(Báo Quảng Ngãi)- Đó là “Thư viện Xanh” mà Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa trao tặng cho Trường THCS Hành Tín Tây (Nghĩa Hành).
[links()]
Những năm qua, BSR đã hỗ trợ xây dựng nhiều trường học, giúp các em học sinh nghèo ở các huyện miền núi Quảng Ngãi có thể đến trường, giúp thầy cô giáo khó khăn đứng vững trên bục giảng.
Nhưng đây là lần đầu tiên, BSR tặng cho một trường học bậc THCS một “Thư viện Xanh”, với nhiều chủng loại sách, cùng không gian đọc sách và cả không gian thư giãn cho các em học sinh sau những giờ học mệt nhọc.
“Thư viện Xanh” là một phát kiến gần đây ở nước ta, là một dạng thư viện không lớn, không phải là thư viện cung cấp các loại sách nghiên cứu dành cho những người đã và đang học trên đại học, mà chỉ là dạng thư viện nhỏ dành cho học sinh phổ thông, THCS hay THPT. Nói thư viện là phải nói đến sách. “Thư viện Xanh” có các chủng loại sách phù hợp với học sinh tuổi mới lớn, có từ truyện tranh tới sách văn học, các loại sách dạy kỹ năng sống, những cuốn sách hướng học sinh tìm hiểu và yêu thương cha mẹ mình, yêu cuộc sống, mong muốn sau này sẽ làm được những việc có ích cho xã hội, có thu nhập cho gia đình, có thể giúp cho mình phát triển những khả năng còn tiềm ẩn để thành người sống có lý tưởng, sống có mục đích tốt đẹp, sống vì cộng đồng, vì xã hội.
Nhà thơ Thanh Thảo tham quan “Thư viện Xanh” tại Trường THCS Hành Tín Tây (Nghĩa Hành). Ảnh: Đ.Chính |
Ngày tôi còn nhỏ, ở quê thời kháng chiến chống Pháp, tôi rất mê đọc sách nhưng lúc bấy giờ làm gì có sách mà đọc. Có vài cuốn sách chính trị của bố tôi thì tôi đọc không hiểu, nhưng tôi vẫn đọc, vì không có lựa chọn nào khác.
Bây giờ, các em bé, các bạn trẻ đã có cả một thế giới sách trước mắt mình, dù sự phân phối sách tới các em bé hay các bạn học sinh trẻ không đều. Có rất nhiều học sinh ở miền núi không có sách để đọc, trong khi nhiều thư viện ở các thành phố khá nhiều sách nhưng lại ít người đọc.
Sáng kiến xây dựng những “Thư viện Xanh”, đưa sách tới những vùng sâu vùng xa, tới những lớp học trường học miền núi còn nhiều khó khăn, là một sáng kiến vô cùng hữu ích và nhân ái. Theo chỗ tôi biết, ở những nơi khó khăn ấy, bây giờ vẫn có những em học sinh giỏi văn, có năng khiếu văn học. Chỉ cần có sách tốt để đọc, các em sẽ trau dồi được cách viết của mình, sẽ mở rộng tầm nhìn trong các bài viết tự luận của mình, và có thể chăng, sẽ tham gia và đạt thành tích từ các kỳ thi học sinh giỏi ở các cấp học, các vùng địa lý, từ cấp huyện tới cấp tỉnh, tới cấp quốc gia.
Một em học sinh lớp 7 của Trường THCS Hành Tín Tây, một trường miền núi khó khăn vừa được BSR tài trợ một “Thư viện Xanh” xinh nhỏ và đầy đủ sách vở, tiện nghi, đã vui mừng phát biểu: “Tất cả học sinh chúng em rất vui mừng khi được sự quan tâm, tạo điều kiện của các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm để có được “Thư viện Xanh” khang trang, đẹp đẽ và đầy đủ sách vở, tài liệu học tập như thế này. Chúng em giờ đây đã có một không gian sinh hoạt và đọc sách thật thú vị”.
Cần có nhiều “Thư viện Xanh” như thế này ở các trường học vùng sâu vùng xa, các trường ở miền núi để học sinh chúng ta làm quen với sách, được đọc sách và “lớn lên cùng sách”.
THANH THẢO