(Báo Quảng Ngãi)- Cô giáo Bùi Thị Trinh, quê xã Đức Nhuận (Mộ Đức), có gần 30 năm công tác tại Trường Tiểu học Sơn Mùa (nay là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng), huyện Sơn Tây. Cô giáo Trinh luôn hết lòng vì học trò nghèo trên rẻo cao.
[links()]
Miệt mài vận động học sinh ra lớp
Có dịp theo cô giáo Trinh đến từng thôn vận động học sinh (HS) trở lại lớp học sau tết Nguyên đán, chúng tôi càng thấm thía nỗi vất vả của giáo viên ở miền núi. Khi cô giáo Trinh đến tập đoàn 1, thôn Huy Em, xã Sơn Mùa, vừa thấy cô giáo, em Đinh Thị Ngọc Ánh, HS lớp 3, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng, rụt rè chào cô. Cô Trinh lấy một ít bánh kẹo cho Ánh và ngồi trò chuyện với chị Đinh Thị Lành, mẹ của Ánh. Chị Lành chia sẻ, sau Tết, con còn ham chơi nên xin mẹ ở nhà và đòi lên rẫy. Cô Trinh đến vận động nên tôi không để con ăn Tết dài ngày ở nhà như mọi năm nữa... Sau một buổi đi vận động, gặp gỡ các phụ huynh, cô Trinh thở phào bảo, đa số các gia đình đều hứa cho con em đến trường đông đủ theo thời gian nhà trường quy định.
|
Sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cô Bùi Thị Trinh đến từng nhà vận động học sinh đi học trở lại. |
Cô Trinh kể, năm 1995, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, tôi lên dạy học ở huyện Sơn Tây. Để đến được trung tâm huyện Sơn Tây, tôi cùng nhiều giáo viên phải đi bộ từ huyện Sơn Hà lên. Vào được lớp “cắm bản” tại tập đoàn 1, xã Sơn Mùa càng gian khó hơn. Nhiều đoạn phải băng rừng tìm đường mòn mà đi. Những ngày đầu, thầy, cô giáo cùng đồng bào dựng lều bằng lồ ô, tre, nứa làm lớp học và chỗ ở. “Ngày ấy, chúng tôi vừa giảng dạy, vừa vận động các gia đình đưa trẻ ra lớp. Điều kiện ăn, ở đều nhờ vào dân. Bên cạnh dạy học cho học trò, vào ban đêm chúng tôi còn tham gia dạy các lớp xóa mù chữ cho người dân ở địa phương. Dù khó khăn, thiếu thốn, nhưng chúng tôi rất vui vì được người dân quý mến, giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục ở vùng khó”, cô giáo Trinh nhớ lại.
Hơn 10 năm “cắm bản” là những ngày tháng cô giáo Trinh cùng ăn, cùng ở với đồng bào vùng cao. Việc học trò Ca Dong biết đọc, biết viết và người dân ở địa phương không còn mù chữ là niềm vui, khích lệ để cô tiếp tục cống hiến.
Cô giáo như mẹ hiền
“Ngày xưa khó khăn, vất vả là thế mà mình không bỏ cuộc. Bây giờ cuộc sống đã tốt hơn, nên mình vẫn tiếp tục bám trường, bám lớp gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng cao, giúp học sinh người Ca Dong trang bị kiến thức để vững tin bước vào đời".
Cô giáo BÙI THỊ TRINH
|
Mỗi khi về quê, cô giáo Trinh tranh thủ kết nối nhiều tấm lòng thiện nguyện ở miền xuôi để mang đến những phần quà ý nghĩa cho học trò vùng cao như sách vở, quần áo... Cô giáo Trinh đã kịp thời giúp đỡ nhiều HS yên tâm đến trường. Em Đinh Văn Sang, ở thôn Huy Em, xã Sơn Mùa là một trong những trường hợp ấy. Hoàn cảnh của Sang rất khó khăn khi thiếu sự bao bọc của cha lẫn mẹ. Trước nguy cơ học trò bỏ học giữa chừng, cô giáo Trinh đã mua quần áo, sách vở, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ để Sang thực hiện ước mơ đến trường. Cô giáo Trinh cũng đã giúp em Đinh Thị Thức chữa trị bệnh để đi học trở lại... Với các em HS ở đây, cô Trinh vừa là cô giáo, vừa là mẹ hiền luôn ở bên cạnh giúp đỡ, bảo bọc các em.
Để học trò vùng cao hiểu và học tốt tiếng Việt, cô Trinh vừa dạy, vừa dịch tiếng Việt sang tiếng Ca Dong. Trong quá trình giảng dạy, cô có nhiều sáng kiến giúp HS phát âm đúng chuẩn tiếng Việt.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng Nguyễn Minh Anh nhận xét, cô giáo Bùi Thị Trinh rất chịu khó, năng nổ, hết lòng vì HS. Nhiều năm liền cô giáo Trinh được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2013, cô Trinh được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong giảng dạy.
Bài, ảnh:
KIM NGÂN