Lý Sơn-những người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước.
Một lễ thức độc đáo
Chưa có tài liệu nào xác định Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa có từ bao giờ, chỉ biết rằng, hàng năm, cứ vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, các tộc họ trên đảo Lý Sơn đều tổ chức lễ này. Câu ca “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/tháng Hai khao lề thế lính Hoàng Sa” đã song hành cùng dân đảo từ hàng trăm năm nay.
Cụm tượng đài Hùng binh Hoàng Sa và nhà trưng bày vừa được xây mới tại Lý Sơn. Ảnh: T.Đ |
Quang cảnh của Lễ khao lề được tổ chức năm 2008. Ảnh: T.Đ |
Trong khi cử hành lễ, thầy pháp đã “yểm bùa” vào những chiếc thuyền và hình nhân này, để những người sắp lên đường ra Hoàng Sa an tâm rằng mình đã có người chết thế rồi. Gọi “thế lính” là vậy.
Còn gọi “tế lính” cũng chính là nghi thức cúng trong quá trình hành lễ, để tưởng nhớ những người đã hy sinh trước đó. Mỗi năm một dịp, người Lý Sơn tổ chức lễ này nên lâu ngày thành “lề”.
Sự độc đáo của lễ này ở chỗ, người ta không chỉ “tế” đơn thuần mà những hình thức chung quanh lễ ấy rất phong phú, vừa có phần liêu trai nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng. Nhìn vào những hình nhân, ai cũng tin rằng sẽ có người thế mạng cho con em mình nhưng vẫn hiện hữu một câu ca xa xót “Người đi thì có mà không thấy về”.
Do những biến cố của lịch sử, các cuộc ra đi nơi Hoàng Sa không còn nữa, song người dân Lý Sơn vẫn duy trì lễ khao lề, xem đó như một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của mình. Tổ chức lễ vừa là để tưởng nhớ đến tiền nhân, song cũng là để nhắc nhở với con cháu mình về một phần đất đai của Tổ quốc đã mất. Đó là Hoàng Sa.
Quy mô
Như đã nói, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ thức văn hóa mang tính tâm linh của hai vạn dân trên đảo Lý Sơn nên Nhà nước không đứng ra tổ chức mà “chủ tế” là các tộc họ trên đảo. Năm nay, lễ được tổ chức quy mô nhất từ trước đến nay, cả 13 tộc họ đồng loạt làm trong hai ngày 28 và 29/4.
Ngày đầu sẽ là lễ rước linh vị các hùng binh Hoàng Sa từ Âm linh tự về nhập điện đình làng An Vĩnh và sau đó có lễ cầu siêu, hội hoa đăng, một số trò diễn dân gian, các môn thể thao truyền thống.
Thả thuyền và hình nhân thế mạng trong Lễ khao lề. Ảnh: T.Đ |
Nhân dịp này, ngành văn hóa tổ chức Lễ khánh thành khu lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa (hay còn gọi kiêm quản Bắc Hải), bao gồm các hạng mục: đình làng An Vĩnh, tượng đài đội Hoàng Sa, Nhà trưng bày, miếu Hoàng Sa và các ngôi mộ cai đội Hoàng Sa vừa được xây dựng.
Cả hai lễ thức này đều tổ chức tại đình làng An Vĩnh. Đây là các di tích văn hóa từng song hành với dân Lý Sơn từ hàng trăm năm nay nhưng đã xuống cấp hoặc hư hỏng, nay có dịp trùng tu, phục dựng. Riêng cụm tượng đài và nhà trưng bày được xây mới hoàn toàn.
Theo dự kiến của ngành văn hóa, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay sẽ là bước tập dượt để đến năm 2012, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đăng cai tổ chức Festival biển đảo VN lần đầu tiên mà “hạt nhân” chính là lễ hội độc đáo này./.